Hào nhoáng - Thu bộn tiền - Đầy hệ lụy

15-09-2012 08:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người xem từ lâu đã bị cuốn hút bởi những gameshow ca múa nhạc trên các kênh truyền hình, đặc biệt với các trò chơi hay cuộc thi theo một kịch bản nước ngoài.

Người xem từ lâu đã bị cuốn hút bởi những gameshow ca múa nhạc trên các kênh truyền hình, đặc biệt với các trò chơi hay cuộc thi theo một kịch bản nước ngoài. Ðó là những diễn biến khác lạ tức thời gây yếu tố bất thường về dư luận hoặc ngay cả đối với người tham gia trò chơi. Hơn nữa, với những kịch bản này, nếu tìm được một MC có tài và có duyên thì các nhà tổ chức hoàn toàn có thể “kê cao gối ngủ” hàng đêm và chờ để gặt hái lợi nhuận qua hàng chục kỳ phát hình…

Các format già nua không còn hấp dẫn

(SKDS) - Hiện nay, vẫn còn khá nhiều gameshow cũ và đã không còn để lại ấn tượng gì nữa, tồn tại từ năm 2005 - năm được coi là thời điểm bùng nổ các gameshow trên truyền hình. Hàng chục trò chơi xuất hiện tại các giờ vàng trong ngày đến nỗi người xem truyền hình có cảm giác mỗi lần bật tivi đều giật mình bởi những trò chơi mới. Nếu kể gọn trong ngày chủ nhật ở TP.HCM, ngoài những trò của VTV3 còn có các gameshow ở các kênh HTV7 và HTV9, cả thảy 12 trò chơi. Khán giả truyền hình ở Hà Nội cũng vậy, cũng phải chịu phiền toái do các gameshow, bởi lẽ kèm theo đó là hàng chục phút quảng cáo. Hiện tượng nhiều người xem, đặc biệt là lớp trẻ đã bắt đầu quay lưng với các gameshow vì sự nhàm chán của chúng đang là một nguy cơ, ảnh hưởng tới nhà đài và các nhà tài trợ hay những doanh nghiệp (DN) muốn quảng bá thương hiệu của mình.

Bạn yêu âm nhạc đều biết “Trò chơi âm nhạc” đã diễn ra 10 năm nay là một format ngoại cũ kỹ, vẫn đang gắng gượng thắp lên những tia sáng cuối cùng trong các gameshow. Bên cạnh nó là các format ngoại khác như “Chiếc nón kỳ diệu” hay “Hãy chọn giá đúng” hoặc “Ai là triệu phú”… cũng bị lép vế vì nhiều lý do, nhưng trước hết, chúng thuộc loại trò chơi kiến thức hay sự ước đoán may rủi, ít tính giải trí. Lý do khác quan trọng hơn khiến các trò chơi này khó thu hút nhiều quảng cáo vì ngày càng ít khán giả bật kênh. Chính vì lẽ đó, các format già nua này phải nhường bước cho các format mới, tràn ngập yếu tố giải trí vào các giờ vàng và các ngày phát sóng cuối tuần.

 Ban giám khảo Giọng hát Việt.

Cuộc chơi mới và những hệ lụy

Có thể nói, độ dăm ba năm nay đã diễn ra cuộc chen lấn ồ ạt của những format ca nhạc, đậm đặc mùi thị trường như “ Vietnam Idol”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Vietnam’Got Talen”, “Hợp ca tranh tài” và mới đây là “The Voice” (Giọng hát Việt). Hiện gameshow “Giọng hát Việt” đang có sức thu hút người xem hết sức bất ngờ. Không những dư luận tràn ngập trên các mạng thông tin về cuộc chơi lạ và đầy hứng khởi của “Giọng hát Việt”, mà trong thực tế, ngoài đời hầu như khán giả đều bàn tán và thấy hấp dẫn.
 
Mặc cho sự no nê và thậm chí đến ngao ngán vì nhiều cuộc thi hay trò chơi nhạt thếch, vậy mà khán giả vẫn bị “Giọng hát Việt” cám dỗ. Thế mới hay sự nhạy bén về thị trường của một số DN truyền thông. Tuy nhiên, sự cập nhật ồ ạt các format ngoại trong sân chơi của giới showbiz Việt đã tạo nên một thị trường rối loạn, đôi khi bị lệch hướng mà khó lường trước.

