'Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS, thậm chí là bậc cuối tiểu học'

28-10-2022 16:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế) đóng góp về phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, mặc dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các sản phẩm văn hóa ngày đa dạng, phong phú nhưng phát triển văn hóa chưa tương xứng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế.

Nguyên nhân do các nguồn lực đầu tư cho phát triển cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng chưa đáp ứng. Đầu tư không đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS và thậm chí là bậc cuối tiểu học - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà, toàn xã hội chưa đồng bộ, chưa kịp thời, chưa thấu đáo. Vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa ở đâu đó, có lúc, có nơi còn chưa phát huy tích cực. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời đại mới.

Đặc biệt, môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định, dễ bị cuốn đẩy chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực... góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện nghịch văn hóa, thiếu văn hóa vẫn hiện hữu ở nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống.

"Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS và thậm chí là bậc cuối tiểu học", bà Nguyễn Thị Sửu nói.

Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS và thậm chí là bậc cuối tiểu học - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Để góp phần giữ vững hồn cốt của dân tộc và khắc phục những khuyết thiếu trong văn hóa ứng xử, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; nghiên cứu cho phép, triển khai hợp tác công tư trong trùng tu, khai thác di sản để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, tăng đầu tư cho văn hóa và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận buổi sáng, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) băn khoăn trước tình trạng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang suy thoái.

Đại biểu Trí cũng nêu quan điểm, Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) nhận định, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ, đây là một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở bậc THCS và thậm chí là bậc cuối tiểu học - Ảnh 3.

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%; Facebook tỷ lệ sử dụng là 91,7%; Zalo 76,5%... Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi.

Bà Ngọc Linh cho rằng, nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho con người nói chung và cho giới giới trẻ nói riêng, ngược lại, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt.

Nữ đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị, cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục định hướng để biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào…

Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầuThiếu thuốc, trang thiết bị y tế không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu

SKĐS - ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế nguyên nhân chính không hoàn toàn do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám đấu thầu...


Lê Bảo
Ý kiến của bạn