Hấp lực từ tế bào gốc

20-02-2015 14:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Tế bào gốc (TBG) hay tế bào mầm (stem cell) có tính năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào chuyên biệt (TBCB) thay thế cho các tế bào các mô, các cơ quan bị tổn thương, hủy hoại.

Tế bào gốc (TBG) hay tế bào mầm (stem cell) có tính năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào chuyên biệt (TBCB) thay thế cho các tế bào các mô, các cơ quan bị tổn thương, hủy hoại. Liệu pháp TBG đang có một hấp lực lớn đem lại một số hiệu quả chữa bệnh lẫn làm đẹp. Tuy nhiên, không nên thần thánh hóa, coi TBG là liệu pháp vô song.

Liệu pháp tế bào gốc không phải dễ và rẻ?

Có hai cách thực hiện liệu pháp TBG. Cách thứ nhất: lấy TBG của người bệnh (từ tủy xương, từ da, mỡ) rồi cấy vào cơ quan bị hư hỏng của chính người bệnh ấy; để chúng biệt hóa thành các TBCB mới, thay thế các TBCB bị hỏng. Cách này được gọi là “dùng TBG tự thân”. Các TBG tự thân vốn của chính cơ thể nên không bị phản ứng thải loại.

Cách thứ hai: lấy TBG của người khác (dự trữ ở ngân hàng TBG), cấy vào cơ quan bị hỏng của người bị bệnh. Khó khăn thứ nhất là TBG đó có thể không phù hợp, bị phản ứng thải loại. Muốn tránh điều này phải thử xem TBG định cấy ghép có “phù hợp” với người bệnh không. Khó khăn thứ hai, cơ thể người trưởng thành tuy có TBG nhưng có số lượng TBG còn non rất ít, việc tách riêng chúng ra vô cùng khó khăn, tốn kém. Khắc phục điều này bằng cách lấy TBG còn non, có sẵn ở máu dây cuống rốn. Khi sinh, sản phụ ký gửi lại máu dây cuống rốn (DCR) tại ngân hàng dự trữ TBG. Khi trẻ lớn lên hay những người trong gia đình bị bệnh, có thể dùng ngay TBG máu DCR đó để ghép, sẽ phù hợp, không bị phản ứng thải loại. Những người bệnh khác không TBG máu DCR của gia đình, khi cần phải dùng TBG từ máu DCR của người khác, bắt buộc phải thử tính “phù hợp”.

DCR dùng để lấy máu dự trữ TBG cũng phải có tiêu chuẩn khá chặt chẽ: sản phụ không quá 35 tuổi, sức khỏe tốt, sinh con đủ tháng, không bị sinh non, không bị tai biến lúc chuyển dạ, không sốt, con sinh ra đủ cân nặng (2,8kg), không bị dị dạng, người mẹ cũng như con sinh ra không bị các bệnh truyền nhiễm, lượng máu của DCR ít nhất phải là 70ml. Máu dây cuống rốn phải được bảo quản thường xuyên trong môi trường nitơ lỏng âm 1500C. Các chi phí khâu thanh lọc, xét nghiệm kiểm tra trước và sau khi lấy máu, bảo quản một mẫu DCR ban đầu hết khoảng 25 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm phải đóng thêm 2,5 triệu đồng phí ký gửi. Không phải gia đình nào cũng có đủ tiền làm điều này. Ngân hàng dự trữ TBG phải chọn lọc lấy máu dây cuống rốn trong cộng đồng để sau đó dùng cho những người có nhu cầu, rồi thu lại phí từ người bệnh, dĩ nhiên cũng không hề thấp. Trong khi đó, một mẫu máu DCR chỉ đủ TBG chữa cho 1 người bệnh nặng 20 - 30kg! Do vậy, không thể muốn có bao nhiêu mẫu máu cuống rốn dự trữ cũng được, không phải người nào cũng đủ khả năng chi trả để tiếp nhận liệu pháp TBG!

Thế giới đã làm được gì, nước ta đã ứng dụng đến đâu?