Ngoài sự độc đáo của kịch bản cho cuộc chơi, có sức lôi kéo người xem vì sự tươi mới cùng những quy ước cho các nghệ sĩ tham gia, cũng như cách phân vai một cách rõ ràng cho các thành viên trong ban giám khảo hay hội đồng nghệ thuật, để tạo không khí cho cuộc thi. Bản quyền của các kịch bản ngoại này rất nghiêm ngặt, không được phép tùy tiện thay đổi, đó cũng là điều mà các nhà tổ chức mong muốn thực hiện. Bởi lẽ từ nội hàm cấu trúc kịch bản đã ẩn giấu những sự cố bất thường sẽ xảy ra mà chính thí sinh và cả giám khảo cũng khó lường trước. Những sự cố ấy trở thành các vụ scandal làm nóng dư luận và càng thu hút người xem.

Đặc biệt, chương trình “Giọng hát Việt” đang diễn ra đã tạo được hấp lực mới lạ đối với người xem với 4 ngôi sao hàng đầu của công nghệ ca nhạc thị trường; đó là Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Trần Lập và Thu Minh. Thậm chí trong số họ có những người không ít tai tiếng về chuyện này chuyện khác trong giới showbiz. Ngay từ đêm đầu tiên đến nay, họ đã trở thành tâm điểm của các ngòi nổ thông tin. Đôi khi họ thể hiện sự ồn ào khi tranh luận, hay lại có lúc tỏ ra diễn hơi quá, nhưng quả là cả 4 người này có sức thể hiện đầy lôi cuốn, tạo nên màu sắc mới của một cuộc chơi, ẩn giấu nhiều điều thú vị còn ở phía trước. Cũng vì lẽ đó, lượng người xem càng lớn thì nhà tổ chức lại càng có nhiều quảng cáo tăng lên sau mỗi đêm thi.

Theo bảng giá mới nhất do VTV quy định, cứ theo lượng thời gian lên hình mà tính tiền theo các mức như: từ hơn 32 - 65 triệu đồng cho các thời lượng phát hình từ 10 - 30 giây. Nhưng với những đêm thi theo format ngoại mới thì mức giá quảng cáo lớn hơn nhiều và ngày càng tăng lên theo độ nóng của mỗi đêm, khi tiến sâu vào các vòng tiếp theo. Thí dụ mức giá quảng cáo rất khủng  cho “Tìm kiếm tài năng” và “Cặp đôi hoàn hảo” là từ 70 - 150 triệu đồng tùy theo thời lượng phát hình.
 
Hiện mức giá mới đề ra của quảng cáo trong chương trình “Giọng hát Việt” đang phát sóng đã là 120 triệu đồng cho 30 giây. Như người xem đã thấy, sau mỗi lần ngừng trò chơi để phát quảng cáo sau “Giọng hát Việt”, thời lượng kéo dài tới 10 phút là bình thường. Đấy là bảng giá cho mỗi đêm thôi, nếu tính cả chương trình, DN nào theo đuổi quảng cáo thì chi phí tới hàng tỉ đồng. Chỉ riêng gameshow “Bước nhày hoàn vũ”, diễn ra trong 10 đêm, nhà sản xuất thu về gần 70 tỉ đồng.
 
Đó là sự nóng bỏng của đồng tiền, chúng tạo nên cuộc chạy đua, bằng mọi giá để các đại gia truyền thông tậu cho được một format mới. Hiện tượng này hẳn chăng là sự phát triển hay chỉ là cuộc cạnh tranh để lại nhiều hệ lụy khó lường về sự ứng xử văn hóa của những sân chơi ca nhạc thị trường. Bởi do yếu tố giải trí của gameshow mới nên các nhà tổ chức thường chạy tìm cho được những người tham gia trò chơi, các MC hoặc các chân dung giám khảo phải là những ngôi sao của thị trường âm nhạc cho dù họ không hẳn thực có tài, nhưng miễn sao là những ngôi sao có nhiều fan hâm mộ với mục đích chính là càng có nhiều người tham gia nhắn tin bình chọn càng tốt.
 
Với lợi nhuận tối đa, các nhà truyền thông đôi khi đã làm lệch hướng thẩm mỹ của người xem bởi sự hào nhoáng hình thức của trò chơi đậm đặc yếu tố giải trí mà quên đi tính giáo dục hay yếu tố nâng cao thẩm mỹ cho người xem. Bởi điều đó mới là mục đích quan trọng nhất nếu không nói đó còn là sứ mệnh cao quý của giới truyền thông. 

  Hạnh An


Ý kiến của bạn