Có phải trẻ a dua học theo trên MoMo - Youtube?
Mới đây, trong nhóm kín, một tài khoản chia sẻ câu chuyện cảnh báo về tình trạng rạch tay ở trẻ vị thành niên (VTN) kèm những hình ảnh và cuộc trò chuyện giữa cô giáo và phụ huynh được cho là từ một trường trung học ở ngoại thành Hà Nội. Có một số em học sinh đến trường có những vết cứa ở tay, chân, có em cứa tới 27 vết bằng dao lam. Tất cả các vết thương đều nông, mức độ nhẹ, hơi rớm máu.
Nhìn bề ngoài, hiện tượng này được cho là do trẻ học theo Momo - Youtube. Người đưa thông tin lên group cũng chia sẻ cảm giác của mình: “Mình tìm kiếm thử (trên Momo - PV) thì thấy hình ảnh kinh dị sởn gai ốc, không dám xem”. Bị ảnh hưởng của các video dạy những hành vi nguy hiểm trên mạng gần đây dường như là một mối nguy cơ cho trẻ em. Nhưng cũng trong group này, một số người lớn đã chia sẻ, hồi đi học mình từng làm hoặc từng biết bạn mình đã có hành vi tự cắt tay.
Theo các chuyên gia, đây là hành vi tự hủy hoại (HVTHH) được coi là một trong những biểu hiện của rối loạn tâm thần và hành vi. HVTHH có nhiều hình thức như cắt tay, cậy các vết thương đang lành, châm thuốc lá cháy trên da gây bỏng...
Hành vi tự hủy hoại thường bộc phát khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực.
ThS.BS. Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi TW cho biết: HVTHH khá phổ biến, gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành, nhưng nhiều nhất là ở trẻ VTN. Theo thống kê, trên thế giới tỷ lệ trẻ VTN mắc rối loạn HVTHH trung bình khoảng 18% - nghĩa là cứ 100 em thì có 18 em mắc.
HVTHH thường bộc phát những khi người bệnh cảm xúc tiêu cực, bị stress, áp lực nặng nề... Đó là phản ứng bệnh lý. Người bình thường không ai tự gây thương tích cho mình. Thường những người bộc phát HVTHH là đã tiềm ẩn sẵn những rối loạn tâm thần và hành vi. BS. Hương cũng nhấn mạnh rằng, việc xem các video trên youtube không phải là nguyên nhân, chỉ có thể coi là yếu tố kích hoạt hành vi mà thôi.
Thông điệp “Con đang cần được giúp đỡ!”
Trong thực tế khám chữa bệnh, BS. Hương gặp khá nhiều ca rối loạn HVTHH và đằng sau mỗi trường hợp là cả một câu chuyện rất đáng quan tâm. Có cô bé nhìn bên ngoài đúng kiểu “con nhà người ta”, là bí thư đoàn trường, năng nổ, nhiệt tình với công tác đoàn thể, học hành giỏi giang nhưng trên thân thể lại giấu vô số vết sẹo do tự mình gây nên. Có đứa trẻ mỗi lần thấy bố mẹ cãi nhau lại trốn vào một góc và dùng dao lam cứa tay...
BS. Hương khuyên các phụ huynh nếu phát hiện con mình rạch tay hay tự gây thương tích, thì đừng vội “đề nghị nhà trường giáo dục, nghiêm trị”. Cũng đừng quá hốt hoảng, la mắng hay khóc lóc ầm ĩ. Ngược lại cũng không nên chủ quan cho rằng trẻ chỉ a dua theo trào lưu, học theo bạn bè. Bởi khi đứa trẻ có HVTHH nghĩa là trẻ đang có vấn đề rối loạn tâm thần và hành vi. Yếu tố kích hoạt có thể là áp lực học tập, kỷ luật của nhà trường, quan hệ với gia đình, với bạn bè, bị bắt nạt, bị xâm hại... Hành vi đó chính là một thông điệp thầm lặng và khẩn thiết: “Con đang cần giúp đỡ!” và khi đó việc đầu tiên là cha mẹ cần nói chuyện với trẻ, tìm hiểu vấn đề, tìm cách giúp trẻ.
Trẻ tự cắt tay hoặc có hành vi tự hủy hoại thường tiềm ẩn bệnh lý rối loạn tâm thần và hành vi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương- BV Bạch Mai, Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: HVTHH có thể là một trong các triệu chứng của nhiều rối loạn tâm thần và hành vi khác nhau. Người bệnh thực hiện HVTHH không có mục đích tự sát nhưng hành vi này có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tự sát trong nhóm này cao hơn ở người bình thường. Nếu không được điều trị, rối loạn tâm thần và hành vi có thể tiến triển thành các rối loạn tâm thần nặng nề hơn. Ngoài ra, HVTHH còn để lại các tổn thương trên cơ thể, các vết sẹo xấu xí...; Trẻ lớn lên khó hòa nhập, khó phát triển, hoàn thiện nhân cách, không hạnh phúc...
Lứa tuổi VTN chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm hành vi này, do có nhiều biến động về hormon, cảm xúc bồng bột, chưa có các kỹ năng giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống... Nếu vấn đề của trẻ là hoàn cảnh, môi trường sống, áp lực nhất thời, khi yếu tố này thay đổi thì có thể trẻ sẽ vượt qua, hoặc trong quá trình lớn trẻ dần học được các cách tích cực hơn để đối phó với khó khăn, rối loạn hành vi sẽ dần thuyên giảm. Tuy nhiên, PGS. Tuấn vẫn khuyên: Cha mẹ nên đưa con đến nhà chuyên môn (BS chuyên khoa tâm bệnh, BS tâm lý) để tìm hiểu gốc rễ của HVTHH ở trẻ. Những yếu tố dẫn đến HVTHH có thể do tổn thương não, di truyền, stress nhưng phần nhiều là bệnh lý. Vì thế sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn là rất cần thiết, cùng với sự phối hợp của gia đình sẽ giúp trẻ vượt qua những rối loạn tâm thần và hành vi.