Về mặt lý thuyết, TBG có thể biệt hóa thành nhiều loại TBCB; có thể dùng chữa mọi cơ quan bị hư hỏng, mọi bệnh tật. Nhưng thực tế vì chưa tìm ra nhiều “điều kiện định hướng” để biệt hóa TBG theo ý đồ, nên không phải cơ quan nào bị hư hỏng, cũng đều có thể dùng liệu pháp TBG. Bệnh Alzhieme là do các mảng amiloid làm nghẽn dẫn truyền thần kinh, bệnh đái tháo đường là do tế bào bêta tuyến tụy bị suy yếu, hủy hoại. Cho đến nay, chưa thấy có nghiên cứu nào dùng liệu pháp TBG chữa khỏi.

Do điều này, trên thế giới, có thể chia ra 3 mức dùng liệu pháp TBG.

Có những bệnh có thể dùng liệu pháp TBG chữa khỏi chắc chắn, an toàn; có thường quy kỹ thuật ổn định; được cơ quan quản lý cấp phép. Thí dụ: dùng TBG máu DCR đễ chữa các bệnh ung thư bạch cầu dòng tủy, bệnh thiếu máu di truyền.

Có những bệnh đã dùng liệu pháp TBG thử nghiệm chữa khỏi trên người nhưng chưa đủ số liệu cần thiết để chứng minh tính hiệu quả an toàn; chưa có thường quy kỹ thuật ổn định, nên chưa được cơ quan quản lý cấp phép. Với loại bệnh này các bệnh viện vẫn chữa, khi người bệnh tự nguyện chấp nhận; bệnh viện và người bệnh phải tự chịu trách nhiệm. Ví dụ: tại Mỹ đã thử nghiệm thành công dùng TBG chữa 200 trường hợp viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng hiện vẫn chưa được cấp phép.

Có những bệnh mới thử nghiệm dùng liệu pháp TBG trên súc vật, kết quả có triển vọng song chưa hội đủ những yêu cầu cần thiết để thử trên người. Ví dụ: thử nghiệm dùng liệu pháp TBG để chữa bệnh Alzhieme ở chuột. Ngoài ra, còn có những nghiên cứu ở mức cao hơn nữa là dùng TBG chế tạo ra các cơ quan. Trước đây, các nhà khoa học đã lấy tim của người chết, loại bỏ hết tế bào bên trong rồi cho vào đó các TBG để chúng biệt hóa, phát triển thành quả tim hoạt động được. Mới đây, từ TBG, các nhà khoa học cũng đã chế ra được thận, dạ dày. Hy vọng trong tương lai, có thể chế tạo ra được các cơ quan người, xem chúng như những “phụ tùng” thay thế khi cơ thể có một cơ quan bị bệnh. Cố nhiên, phải có có thêm nhiều nghiên cứu mất một thời gian dài nữa mới có thể thực hiện được điều hy vọng này.

Nhìn cháu cười nắc nẻ, tít mắt, ê a  khi mẹ pha trò, không ai có thể hình dung 6 tháng trước đó cháu đã bị “di chứng  bại não”

Nhìn cháu cười nắc nẻ, tít mắt, ê a khi mẹ pha trò, không ai có thể hình dung 6 tháng trước đó cháu đã bị “di chứng bại não”

Từ năm 1995, nước ta đã dùng liệu pháp TBG chữa được các loại bệnh mà các nước tiên tiến đã cấp phép như dùng TBG máu DCR chữa bệnh ung thư bạch cầu cấp mạn dòng tủy, bệnh thiếu máu di truyền; dùng TBG từ mô mỡ điều trị viêm khớp; dùng TBG từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu điều trị thoái hóa khớp gối; dùng TBG từ tủy xương điều trị liệt tủy. Cũng có một số ít cơ sở mạnh dạn thử nghiệm và đã thành công một số trường hợp ghép TBG cho những bệnh mà thế giới đang trong bước thử áp dụng trên người nhưng chưa cấp phép.

Cháu Bùi Duy Nghĩa, 10 tháng tuổi, bị sốc nhiễm khuẩn, sốt cao, co giật để lại “di chứng bại não”: thường xuyên bị cơn co cứng người, không còn phản xạ giao tiếp, mất hết khả năng hóng chuyện, mất luôn cả khả năng lẫy bò, ăn uống rất khó khăn, khó thở, khó ngủ, mệt mỏi, quấy khóc liên tục. Sau 6 tháng được ghép TBG, thể chất tăng rõ rệt, tất cả những “di chứng bại não” đều bị đẩy lùi. Nhìn cháu cười nắc nẻ, tít mắt, ê a khi mẹ pha trò, không ai có thể hình dung 6 tháng trước đó cháu đã bị “di chứng bại não” (xem ảnh).

