Hào khí Thăng Long

01-10-2010 19:53 | Xã hội
google news

Đã ngàn mùa thu kể từ ngày Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, Thăng long - Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt đã trải qua những thăng trầm lịch sử

Đã ngàn mùa thu kể từ ngày Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, Thăng long - Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt đã trải qua những thăng trầm lịch sử trở thành trái tim đất nước với thế đứng hiên ngang và tầm cao của nhân cách và trí tuệ. Một ngàn năm ấy là biểu tượng ngàn năm của độc lập và tự do, thiết tha yêu hòa bình của cả một dân tộc. Ngược dòng lịch sử, bảy lần ngoại bang tiến vào Thăng Long mưu đập nát biểu tượng ấy của dân tộc thì cả 7 lần nhục nhã ê chề chuốc lấy thất bại.
 
Ba lần giặc Nguyên - Mông kéo vào Thăng Long trong thế kỷ XIII nhưng lần thứ nhất, 3 vạn quân xâm lược chỉ thấy một Thăng Long vườn không nhà trống 11 ngày và phải cuốn xéo trước sức mạnh Đại Việt. Lần thứ hai, 60 vạn quân của Thoát Hoan, Toa Đô chiếm Thăng Long 96 ngày để rồi Toa Đô bị diệt, Thoát Hoan phải chui ống đồng mà chạy... Lần thứ ba, 30 vạn quân Nguyên - Mông do bại tướng Thoát Hoan thống lĩnh mò sang phục thù càng nhục nhã hơn sau 32 ngày bị quét sạch khỏi bờ cõi từ cuộc tổng phản công của quân dân Đại Việt. Trong vòng 30 năm ấy với 3 lần quét sạch giặc thù, hào khí Đông A, cũng là hào khí Thăng Long đã được truyền tụng muôn đời và vị tướng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành Đức Thánh Trần có mặt trên mọi miền đất nước cùng dân tộc giữ gìn nền độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ.

Thế kỷ XV, Thăng Long rên xiết dưới gót giày xâm lược gần chục năm, song bằng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định vương Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi đã đem đại quân bao vây thành Đông Quan (Thăng Long) vừa uy hiếp quân giặc, vừa địch vận, vừa diệt viện binh, buộc quân xâm lược phải bó giáo cầu hòa (thực chất là đầu hàng), lên đàn thề xin rút hết quân về nước. Hào khí Thăng Long ấy là tâm hồn, cốt cách Việt "lấy chí nhân thay cường bạo" đã thành truyền thống của dân tộc ta. Khó ở đâu trên thế giới có truyền thuyết "Đức Lê Thái Tổ đánh giặc xong, trả gươm" như ở nước ta và đó cũng là minh chứng hùng hồn nhất về lòng yêu hòa bình của một dân tộc.

Cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung cùng các tướng sĩ Tây Sơn quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi kinh thành Thăng Long gò Đống Đa còn đây như biểu tượng mồ chôn quân xâm lược cũng là một nét của hào khí Thăng Long. Ấy là ý chí tiến công, thần tốc, táo bạo, sáng tạo, bất ngờ của những người con đất Việt.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tấn công Hà Nội. Cửa Ô Quan Chưởng còn ghi chiến tích thà hy sinh tất cả, quyết không cho địch vào thành. Hai tấm gương trung dũng, lẫm liệt "sống chết với Thành Hà" của Kinh lược xứ Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu sống mãi với Thủ đô.

Thế kỷ XX, Thăng Long chứng kiến cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu I với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" khi giặc Pháp ngoan cố quay lại xâm lược nước ta để rồi 9 năm sau, tháng 10 năm 1954, Thăng Long - Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. 12 năm sau, năm 1972, không lực Hoa Kỳ mò vào Thăng Long - Hà Nội định dùng bom B52 rải thảm hòng khuất phục ý chí của một dân tộc, đã phải thảm bại trong một "Điện Biên Phủ trên không", buộc giặc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân về nước.

Hào khí Thăng Long là hồn khí Việt Nam kết tinh từ lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong cả nghìn năm qua. Hào khí ấy hôm nay đang phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên một "Thủ đô anh hùng", "Thủ đô của phẩm giá con người", "Thủ đô vì hòa bình". Hào khí ấy đã trở thành niềm tự hào chung của đất nước Việt Nam, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi trái tim con dân nước Việt hôm nay tự tin và vững vàng hơn khi vượt ra biển lớn...

 
LÊ QUÝ HIỀN

Ý kiến của bạn