Hà Nội

Hạt cơm - Bệnh ngoài da thường gặp

19-02-2011 08:24 | Tin nóng y tế
google news

Hạt cơm là bệnh da thường gặp do virut HPV (Human Papilloma Virus) gây nên. Trong những năm gần đây, số bệnh nhân bị hạt cơm đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày càng tăng (chiếm 2,3% số bệnh nhân đến khám). Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam (55,7% và 44,3%).

Hạt cơm là bệnh da thường gặp do virut HPV (Human Papilloma Virus) gây nên. Trong những năm gần đây, số bệnh nhân bị hạt cơm đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày càng tăng (chiếm 2,3% số bệnh nhân đến khám). Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam (55,7% và 44,3%).

Hạt cơm có hai loại là hạt cơm thường và  hạt cơm phẳng. Hạt cơm thông thường do HPV týp 2, 4, 27, 29 gây nên. Tổn thương cơ bản là sẩn sừng thô ráp, kích thước từ 0,3 - 1 cm, màu da bình thường, vị trí hay gặp vùng da dễ bị sang chấn như mặt duỗi các khớp liên đốt hay khớp bàn đốt hoặc ở vùng tỳ đè của bàn chân. Hạt cơm phẳng biểu hiện là các sẩn hơi nổi cao trên mặt da ít sần sùi kích thước nhỏ từ 1 - 5mm, hình tròn hay hình đa giác màu da hay thẫm màu, ranh giới rõ đứng riêng rẽ hay thành đám, đôi khi thành dải (dấu hiệu Koebner). Vị trí hay gặp ở mặt, cánh tay và thân mình.

Hạt cơm thường: Do HPV týp 2 gây nên. Thương tổn là tổn thương sùi ra ngoài bề mặt hình bán cầu hoặc dẹt đường kính vài mm đến 1- 2cm, ở trung tâm có thể lõm xuống. Bề mặt hạt cơm tăng gai, thậm chí tạo thành rãnh, thành khía. Quanh các đám dầy sừng lại có những đám dầy sừng kế cận tạo thành như miệng giếng. Số lượng thay đổi từ một vài cái đến vài chục cái, đôi khi tập hợp lại. Vị trí hay gặp ở mu tay và các ngón, ít gặp ở lòng bàn tay. Hạt cơm filiformes vị trí ưu thế của các hốc tự nhiên (bán niêm mạc) hoặc vùng cổ, vùng mọc râu (tự lây nhiễm bởi cạo râu) thường kết hợp với các tổn thương hình bán cầu, bề mặt bóng. Hạt cơm ở tay được gây ra bởi HPV2 và HPV1 (13%). Hiếm gặp hơn là những tổn thương sùi ở trong hoặc ra ngoài, kết hợp với HPV4 hoặc HPV7.

Hạt cơm phẳng: Do HPV týp 3,10 gây nên. Tổn thương là những sẩn nhỏ hiếm khi nổi cao, màu vàng hoặc màu vàng nhạt, bề mặt bóng, mảnh, thường tập trung thành dải (do khi bệnh nhân gãi hạt cơm có thể mọc theo vết xước gọi là hiện tượng Kobner) hoặc tạo thành mảng, cảm giác thường hơi ngứa. Vị trí ưu thế ở mặt mu tay, ngón tay, cánh tay, đầu gối và mặt trước cẳng chân. Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn nổi cao hoặc kích thước lớn. Nó tồn tại dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể có dấu hiệu viêm ở xung quanh hoặc có vòng giảm sắc tố.

Về điều trị:Hạt cơm tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng đôi khi ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay chưa có một phương pháp điều trị nào có thể đảm bảo khỏi bệnh hay tránh được tái phát nên việc điều trị chỉ nhằm mục đích tạo ra những khoảng thời gian “không có hạt cơm” càng lâu càng tốt mà không tạo sẹo. Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, mục đích của điều trị là chỉ kiểm soát được kích thước và số lượng của hạt cơm.

Các nhà khoa học đã tìm ra được một số phương pháp loại bỏ hạt cơm đó là: Dùng nitrogen lỏng để gây mất sắc tố, phương pháp này hữu hiệu đối với những mụn cơm khô ở trên mặt, mu bàn chân, dương vật. Đối với các hạt cơm ở lòng bàn chân người ta có thể điều trị bằng cách cắt bớt mụn cơm, sau đó bôi acid salicylic 40% rồi băng lại, có thể để băng trong 5 ngày rồi bỏ đi, tiếp tục làm như thế trong hằng tuần hay hằng tháng để trừ hẳn mụn cơm. Phương pháp này an toàn, hiệu quả và hầu như không có tác dụng phụ. Ngoài ra còn có thể dùng kem  hoặc gel đặc trị để bôi lên hạt cơm. Liệu pháp laser CO2 đặc biệt có hiệu quả để điều trị mụn cơm tái phát, mụn cơm dưới móng, mụn cơm gan bàn chân.

Phòng bệnh hạt cơm: Trước hết phải tránh tiếp xúc, không nên cào hay gây tổn thương hạt cơm. Những hạt cơm ở vùng hậu môn sinh dục có thể gây lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, vì thế phải dùng bao cao su khi quan hệ để tránh nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó phải vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Khi mắc hạt cơm, không được tự ý cậy, tẩy, bóc gây tổn thương dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu bạn mắc hạt cơm, tốt nhất là tới bác sĩ da liễu để điều trị càng sớm càng tốt. 

  BS. Vũ Thu Dung


Ý kiến của bạn