Hạt hẹ còn có tên khác là cửu tử. Theo Đông y, cửu tử vị cay tính ôn; vào can thận, có công năng can thận tráng dương ích tinh. Dùng cho các trường hợp liệt dương, di tinh, di niệu, đau lưng do lạnh, đau mỏi lạnh chân (yêu tất lãnh thống), huyết trắng đái hạ. Hằng ngày có thể dùng 5 - 12g dưới dạng bột hoặc rượu.
Hạt hẹ được dùng làm thuốc chữa các bệnh:
Nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới: hạt hẹ ngâm giấm, rang khô, tán bột; dùng mật ong làm hoàn, viên bằng hạt đậu. Ngày uống 3 - 5g, uống vào lúc đói với rượu nóng.
Rượu bổ dùng cho nam giới: hạt hẹ 200g, tằm đực khô 1.000g, dâm dương hoắc 600g, câu kỷ tử 200g, kim anh tử 500g, ngưu tất 300g, ba kích 500g, thục địa 400g, sơn thù 300g, mật ong 4 lít, rượu 40 độ 20 lít. Ngâm 20 - 30 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Công dụng: Tăng cường hoạt động sinh dục.
Chữa bế kinh: hạt hẹ 10g, hạt dành dành 10g. Hãm sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.
Chữa liệt dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm: hạt hẹ 20g, kỷ tử 30g, ba kích 15g, hồng sâm 20g, lộc nhung 10g, đường phèn 200g, rượu trắng 1.000ml. Ngâm 15 - 30 ngày. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 15 - 30ml.
Món ăn thuốc có hạt hẹ:
Cháo hạt hẹ: hạt hẹ 100g, gạo lứt 300g. Tất cả nấu cháo, lọc gạn lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho bệnh nhân mệt mỏi suy nhược, di tinh, di niệu.
Nước hồ hạt hẹ: hạt hẹ 200g tán mịn, hòa với nước gạo rang, thêm đường cho uống. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8 - 10g. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng lỵ.
Canh cá: cá giếc 1 con, bột hạt hẹ 20g (hoặc rau hẹ 40 - 50g). Cá giếc làm sạch, nấu canh với bột hạt hẹ. Ngày 1 con; dùng trong 7 - 10 ngày. Trị lỵ.
Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng không nên dùng.