Sức mạnh từ lòng thiện
Phòng thuốc nam Phước Thiện nằm ngay trong khuôn viên chùa Hương Sơn (Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa). Phòng được chia ra các khu vực bài bản như: Khu kê đơn, bốc thuốc; khu châm cứu, bấm huyệt; khu bắt mạch, chẩn đoán…
Được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1969, tôn chỉ, mục đích xuyên suốt của Phòng thuốc nam Phước Thiện là chỉ được làm phước, tuyệt đối không thu phí, phòng khám chuyên chữa bệnh, phát thuốc cho người nghèo, người yếu thế mà không phân biệt bất cứ dân tộc hay tôn giáo nào.
Tiếp nối mạch nguồn thiện nguyện của các thầy thuốc đi trước, suốt hơn 23 năm qua, y sĩ, lương y Phạm Trường Huấn bền bỉ gắn bó với phòng thuốc. Anh được nhiều bệnh nhân nghèo ví như "người thắp niềm tin vượt ám ảnh bệnh tật". Nhà ở ngoại ô TP. Nha Trang, bất kể mưa - nắng mỗi buổi sáng anh đều vượt 10 km đến phòng thuốc.
Cái duyên đến với công việc đặc biệt của y sĩ Huấn gói gọn trong hai chữ "phước và thiện". Kể từ khi còn phụ giúp các thầy thuốc thế hệ trước cho đến khi làm Trưởng phòng thuốc nam Phước Thiện, ông đều ân cần, chu đáo với từng người bệnh.
Nhớ về những ngày tháng đầu gian nan, ông tâm tình: "Từ nhỏ tôi đã mê làm thầy thuốc để cứu người, nhất là mỗi lần chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo chật vật đi chạy chữa bệnh tật. Học y sĩ xong tôi tiếp tục học nghề bốc thuốc nam ở tận vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận. Trong những ngày tháng còn gian khó đó, cha mẹ tôi thường xuyên đến chùa Hương Sơn làm công quả đã sớm đưa vào tâm trí tôi ý nghĩ sống hãy làm phước, làm điều thiện, làm càng nhiều điều thiện càng tốt. Thế nên khi có đầy đủ kiến thức vững vàng thì tôi tình nguyện về đây làm việc từ đầu năm 1999 đến nay. Buổi chiều thì bươn chải đủ thứ việc để mưu sinh còn các buổi sáng thì khám bệnh, bốc thuốc, bấm huyệt, xoa bóp… Có hôm giữa trưa ngớt bệnh nhân cũng là lúc đôi tay rã rời...".
Càng làm phước, làm thiện, y sĩ Huấn càng thấy đam mê hơn. Niềm đam mê ấy đến từ chính nụ cười đầy ân tình của các bệnh nhân. Anh bảo: "Hiện nay trung bình mỗi ngày có hơn 50 bệnh nhân mắc các bệnh như: Cảm ho, cột sống, thần kinh tọa… đến châm cứu kết hợp uống thuốc nam. Có bệnh nhân nghèo lại ở tận vùng sâu Khánh Vĩnh được tôi chữa bệnh từ rất lâu rồi tình cờ gặp lại òa lên reo vui: "Thầy thuốc ơi, em khỏi bệnh rồi". Những lúc như thế thấy sức mạnh trong lòng mình như tăng lên, có khi châm cứu đến quá trưa vẫn muốn cố gắng làm thêm".
Cũng theo y sĩ Huấn, việc châm cứu, xoa bóp kết hợp với các bài thuốc nam có hiệu quả cao với rất nhiều căn bệnh. "Có gia đình nghèo hoặc người dân tộc thiểu số ở tỉnh khác cũng đến đây chữa bệnh. Tất cả đều là phước thiện hết. Có khi cả vợ và chồng khỏi bệnh xong tặng lại cho thầy thuốc "món quà" là một... tràng cười", y sĩ Huấn chia sẻ.
Giúp bệnh nhân nghèo là hạnh phúc
Đi giữa không gian thanh bình của chốn tu hành, ông Lê Văn Thanh vừa thoát khỏi những cơn đau của bệnh tật bừng lên niềm hạnh phúc. Ông Thanh bộc bạch rằng: "Tôi chỉ là một trong hàng ngàn vạn bệnh nhân đã được nhà thuốc này chữa trị miễn phí. Lúc biết bệnh, vì nhà quá nghèo nên rất lo, tinh thần không được thoải mái, nhưng khi đến đây được các thầy thuốc khám kỹ, tư vấn tận tình đồng thời bốc thuốc cho mang về uống thì tinh thần như được "sốc" lại. Sức khỏe ngày càng nâng lên, các cơn đau từ bệnh tật dần tan biến".
