Hành vi tưởng như vô hại nhưng gây hại cho mắt hơn bạn nghĩ

29-04-2025 10:02 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Việc mua kính online không qua thăm khám có thể gây hại cho mắt nhiều hơn bạn nghĩ. Khi đeo kính cao hơn độ cận, đeo kính không đúng độ không chỉ ảnh hưởng đến điều tiết mà còn ảnh hưởng cả đáy mắt của bạn.

Hỏi: Hiện nay có rất nhiều địa chỉ bán kính cận rẻ và hợp thời trang. Tôi vẫn thường xuyên đeo kính mua qua mạng, điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mắt hay không? (Nguyễn Thạch T – Bắc Giang).

Theo ThS.BS Đỗ Việt Dũng – Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) với những người bị cận thị, khi đi đo thị lực nhưng không được kiểm soát độ điều tiết có thể dẫn đến việc đeo kính quá số. Việc mua kính cận online có thể gây ra tình trạng người bệnh sử dụng các loại kính chất lượng không đảm bảo. Đặc biệt là độ trong suốt của kính có thể làm ảnh hưởng đến việc điều tiết của mắt khiến mắt mỏi hơn và còn gây ảnh hưởng đến đáy mắt của người bệnh.

ThS.BS Đỗ Việt Dũng thông tin về trường hợp đeo kính sai số.

Đeo kính cao hơn độ cận có sao không?

Có nhiều trường hợp bệnh nhân đeo kính cao hơn độ cận, đeo kính sai số trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng co quắp điều tiết. Điều này được hiểu là mắt đang quen việc điều tiết với số kính lớn. Khi muốn điều chỉnh lại khúc xạ đúng cho người bệnh cần phải giảm dần dần số kính và mất một thời gian khá dài. Thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân không quen được với khúc xạ đúng của bản thân và cần đeo kính quá số để mắt quen với điều tiết.

Bên cạnh kính thuốc còn có tình trạng kính tiếp xúc (kính áp tròng) được bán tràn lan không kiểm soát gây ra nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh đặc biệt là các bạn trẻ. Bởi đây là loại kính tiếp xúc trực tiếp với mắt do vậy nguy cơ về nhiễm khuẩn hay tổn thương giác mạc có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề. 

Hành vi tưởng như vô hại nhưng gây hại cho mắt hơn bạn nghĩ- Ảnh 1.

Khi đo thị lực nếu không được kiểm soát độ điều tiết có thể dẫn đến việc đeo kính quá số.

Có những trường hợp bệnh nhân dùng kính áp tròng không phù hợp sẽ gây tình trạng loét giác mạc. Bởi kính áp tròng khi sử dụng nhưng không được đo một cách cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng không phù hợp với mắt, không hợp/vừa được vào giác mạc gây ra một số tổn thương trên bề mặt. Lúc này hàng rào bảo vệ của giác mạc sẽ bị mất. Đây là cơ hội cho nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công và gây loét giác mạc – một tình trạng bệnh tương đối nặng. Khi bị loét giác mạc người bệnh phục hồi chậm và gây ảnh hưởng đến thị lực về sau.

Bị cận thị có nên đeo kính thường xuyên không?

Ngoài việc thường xuyên đeo kính, người bệnh nên thăm khám định kỳ. Với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ có tật khúc xạ nên thăm khám định kỳ 6 tháng/lần. Khi thăm khám, người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa uy tín. Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám khúc xạ và kiểm soát điều tiết, điều này cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên, bác sĩ có kinh nghiệm. Ngoài ra, người bệnh sẽ được thăm khám để tìm ra các bệnh lý ở bề mặt nhãn cầu. Hoặc những bệnh lý thoái hóa ở đáy mắt trên người bệnh cận thị cao cũng cần được kiểm soát định kỳ để tránh những biến chứng sau này.

Hành vi tưởng như vô hại nhưng gây hại cho mắt hơn bạn nghĩ- Ảnh 2.

Với trẻ có tật khúc xạ nên thăm khám định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế nhãn khoa uy tín.

Khi người bệnh đến những cơ sở kính mắt không uy tín và được khám thị lực bởi các kỹ thuật viên không có kinh nghiệm sẽ chủ yếu đo khúc xạ bằng máy đo tự động. Lúc này điều tiết của mắt không được kiểm soát và dẫn đến việc kê các đơn kính sai số, thường là quá số kính. Việc đeo kính sai số sẽ khiến người bệnh gặp tình trạng mỏi mắt và ảnh hưởng đến thị lực sau này. Ngoài ra, những kỹ thuật viên thông qua thăm khám không thể phát hiện ra các bệnh lý khác về mắt mà người bệnh có thể mắc và thường dẫn đến đánh giá sai tình trạng khúc xạ của người bệnh.

Trẻ cận thị có nên đeo kính thường xuyên?Trẻ cận thị có nên đeo kính thường xuyên?

SKĐS - Trẻ bị cận thị khi đã được cấp kính phải thường xuyên được đeo kính và có những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để tránh tình trạng tăng độ cận.


ThS.BS Đỗ Việt Dũng
Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội)
Ý kiến của bạn