Lá thư cựu chiến binh Trần Minh Tuyển gửi về cho cha mẹ, người thân trước khi lên đường chiến đấu.
Những kỷ vật lưu lạc nửa vòng trái đất
Tháng Tư của 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Lê Đức Thuận (quê Thanh Hóa) bất ngờ nhận được món quà quý giá, cuốn sổ ghi chép thất lạc suốt hơn nửa thế kỷ, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sổ trở về qua một hành trình đặc biệt, từ nửa vòng trái đất, nó đã chính thức trở về với chủ nhân đích thực.
Lật từng trang giấy đã ngả màu thời gian, ông Thuận như sống lại những tháng ngày tuổi trẻ. Từ lúc nhập ngũ vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, sau những tháng huấn luyện gian khổ là khoảnh khắc lên đường ra chiến trường. "Vậy là chúng tôi đã lên đường chiến đấu. Sống trong hầm pháo, ăn cơm vắt, uống nước suối, lấy mũ tai bèo che mưa, lấy lời động viên của đồng đội làm sức mạnh", ông Thuận viết trong cuốn sổ.
Một trang thơ trong cuốn sổ ghi chép của liệt sỹ Nguyễn Văn Hiển.
Theo ông Thuận, những dòng chữ này không chỉ là nhật ký cá nhân mà là minh chứng cho một thời lửa đạn khốc liệt, cho lòng kiên cường, và khát vọng thống nhất đất nước của người lính thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn sổ ấy đã thất lạc vào ngày 12/7/1970, trong một trận giao tranh ác liệt tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Tháng 4/2025, tại Quân khu 4, Ban Chỉ đạo 515 tổ chức lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến do phía Hoa Kỳ chuyển giao cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Ba bản sao sổ ghi chép những mảnh ký ức thời chiến được trao tận tay cựu chiến binh Lê Đức Thuận (sinh năm 1949, quê Thanh Hóa), Trần Minh Tuyển (sinh năm 1944, quê Hà Tĩnh) và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển (sinh năm 1943, quê Quảng Bình, hy sinh năm 1967).
Những kỷ vật ấy từng được các cựu binh Mỹ thu giữ sau các trận giao tranh tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Dương… Sau hàng chục năm được lưu trữ dưới dạng ảnh, phía Hoa Kỳ nỗ lực xác minh chủ nhân để trao trả.
Đại tá Phạm Văn Đông, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 cho biết, thời gian qua, bằng trách nhiệm và tình cảm, các đơn vị của Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp tìm kiếm, xác minh thông tin với mong muốn đưa các anh hùng liệt sỹ, kỷ vật chiến tranh trở về với gia đình, quê hương. Qua đó thể hiện sự tri ân của thế hệ ngày nay đối với người có công với cách mạng, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của gia đình liệt sỹ.
"Những cuốn sổ ghi chép, nhật ký, là thư… đồng hành với chiến sĩ trong năm tháng chiến tranh cũng là tài liệu vô giá trong giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, hy sinh bảo vệ đất nước của thế hệ cha ông", Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 khẳng định.
Cựu chiến binh Lê Đức Thuận cùng đại diện phía Hoa Kỳ trong lễ bàn giao kỷ vật chiến tranh.
Giọng chùng xuống, cựu chiến binh Lê Đức Thuận nói: "Tôi may mắn trở về sau chiến tranh, nhưng nhiều đồng đội người mất một phần cơ thể, người nằm lại mãi mãi ở chiến trường xưa, trong các nghĩa trang liệt sĩ. Có những gia đình đến nay vẫn chưa tìm được mộ, không có nổi một bức ảnh hay dòng thư để lại… Đó là nỗi day dứt mà chúng tôi mang theo suốt đời."
Nhận lại cuốn sổ ghi chép thất lạc từ chiến trường Hướng Hóa năm 1970, ông Thuận như sống lại những năm tháng thiêng liêng của một thế hệ từng sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Thế hệ ấy có biết bao người ngã xuống để đất nước đứng lên, để không còn nỗi đau chiến tranh cho những ngày sau.
Ngồi lặng lẽ, nhẹ nhàng lật giở từng trang cuốn sổ đã ngả màu thời gian, ông Nguyễn Văn Lân (quê Quảng Bình) không giấu được xúc động. Trước mắt ông không chỉ là những dòng chữ viết tay mà là lần đầu tiên trong đời, ông được "gặp" người cậu ruột của mình, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển.
Ghi chép của cựu chiến binh Lê Đức Thuận khi làm nhiệm vụ trong chiến trường.
Cuốn sổ nhỏ với nét chữ nắn nót, cẩn thận ghi lại những bài thơ đầy cảm xúc về Bác Hồ, về tình đồng đội, người lính, nỗi nhớ quê hương và khát vọng hòa bình. "Cậu tôi nhập ngũ khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Còn tôi khi ấy vừa chào đời. Lớn lên, chỉ biết đến cậu qua ký ức của mẹ, của bà. Ngày ấy, cậu đẹp trai, học giỏi, vẽ đẹp và làm thơ hay lắm… Cậu hy sinh khi chưa kịp hòa bình, cho đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được mộ", ông Lân xúc động nói.
Với gia đình ông, cuốn sổ ghi chép là món quà tinh thần vô giá. Sau những năm tháng mưu sinh, họ vẫn âm thầm tìm kiếm thông tin về người cậu đã hy sinh. "Trong cuốn sổ có ghi chú, được tìm thấy vào tháng 7/1967 tại Đức Phổ, Quảng Trị, cũng chính là thời điểm cậu tôi hy sinh theo giấy báo tử. Tôi hy vọng, từ cuốn sổ này gia đình có thêm thông tin, kết nối để sớm tìm được phần mộ", ông Lân mong mỏi.
