Hành vi “xúc phạm” môi trường nghiêm trọng

26-11-2016 09:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Sáng 22/11, không phải những con cá xấu số từ dưới hồ ngửa bụng như thường lệ mà là vô số bao cao su đã qua sử dụng...

Sáng 22/11, không phải những con cá xấu số từ dưới hồ ngửa bụng như thường lệ mà là vô số bao cao su đã qua sử dụng, băng vệ sinh và rác rưởi bẩn thỉu bị kẻ xấu nào đó xả xuống nổi lềnh bềnh trắng mặt hồ Linh Đàm. Lâu nay, những kẻ xấu đã chẳng một chút bận tâm hay gợn tay khi hủy hoại, bởi với họ, môi trường là thứ vô hình, bao la, “vô tri, vô giác”. Nhưng lần này không còn là những hành vi thô lỗ, mà phải coi là sự “xúc phạm” nghiêm trọng với môi trường sống.

Trắng hồ vì… bao cao su

Đáng buồn hơn, chẳng còn mặt mũi nào hơn khi hành vi phản cảm này lại đập ngay vào mắt những người dân cao tuổi đi tập thể dục sớm và cả một người nước ngoài vốn đang nặng lòng trước những ý thức kém cỏi hủy hoại môi trường sống. Anh chàng người Australia, Benjamin (34 tuổi), sống và dạy tiếng Anh cho một số trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam đến nay đã 9 năm. Anh thường xuyên tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các khu vực lân cận, trong đó có công viên Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Và anh cũng là một trong những người đầu tiên chộp được những bức ảnh đầu tiên về sự cố phản cảm trên.Bao cao su vứt bừa bãi ở hồ Linh Đàm

Không ít người vô cùng bối rối và bức xúc khi chứng kiến cảnh này.

Liên quan đến việc bao cao su, băng vệ sinh nổi trắng mặt hồ Linh Đàm, nhiều người dân khu vực đoán chắc rằng phải cỡ những kẻ làm bậy "quy mô lớn" đã gom từ đâu đó và xả tập trung xuống hồ tạo nên bãi rác khổng lồ trên. Căn cứ vào các thể loại rác "nhạy cảm" nhiều như vậy, người dân cho rằng hẳn phải xuất phát từ những khách sạn, nhà nghỉ nào đó "sản xuất" trong thời gian dài.

Ông Trịnh Ngọc Sơn - Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 4 (đơn vị quản lý hồ Linh Đàm) cho biết đơn vị đã làm việc với chính quyền phường Hoàng Liệt và kiến nghị Cảnh sát môi trường quận Hoàng Mai vào cuộc điều tra để truy tìm và xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Một chi tiết mà ông Sơn nhận định gợi mở, nếu là xe chở chất thải đến xả thì khoảng cách từ lòng đường ra đến hồ khá dài, phải là xe chuyên dụng có ròng dây nên Cảnh sát môi trường cũng có thể trích xuất camera của các hộ dân xung quanh hồ để rà soát, nhận dạng.

Sau sự cố, từ nay đến Tết Nguyên đán 2017, đơn vị quản lý hồ Linh Đàm sẽ cắt cử nhân viên tuần tra, giám sát hồ liên tục để đề phòng những hành vi tương tự.

Ra sức giữ gìn, vô tư hủy hoại

Hà Nội luôn tự hào là "top" thành phố có nhiều sông, hồ hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, người dân chưa kịp hưởng lợi từ những dự án cải tạo, kè, rào sông, hồ, kênh mương đã và đang diễn ra rầm rộ khắp Thủ đô những năm gần đây, thay vào đó lại liên tục chứng kiến những sự cố môi trường từ chính niềm tự hào này.

Tháng 7/2016, rất nhiều cá chết bất thường tại hồ Thiền Quang (còn gọi là hồ Hale), cá chết từ đêm trước đến trưa 14/7 bốc mùi hôi tanh nồng nặc khu vực và đây không phải lần đầu có hiện tượng này. Khoảng đầu năm nay, nước hồ Ngọc Khánh bị ô nhiễm nghiêm trọng, "hương vị đặc trưng" tỏa khắp nhà dân xung quanh khiến họ cửa đóng then cài không dám lại gần. Cũng trong thời gian này, hàng nghìn con cá ở hồ Hoàng Cầu cũng rủ nhau phơi bụng. Đỉnh điểm là sự cố được đánh giá nghiêm trọng nhất trong "lịch sử ô nhiễm" sông, hồ Hà Nội là hơn 200 tấn cá chết trắng Hồ Tây đầu tháng 10 vừa qua.

Nguyên nhân hàng đầu và dễ thấy nhất là do những hành vi xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là bắt nguồn từ các doanh nghiệp, các hộ dân kinh doanh, sản xuất.

Trở lại với vụ việc xả thải phản cảm tại hồ Linh Đàm. Trong khi toàn thành phố đang dốc công, dốc sức, dốc bao kinh phí để tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan đoàn thể cùng nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường, lại có những đối tượng liên tục hành động vì tư lợi trước mắt, thản nhiên chà đạp lên nguồn sống của cộng đồng một cách thô bạo.

Liệu có một thứ nguy hại nào "tiêm nhiễm" bệnh tật cho nhiều người ở quy mô lớn hơn tội phạm môi trường? Chắc chắn không có hành vi nào "sánh" kịp. Chẳng qua là người ta không nhìn thấy kết cục bi thảm đó trong chớp mắt, với cùng biểu hiện và cùng một khu vực mà thôi.

Vậy nên khi các chế tài xử lý hãy còn coi cách hành xử thô bạo với sông, hồ này chỉ là hành vi thiếu ý thức và dừng ở mức cảnh cáo, xử phạt hành chính, có nghĩa rằng chúng ta đang dung túng cho những kẻ hủy hoại môi trường sống, vô hình chung đang ngầm hại chính bản thân và thế hệ tương lai.


BÌNH AN
Ý kiến của bạn