Từ những ngày bộn bề gian khó đến nay hoạt động làm phước của phòng thuốc vẫn luôn được duy trì. Cứu chữa thêm một người là nhân thêm niềm vui. Có những sẻ chia đầy yêu thương, hy sinh bắt nguồn từ hình ảnh những cụ già lọm khọm đến châm cứu hay một số lao động là trụ cột trong các gia đình nghèo từ vùng sâu lê bước đến bốc thuốc vì mắc bệnh xương khớp, đĩa đệm…
Quẹt vội dòng mồ hôi sau khi đôn đáo đi lo lắng phân chia thuốc cho bệnh nhân nghèo, bà Trần Thị Thanh Tâm thổ lộ: "Nhiều hoàn cảnh bệnh tật đến đây thương lắm. Có người từ Phan Thiết (Bình Thuận) cũng ra đây. Trong lòng mình, tâm mình bỗng trỗi dậy ý nghĩ phải tận dụng mọi thời gian rảnh để giúp họ, giúp phòng thuốc. Vốn là Phật tử lâu năm lại thường xuyên học cách tự tu tập nên tôi nghĩ rằng giúp những người bất hạnh, bệnh nhân nghèo cũng là duyên phước".
Nghĩ là làm nên bà Thanh Tâm tự nguyện đến làm phước ở phòng thuốc suốt nhiều năm qua. Có những cụ già đi lại khó khăn thì bà ra đón, đỡ họ vào. Đồng thời phụ giúp các y sĩ, lương y nhiều công việc quan trọng. "Từ xưa đến nay, các bậc tiền bối đi trước đều truyền lại chỉ làm việc thiện thôi. Tâm mình hướng về đạo Phật từ rất lâu rồi. Tạo phước duyên chính là niềm hạnh phúc rồi", bà Trần Thị Thanh Tâm bộc bạch.
Nghĩ là "có bệnh thì vái tứ phương", ông Trần Văn T. và nhiều bệnh nhân khác lại có hoàn cảnh bi đát nên tìm vào chùa khấn cầu cho vơi đi nỗi đau. Ra khỏi chính điện của chùa, thấy Phòng thuốc nam Phước Thiện ông liền đến xin được khám miễn phí. Sau nhiều ngày châm cứu, uống thuốc miễn phí, bệnh ông T. giảm đáng kể.
Những khát vọng không cho riêng mình...
Bước qua tuổi 50 nhưng khát vọng làm phước, làm điều thiện với y sĩ Huấn chưa bao giờ ngừng, ông luôn muốn lan tỏa ra cho thật nhiều người. Nhìn những tốp bệnh nhân từ nhiều địa phương về phòng thuốc, y sĩ Huấn ước vọng: "Giá như mình có sức mạnh vô biên để giúp họ. Cũng may, nhiều bạn trẻ mê làm từ thiện, mê nghề y đã đến phụ giúp tôi bốc thuốc và chăm sóc bệnh nhân. Có người lúc mới đến đi đứng cũng nặng nhọc nhưng sau nhiều ngày được châm cứu kết hợp thuốc nam đã khỏe dần.
Hiện tại có 5-6 bạn mê nghề y, mê giúp người nghèo làm thiện nguyện ở phòng thuốc. Mỗi tháng trung bình có khoảng 1.500 lượt người đến khám bệnh và nhận thuốc miễn phí. Nguồn dược liệu tại đây đến từ nhiều vùng đất khác nhau như Ninh Thuận, Khánh Hòa… Nhiều bệnh nhân bớt bệnh trong quá trình đi lao động, sản xuất họ thấy loại dược liệu quý nào ở đâu liền mang về tặng cho phòng thuốc. Thế nên hơn 53 năm qua, lượng thuốc phục vụ miễn phí cho bệnh nhân vẫn được duy trì".
Lặn lội từ tận vùng núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) về để y sĩ Huấn châm cứu, xoa bóp kết hợp uống thuốc nam vì đau cột sống, anh Cao Tâm xúc động: "Thầy thuốc vất vả chăm mình như người ruột thịt vậy. Trước đây đi làm rẫy, nhiều hôm đau lưng không làm được việc. Khi biết có chỗ chữa bệnh miễn phí, mình tìm đến ngay. Ở đây còn được động viên, cổ vũ tinh thần nữa nên hoàn toàn không còn bi quan về sức khỏe của mình nữa".
Nhiều người hết bệnh còn phân chia nhau về Phòng thuốc nam Phước Thiện để phơi phóng dược liệu, hỗ trợ chăm sóc cho những bệnh nhân mới đến với tinh thần "tương thân, tương ái". Điều ấy củng cố thêm niềm tin, rồi những ngày tháng tương lai sẽ càng nhiều bệnh nhân nghèo được xóa bớt nỗi lo bệnh tật.