Cựu chiến binh Trần Minh Tuyển cũng được trao lại những kỷ vật thiêng liêng, cuốn sổ ghi chép và bức thư ông viết gửi về gia đình trước giờ ra trận. Nhớ về một thời lửa đạn, ông kể lại thời khắc lên đường đi B, khi cả đại đội được làm lễ truy điệu sống. Bức thư ông gửi về cho bố mẹ chan chứa yêu thương, đầy hứa hẹn đoàn tụ, nhưng trên hết là sự quyết tâm sâu sắc chiến đấu vì miền Nam thân yêu.
Ông Trần Minh Tuyển nhập ngũ tháng 6/1963, tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 329. Tháng 12/1964, toàn sư đoàn hành quân vào miền Nam, chiến đấu tại Kon Tum, sau đó chuyển vào chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ, trở thành Q16 thuộc Trung ương Cục miền Nam. Khi ấy, ông giữ chức Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Q16, Phân khu Sài Gòn – Gia Định.
Với người cựu chiến binh, đây là kỷ vật vô giá, là biểu tượng của lịch sử, của ký ức và cả sự hy sinh. "Cuốn sổ ghi chép và lá thư là chiếc cầu nối gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết những đau thương của chiến tranh với khát vọng hòa bình", ông Tuyển bày tỏ.
Không để lặp lại đau thương chiến tranh
Giáo sư Anthony Saich, thuộc Trường Harvard Kennedy (Hoa Kỳ) cho biết, nhiều năm qua, nhóm Sáng kiến nghiên cứu chiến tranh Việt Nam toàn cầu cùng dự án Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá đã được thành lập với sứ mệnh đặc biệt tìm kiếm và xác minh thông tin về các liệt sĩ Việt Nam. Đây là một chương trình nghiên cứu bài bản, công phu, khai thác từ cả kho lưu trữ của Hoa Kỳ và Việt Nam.
Kỷ vật chiến tranh làm sống dậy ký ức thiêng liêng của người cựu chiến binh.
Tính đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất và đệ trình tổng cộng 33 báo cáo chuyên sâu về chiến tranh Việt Nam tới Bộ Quốc phòng hai nước. Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, họ còn trực tiếp tham gia vào công tác trao trả 54 bộ kỷ vật chiến tranh- những chứng tích sống động, đầy cảm xúc về các cơ quan chức năng, cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Việt Nam.
Trong số những kỷ vật đó, có 44 cuốn sổ tay, nhật ký (bao gồm cả một bản gốc được cựu binh Mỹ lưu giữ suốt nhiều thập kỷ), 10 bức thư cá nhân cùng hơn 100 hiện vật, giấy tờ quý như ảnh, lý lịch, chứng chỉ, bằng khen... tất cả đều là những lát cắt chân thực của lịch sử, những mảnh ghép của ký ức từng tưởng như thất lạc mãi mãi.
Năm 2025 đánh dấu hai sự kiện trọng đại, 50 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong mốc thời gian đặc biệt ấy, ông Anthony Saich nhấn mạnh, việc trao trả kỷ vật không chỉ là hành động nhân văn, mà còn là sự đáp lại những mong mỏi âm thầm, day dứt của thân nhân liệt sĩ, của những người lính từng đi qua chiến tranh. Và trên hết, đó là một bước tiến đầy ý nghĩa trong hành trình hòa giải, hàn gắn vết thương giữa hai dân tộc từng đối đầu.
Lễ bàn giao kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh tại Quân khu 4.
Tại buổi lễ bàn giao kỷ vật, cựu binh Trần Minh Tuyển với vóc người nhỏ bé, bắt tay thật chặt với những đại diện phía Hoa Kỳ. Ánh mắt ông lấp lánh ký ức lẫn niềm tin, ông chậm rãi nhấn mạnh từng từ: "Hòa bình - hòa giải", "Hợp tác - phát triển". Những lời ấy được người phiên dịch truyền đạt lại, gửi tới những vị khách đến từ bên kia Thái Bình Dương những người đã góp phần đưa ký ức về đúng nơi nó thuộc về.
Thiếu tá Daniel Romans, Tùy viên Thủy quân Lục chiến, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã khẳng định, khắc phục hậu quả chiến tranh là một phần quan trọng trong quan hệ hai nước. Nếu như cả hai nước không nỗ lực từ đầu thì không đạt được tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay. Những hoạt động như sự kiện bàn giao di vật, kỷ vật chiến tranh là bước tiến để tiếp tục thực hiện, để hướng tới chữa lành vết thương chiến tranh cũng như hòa giải giữa hai dân tộc, hai quốc gia.
Cách đây tròn nửa thế kỷ, trở về từ sau cuộc kháng chiến, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, cựu binh Trần Minh Tuyển mới nghĩ đến hạnh phúc riêng. Ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Đình, người phụ nữ đồng hương Thạch Hà (Hà Tĩnh), cùng nhau xây dựng một tổ ấm nhỏ giữa đời thường. Nhưng chiến tranh để lại di chứng chất độc màu da cam khiến ông bà không thể có con chung. Cả hai vẫn cùng nhau, sống thật ý nghĩa với cuộc đời của mình, đóng góp vào hoạt động nơi công tác, ở địa phương.
"Tôi mong rằng, những kỷ vật này không chỉ là dấu ấn cá nhân, mà còn là lời nhắc nhở chung về giá trị của hòa bình, về việc chúng ta phải làm mọi điều để không lặp lại những đau thương của chiến tranh. Hãy để những kỷ vật kể lại câu chuyện truyền cảm hứng và sống dậy những lý tưởng cao đẹp", cựu chiến binh Trần Minh Tuyển nhắn gửi.