Về thành phần hoá học, nhân hạt gấc tương đối khô nước (6% nước), nhưng lại có nhiều dầu (55,3% chất béo), 16,6% protein, 2,9% gluxid, 1,8% tanin và 11,7% chất không xác định được. Ngoài ra, còn có các men photphataza, invectaza, peroxydaza...
Theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng. Hạt gấc có thể dùng uống (ngày 1 nhân nướng chín), nhưng chủ yếu là dùng bôi ngoài không kể liều lượng, có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng, dùng trong những trường hợp ngã, bị thương, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng.
Trong nhân dân, nhiều gia đình có thói quen để dành hạt gấc sống, hoặc đã qua đồ xôi, để khi cần đến thì chặt đôi đem mài với ít rượu, hoặc giấm thanh để bôi chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị... rất mau khỏi. Bôi nhiều lần trong ngày cứ khô lại bôi. Hoặc giã nhân hạt gấc với một ít rượu đắp lên chỗ vú sưng đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần sẽ chóng khỏi. Chữa trĩ, lòi dom, thì dùng hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải đắp vào hậu môn để suốt đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
BS.Vũ Nguyên Khiết