Hà Nội

Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump

06-11-2024 15:07 | Quốc tế
google news

Ông Donald Trump, 78 tuổi, đã trở thành Tổng thống đầu tiên giành chiến thắng trong các nhiệm kỳ không liên tiếp trong hơn một thế kỷ.

Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tính đến 13h15 (giờ Việt Nam), với gần 90% phiếu bầu đã được kiểm ở 4 bang chiến địa Georgia (16 phiếu đại cử tri), North Carolina (16 phiếu), Wisconsin (10 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu), ông Trump đã giành được 61 phiếu đại cử tri, nâng tổng số phiếu đại cử tri hiện có lên 277 phiếu. Con số này vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Tờ New York Times nhận định ông Donald Trump đã bước vào cuộc đua tổng thống Mỹ với hành trang khác thường. Dù từng bị kết án trọng tội và có số lượng lớn người không thiện cảm nhưng cựu Tổng thống Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cử tri trung thành với kinh nghiệm 2 lần tranh cử tổng thống.

Ông Trump đã vượt qua tất cả những trở ngại, hiện diện đầy quyền lực trước những cử tri đang mong muốn xoay chuyển các định hướng và chính sách của nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris.

Từ doanh nhân thành đạt đến chính trị gia đầy bản lĩnh

Ông Donald John Trump sinh ngày 14/6/1946 tại khu Queens của thành phố New York, là con thứ tư trong một gia đình 5 anh em. Mẹ ông là bà Mary Anne, người Scotland. Bố ông là Frederick Christ Trump, một doanh nhân bất động sản.

Vì tính cách hiếu động và ngang bướng, cậu bé Trump bị bố gửi đến học tại một trường quân sự nội trú rồi tốt nghiệp Trường Kinh tế Wharton, Đại học Pennsylvania, năm 1968. Ông sau đó tham gia công việc kinh doanh của gia đình.

Ngày 8/1/2004, ông Trump lần đầu tiên ra mắt với tư cách ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế “Người Tập sự” (The Apprentice). Chương trình khắc họa chân dung một Donald Trump rất đời thường và đầy nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh. Qua đó, thế hệ trẻ ở Mỹ biết đến ông nhiều hơn.

Ông Trumptuyên bố tranh cử tổng thống tại tháp Trump ở Manhattan ngày 16/6/2015.

Ngày 3/5/2016, ông trở thành ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa trong đường đua vào Nhà Trắng. Ngày 8/11, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, đánh bại đối thủ Hillary Clinton.

Ông Trump đã để lại một số di sản đáng kể trong nhiệm kỳ đầu tiên – như cải cách thuế, tái định hình hệ thống tư pháp liên bang, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, thành lập Quân chủng Vũ trụ.

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất nhiệm kỳ của ông Trump là vụ đột kích vào tháng 10/2019 giúp tiêu diệt thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới tính đến thời điểm đó, giáng một đòn mạnh vào IS.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, ôngTrump đã thất bại trước ông Joe Biden. Thất bại nặng nề nhất, được cho là lý do chính khiến Trump không thể tái đắc cử, là do cách xử lý đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng y tế này đã kéo theo hệ lụy về kinh tế, vấn đề trước đây được cho là thế mạnh lớn nhất của ông Trump.

Hành trình quay lại Nhà Trắng hỗn loạn

Giới chuyên gia nhận định sự hỗn loạn đã trở thành điều bình thường mới trong hành trình quay lại Nhà Trắng trong năm 2024 của cựu tổng thống Trump.

Sau nhiều tháng vướng vào hàng loạt cuộc chiến pháp lý, ôngTrump đã giành được chiến thắng chính trị đầy thuyết phục trên con đường đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Chưa đầy một tháng sau khi bị kết án hình sự, ông đã đến Atlanta để tham gia cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên và duy nhất với ông Joe Biden. Màn tranh luận lúng túng của tổng thống đương nhiệm đã gây hoang mang cho đảng của Dân chủ và tiếp thêm sự tự tin cho ông Trump về cục diện cuộc đua.

