Sau khi hắt hơi, tình trạng của mũi có thể trở lại bình thường hoặc hắt hơi còn tiếp diễn sau đó có thể kèm theo sốt, chảy mũi, ngạt mũi, ho, khàn tiếng, thậm chí mất tiếng. Vậy hắt hơi báo hiệu điều gì và ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Hắt hơi do đâu?
Ngày nay, bên cạnh sự biến đổi nhiều mặt của khí hậu, cuộc sống nơi công sở khi làm việc trong phòng kính kín, sử dụng điều hoà nhiệt độ đã làm tăng số lượng người bị hắt hơi lên đáng kể. Đôi khi chỉ cần thời tiết sắp thay đổi là đã bị hắt hơi liên tục. Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường hay sự nở rộ của các loài hoa cũng khiến những người bị dị ứng mũi họng rất ngại, họ biết trước được rằng cứ đến mùa đó họ lại bị hắt hơi thường xuyên nên rất khó chịu mà không thể phòng tránh được, trừ khi họ thay đổi môi trường sống.
Người bệnh có thể hắt hơi từng cái một hoặc hắt hơi từng tràng, vài chục cái một lúc rất khó chịu. Hắt hơi hay xuất hiện vào sáng khi vừa thức giấc hoặc đang từ ngoài bước vào phòng điều hoà. Khai thác tính chất của hắt hơi, người bác sĩ có thể phân loại một cách tương đối nguyên nhân gây hắt hơi là do viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng. Hiện tượng hắt hơi thường kèm thêm dấu hiệu chảy mũi và ngạt tắc mũi, đau nhức đầu theo các vị trí khác nhau.
Các bệnh về mũi xoang gây hắt hơi.
Phòng bệnh và điều trị
Như trên đã nói, hắt hơi là triệu chứng thường gặp ở những người bị mắc bệnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, hơn nữa bệnh lại có tính chất gia đình. Khi khám thấy niêm mạc mũi của những người này thường phù nề, nhợt nhạt hoặc có màu tím nhạt, có thể có những khối gọi là polip do sự thoái hoá của niêm mạc mũi trong tình trạng bị viêm lâu ngày gây nên. Cần tìm đúng nguyên nhân để cắt triệu chứng hắt hơi. Ở một số người bệnh, hắt hơi xuất hiện vào những mùa nhất định trong năm. Họ có thể phòng trước mùa bị bệnh khoảng 1 tháng bằng uống các thuốc kháng histamin H1(telfast, clarityne…) hoặc dùng các thuốc steroid dạng xịt tại mũi như rhinocort, budenase, nasonex…. Tránh những tác nhân mà khi tiếp xúc gây ngứa mũi và hắt hơi.
Những người hay bị hắt hơi như vậy phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, khẩu trang khi đi đường, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng, trước khi vào phòng điều hoà nên hít một hơi thật sâu sau đó thở ra khi bước chân vào phòng để không khí ấm hơn ngay khi hít hơi lần 2 rồi quen dần với không khí đó… Nếu dấu hiệu đi cùng là ngạt mũi ngày càng tăng, dịch mũi chảy ra màu vàng xanh thì phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí, phế quản làm cho thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. Trường hợp cần thiết chỉ định phẫu thuật nội soi cũng được đặt ra để giải quyết tình trạng polip mũi…
Điều trị viêm mũi dị ứng hay viêm mũi vận mạch cần giải thích rõ ràng với người bị bệnh vì phải có sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân và thầy thuốc do quá trình điều trị thường kéo dài 3 - 6 tháng. Điểm lưu ý khi điều trị những bệnh nhân này là các thuốc kháng histamin rất dễ gây quen thuốc, do đó, việc điều trị duy trì dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân.