Hội gò Đống Đa (diễn ra hàng năm vào ngày 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội) đối với người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Ðây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.
Mùa xuân kỷ dậu 1789 nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thăng Long. Đỉnh cao là trận chiến đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Quân ta đã đánh bại hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Gò Ðống Ða trở thành di tích lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Do đó, hàng năm, các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Quốc kỳ và cờ của ngày hội thi nhau bay phấp phới như chào đón du khách muôn phương.
Sáng sớm ngày 5, đám rước thần mừng chiến thắng từ đình Khương Thượng về Gò Ðống Ða trong rừng cờ, lọng, kiệu,... rực rỡ màu sắc cùng chiêng, trống, thanh la....diễu hành hoành tráng của cuộc mừng đón chiến công. Ðặc biệt nhất là màn rước "Rồng lửa" do tốp thanh niên bận võ phục cùng đoàn biểu diễn côn, quyền như tái hiện lại cuộc chiến đấu đã qua.
Để tưởng nhớ công ơn của vị vua Quang Trung và các anh hùng dân tộc, tại buổi lễ, những tiết mục văn nghệ đặc sắc dưới chân tượng đài đã tái hiện lại lịch sử đầy hào khí làm cho nhiều khan giả xúc động.
Đông đảo nhân dân cả nước đến dâng dương và dự lễ hội Gò Đống Đa
Tuấn Anh – Phúc Khánh