Hà Nội

Hạt hồng xiêm nằm "yên vị" 10 năm trong phế quản nữ giáo viên

04-02-2019 07:11 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương vừa nội soi gắp ra dị vật là hạt hồng xiêm trong phế quản một bệnh nhân là nữ giáo viên. Thật bất ngờ, nguyên nhân được xác định là do lần hóc hạt hồng xiêm từ...10 năm trước.

Bệnh nhân là L.T.H (41 tuổi, làm nghề giáo viên). Bệnh nhân cho biết xuất hiện triệu chứng ho kéo dài suốt chục năm nay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán viêm họng mạn tính, điều trị không khỏi.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đã bi quan khi cho rằng tại mình làm nghề giáo viên nên phải chịu cái "nghiệp" này, rất khổ sở, tinh thần sa sút nghiêm trọng.

Theo TS.BS Vũ Khắc Đại - Phó Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương và đã được chụp cắt lớp vi tính ngực. Kết quả phát hiện dị vật phế quản, được gửi tới khoa nội soi để lấy dị vật.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân.

Tại đây, các y bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân và sau 10 phút các y bác sĩ khoa nội soi chẩn đoán và can thiệp đã gắp thành công dị vật hạt hồng xiêm ra khỏi phế quản người bệnh. Ngay sau đó, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, hết ho.

Được biết, nữ bệnh nhân kể trên bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp. Và nguyên nhân dẫn đến việc dị vật bỏ quên là do trong lúc ăn uống bị sặc thức ăn, dị vật rơi vào đường hô hấp.

Với những trường hợp bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp nhiều năm thường có hai khả năng xảy ra, một là người bệnh không biết mình bị dị vật đường hô hấp lúc nào do nó luôn xảy ra bất ngờ và đột ngột; hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.

Thông thường, những bệnh nhân bị dị vật bỏ quên thường có triệu chứng ho, khó thở, khạc đàm… rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về phổi khác. Ngoài ra, riêng với trường hợp mắc dị vật là các hạt trái cây, việc chụp X - quang càng không thể phát hiện có dị vật trong đường hô hấp.

Trước đây, đã có rất nhiều trường hợp hóc dị vật là các hạt trái cây mà người bệnh không hề hay biết. Dị vật có thể nằm kéo dài chục năm trong cơ thể bệnh nhân gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Qua ca bệnh này, bác sĩ Vũ Khắc Đại khuyến cáo người dân khi ăn hồng xiêm nên cắt ngang quả, bỏ hạt trước khi ăn. Nếu sau khi ăn, uống có tình trạng hóc dị vật thoáng qua (thường biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa một lúc rồi hết), sau đó xuất hiện tình trạng ho kéo dài, người bệnh nên đi khám chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng để phát hiện nguy cơ có dị vật bỏ quên trong phế quản.


D.Hải
Ý kiến của bạn