Hạt cơm (warts) hay còn gọi là mụn cóc, là một bệnh thường gặp. Nguyên nhân do Human papilloma virut (HPV) gây nên. Có nhiều hình thái hạt cơm, trong đó hay gặp là hạt cơm phẳng (flat wart). Tổn thương là các sẩn nhỏ, đường kính 1-3mm, đôi khi lớn hơn do các tổn thương cụm thành một sẩn lớn. Vị trí khu trú: hay bị ở mặt (trán, má, cằm), mu tay, mu chân, cổ tay, đầu gối. Số lượng thường rất nhiều, hàng trăm hoặc hàng nghìn sẩn. Sẩn nổi cao hơn bề mặt da chừng 1-2mm, bề mặt sẩn mềm mại, bằng phẳng. Màu sắc hơi hồng, nâu nhạt. Có một số trường hợp có màu đen xạm hẳn, khi tổn thương bị ở trên mặt thì trông giống như bị xạm da. Thường thì bệnh nhân không ngứa hoặc ngứa nhẹ. Bệnh hay phát ở tuổi trẻ, thường đa số dưới 30 tuổi. Bệnh lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với tổn thương.
Chăm sóc tại chỗ: Vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối hòa loãng ngày 2 lần. Tránh gãi, cạo, chà xát làm trầy xước tổn thương vì có thể gây nhiễm trùng bồi phụ và lây nhiễm virut sang vùng khác. Tránh tiếp xúc trực tiếp chỗ có tổn thương với người khác, không sử dụng chung bít tất, giày dép, vật dụng cá nhân để hạn chế lây lan cho người khác.
Điều trị: Các trường hợp tổn thương ít và nhỏ thì có thể chấm các chế phẩm làm bạt sừng, bong vảy đồng thời lấy đi luôn tổ chức bị bệnh và virut như: salicylic 5-10%, acid trichloracetic 33%, duofilm, các thuốc pha chế...
Có thể thể đốt điện hoặc lấy tổn thương đi bằng plasma. Nhưng tốt nhất là dùng laser CO2. Có thể bôi tê hoặc tiêm thuốc tê trước khi phẫu thuật bằng laser CO2. Rất nhiều ưu điểm khi sử dụng laser CO2: ít gây chảy máu, ít gây phù nề do tia laser CO2 hàn kín luôn các mạch máu và mạch bạch huyết trong quá trình trị liệu. Đặc biệt sau laser CO2 ít gây nhiễm trùng và không để lại sẹo. Tuy nhiên, laser CO2 chỉ được áp dụng ở các cơ sở y tế hiện đại và có thể tái phát bệnh ở 20-40% các trường hợp.
TS. Nguyễn Thị Lai