Một giáo sư chuyên nghiên cứu về liệu pháp TBG bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn, suy sụp đến mức không thể làm việc được. Theo đề xuất của chính giáo sư, các học trò và đồng sự đã cho ghép TBG tự thân cho giáo sư. Hiện giáo sư đã khỏi bệnh, khỏe mạnh, trở lại công việc nghiên cứu.

Qua việc mở rộng áp dụng liệu pháp TBG trên một số bệnh nói trên có thể thấy đội ngũ khoa học nước ta có đủ trình độ tiếp cận với những vấn đề tiên tiến. Tuy nhiên, quy mô áp dụng còn hạn chế.

Trong gần 20 năm, nước ta mới thực hiện trên 350 trường hợp ghép TBG các loại, tính ra mỗi năm trên dưới 17 trường hợp.

Trong lúc đó ở Nhật Bản, trong những năm gần đây, mỗi năm thực hiện 3.500 trường hợp ghép TBG các loại, trong đó 47% là ghép TBG máu DCR; tỉ lệ thành công ghép TBG chữa bệnh máu là 70%.

Hiện nước ta có khoảng 34 cơ sở có khả năng áp dụng liệu pháp TBG nhưng Bộ Y tế mới chỉ cấp giấy phép cho một số cơ sở có đủ điều kiện như: Viện Truyền máu Huyết học TW, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM và các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, 115, Vạn Hạnh; những cơ sở này cũng mới được phép chữa một số bệnh chứ không phải tất cả.

Không nên coi tế bào gốc là liệu pháp vô song

Ngay ở cả các nước có trình độ phát triển y học cao, liệu pháp TBG chưa phải có thể áp dụng đại trà chữa mọi bệnh. Thế nhưng, gần đây có nhiều người trong nước hoặc nước ngoài đã quảng cáo rầm rộ về việc dùng dùng TBG chữa bệnh, làm đẹp, trẻ hóa, tăng tuổi thọ… đặc biệt là chữa các bệnh hiểm nghèo. Sự quảng cáo “quá đà” này đã làm nhiều người ngộ nhận!

Có thể dùng TBG cấy vào da để chúng biệt hóa thành các tế bào da trẻ thay cho tế bào da già. Nguyên tắc là TBG dự định cấy vào da phải phù hợp với người có nhu cầu làm đẹp. Muốn dùng liệu pháp TBG làm đẹp cũng mất thời gian, khó khăn, tốn kém chứ không phải đến thẩm mỹ viện là xong, ai cũng có tiền để làm. Thêm nữa, tế bào da được làm trẻ rồi cũng sẽ bị già bởi quá trình oxy hóa của chính cơ thể, bởi tác động của tia cực tím trong nắng. Không có chuyện dùng TBG có thể làm cho tươi trẻ vĩnh viễn làn da như quảng cáo!

Ở người trưởng thành hầu như TBG không làm chức năng tạo ra tế bào mới thay tế bào hư hỏng mà lại do sự sinh sản của TBCB. TBCB, cứ sau mỗi lần phân chia, chuỗi telomer ở đầu nhiễm sắc thể ngắn lại một ít; sau khoảng 50 - 60 lần phân chia bị ngắn lại đến mức không thể phân chia được nữa và “chết theo lập trình”. Người già có thể “chết vì một số bệnh”; có thể dùng TBG chữa bệnh, kéo dài thêm vài năm sống. Tuy nhiên, khi đến một tuổi nào đó, có quá nhiều TBCB “chết theo lập trình”, hầu hết cơ quan suy thoái đến mức không thể phục hồi được, sẽ “chết do sự già hóa”. Đó là quy luật tất yếu không thể đảo ngược.

Ở một số nước con cháu những người giàu, thông minh đã gửi “xác chết” của họ vào bảo quản trong môi trường nitơ lỏng, với hy vọng nhờ vào liệu pháp TBG vào công nghệ tái tổ hợp gen mà “sống lại”. Cơ thể con người vô cùng phức tạp. Trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép nhân bản ra một khối lượng TBG khổng lồ, chưa cho phép tạo ra đủ các “điều kiện định hướng” để có thể biệt hóa ra vô vàn loại TBCB. Ý tưởng làm “sống lại từ xác chết” vẫn chỉ là chuyện viển vông, nếu không muốn nói là ảo tưởng.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

 


Ý kiến của bạn