Hao người, tốn của đến bao giờ?

22-09-2010 14:15 | Thời sự
google news

Tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác, chiếm 51,11% trên tổng số vụ TNLĐ chết người. Tình hình TNLĐ đang diễn biến phức tạp.

Tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác, chiếm 51,11% trên tổng số vụ TNLĐ chết người. Tình hình TNLĐ đang diễn biến phức tạp. Không chỉ tăng về số vụ TNLĐ, mà số người chết vì TNLĐ cũng đang tăng nhanh để lại những hệ quả đau lòng cho nhiều gia đình.

Số liệu quốc gia về an toàn vệ sinh lao động trong 5 năm gần đây đã minh chứng rất rõ cho thấy tỷ lệ TNLĐ đang gia tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cùng với đó là số vụ tai nạn gây chết người trong lĩnh vực xây dựng trong cả nước tăng không ngừng. Nếu như năm 2005 số người chết vì tai nạn trong lĩnh vực xây dựng chỉ là 172 người thì năm 2007 đã tăng lên 276 người và năm 2009 là gần 300 người.

 Vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Chỉ cần điểm qua một số vụ TNLĐ cụ thể đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tai nạn lao động. Vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007 dẫn đến hệ quả đau lòng khiến 53 người chết, gần 100 người bị thương khiến cho dư luận trong nước và quốc tế phải bàng hoàng. Vụ TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng khi giàn cần cẩu tại cảng Cái Lân bị sập ngày 15/7/2008 làm 7 người chết và 1 người bị thương nặng. Và mới đây, chiều ngày 2/7/2010 tại tòa nhà 20 tầng của VTC, phố Tam Trinh, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra vụ TNLĐ làm 3 người chết.

Một trong những nơi có tỷ lệ TNLĐ cao là trên địa bàn Hà Nội. Trong năm 2009, toàn thành phố xảy ra 111 vụ làm chết 26 người, trong đó khoảng 70% số vụ TNLĐ thuộc lĩnh vực xây dựng. Năm 2010, tính đến tháng 8/2010 đã xảy ra 87 vụ TNLĐ làm chết 30 người và bị thương nặng 12 người khác.

Nguyên nhân để xảy ra số vụ TNLĐ gia tăng là do cả chủ sử dụng lao động và người lao động thường bỏ qua các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, thiếu trang bị các trang thiết bị đảm bảo an toàn lao động, không thực hiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Nếu có trang bị hoặc huấn luyện thì khâu kiểm tra ATLĐ rất qua loa. Trong khi tại không ít công trình lao động phần lớn là lao động phổ thông hoặc được thuê làm việc theo mùa vụ. Các đối tượng này phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, nhất là đào tạo các biện pháp đảm bảo ATLĐ trên cao nên dễ dẫn đến những vụ TNLĐ không đáng có.

Bên cạnh đó việc vi phạm các kỹ thuật khi tháo dỡ, sử dụng giàn giáo và việc sử dụng máy móc, phương tiện kém chất lượng, lạc hậu cũng là nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro cho người lao động.

 Tai nạn lao động để lại nhiều hệ lụy đau lòng.

Theo số liệu thống kê báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2009 đã xảy ra hơn 6.200 vụ TNLĐ làm hơn 6.400 người bị nạn, trong đó có hơn 500 vụ TNLĐ chết người làm 550 người chết, hơn 1.200 người bị thương nặng. Thiệt hại vật chất do TNLĐ như chi phí thuốc men, mai táng, bồi thường đã lên tới gần 40 tỷ đồng...

Có một thực tế là cho dù số vụ TNLĐ làm chết người xảy ra nhiều, các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng luôn nêu các bất cập cũng như bức xúc trong các vụ TNLĐ, tuy nhiên công tác xử lý vụ việc nhiều khi mới dừng lại ở việc điều tra tìm ra nguyên nhân, còn việc xử lý vẫn còn chậm. Trong năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ nhận được 135 biên bản điều tra, số lượng biên bản điều tra các vụ tai nạn chết người rất ít, thậm chí, nhiều tỉnh không báo cáo một vụ nào... Trong khi đó, theo báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì năm 2009, toàn quốc xảy ra 507 vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người và cũng chỉ có hai vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan.

Đấy chỉ là hai vụ điển hình mà các cơ quan chức năng xử lý triệt để, nhưng thực tế nhiều vụ TNLĐ xảy ra, cũng được khởi tố, điều tra, nhưng cuối cùng việc xử lý mới chỉ một phần, mặc dù đã xác định được trách nhiệm của tập thể là đơn vị thi công, chủ đầu tư, nhưng lại không quy được cụ thể trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Vì thế tình trạng TNLĐ sẽ vẫn gia tăng, nhiều gia đình sẽ mất đi một phần hoặc vĩnh viễn trụ cột lao động chính trong gia đình vì những bất cẩn và sự buông lỏng quản lý trong việc đảm bảo ATLĐ cho người lao động và hệ quả là người chết vẫn chưa hết, để lại những mất mát to lớn cho gia đình và cộng đồng. Chính vì thế, các cơ quan chức năng bên cạnh việc tuyên truyền, kiểm tra việc đảm bảo ATLĐ, cần phải mạnh tay và xử lý nghiêm, triệt để các vụ TNLĐ, quy trách nhiệm cụ thể với cá nhân để xảy ra TNLĐ, có như thế mới giảm được số vụ TNLĐ đang diễn ra với chiều hướng gia tăng hiện nay.

Trọng Hoàng


Ý kiến của bạn