Vài tuần sau, một bước ngoặt dữ dội đã xảy ra khi ông Trump trở thành mục tiêu của một cuộc mưu sát khi đang vận động tranh cử ở bang Pensylvania, vào ngày 13/7. Khi tiếng súng nổi lên, ông Trump bịt tai và cúi xuống. Một trong những người ủng hộ ông, một cựu chỉ huy cứu hỏa tình nguyện ngồi trên khán đài phía sau, đã trúng đạn và tử vong. Các mật vụ lao lên sân khấu để bảo vệ ông Trump và bắt đầu dẫn ông rời khỏi sân khấu. Nhưng ông Trump đã dừng lại, và với khuôn mặt dính máu, ông đã thách thức giơ nắm đấm và hô vang “chiến đấu”. Khẩu hiệu này đã trở thành lời kêu gọi tập hợp những người ủng hộ ông trong những tháng sau đó.

Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump- Ảnh 2.

Ông Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi sân khấu của sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania sau khi xảy ra vụ nổ súng, ngày 13/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hoà hồi tháng 7 năm nay, ông Trump chính thức chấp nhận đề cử trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng, đối đầu với bà Kamala Harris - một đối thủ mới khi cuộc đua chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc.

Ông Trump và bà Harris đã có cuộc tranh luận duy nhất vào tháng 9. Sau đó, ông Trump đã đẩy nhanh tốc độ chiến dịch tranh cử. Ông đã tổ chức nhiều sự kiện hơn cả tháng 6 và tháng 7 cộng lại. Thế nhưng tháng này cũng chứng kiến một bước ngoặt đáng báo động khác, khi ông Trump sống sót sau một nỗ lực ám sát khác tại câu lạc bộ chơi golf của ông ở West Palm Beach, Florida.

Trong những tuần tranh cử cuối cùng, ông tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ khắp các tiểu bang chiến trường mà các nhà phân tích chính trị tin rằng sẽ quyết định kết quả bầu cử.

Chiến thắng nhờ "thành trì" vững chắc

Theo giới quan sát, với lần tranh cử thứ 3, ông Trump giành chiến thắng nhờ xây dựng được những lợi thế vững chắc về mặt cử tri cũng như chính sách.

Trước hết phải kể đến thành phần cử tri trung thành của ông qua 3 kỳ bầu cử. Thành phần cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Trump năm 2024 gần giống năm 2020. Ông vẫn giữ được sự ủng hộ của 94% những người đã bỏ phiếu cho ông, bao gồm hầu hết những người ủng hộ ông trong cả năm 2016 và 2020.

Một lợi thế khác mà ông Trump có được là sự tín nhiệm về kinh tế. Trong nhiều cuộc thăm dò, người Mỹ đều cho biết nền kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của họ khi chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Đây là điều dễ hiểu khi người Mỹ phải đối phó với lạm phát cao trong nhiều năm.

Vào tháng 9, lạm phát ở Mỹ chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và nền kinh tế nước này tăng trưởng mạnh mẽ 2,8% trong quý III. Song theo khảo sát của tờ New York Times/Đại học Siena, 75% cử tri cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ.

Ông Trump cũng chớp lấy cơ hội khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm trước ngày bầu cử cho thấy sự tăng trưởng yếu ớt về số lượng việc làm, phần lớn là do tác động của các cơn bão lớn và tình trạng đình công diện rộng dưới thời nắm quyền của ông Biden.

Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump- Ảnh 3.

Ông Trump (giữa) tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin ngày 17/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một khía cạnh khác được cựu tổng thống đặt làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử là mối đe doạ và sự hỗn loạn do tình trạng nhập cư bất hợp pháp gây ra.

“Với lá phiếu của các bạn vào ngày 5/11, tôi sẽ kết thúc tình trạng lạm phát và chấm dứt tình trạng tội phạm tràn vào nước ta”, ông Trump nhấn mạnh.

Trong cuộc thăm dò toàn quốc cuối cùng, 15% số người được hỏi cho biết nhập cư là vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định lá phiếu của họ.

Cách tiếp cận của ông về luật pháp và tội phạm cũng là một điểm cộng trong mắt cử tri. Trong thời đại mà các vấn đề về tội phạm và an toàn công cộng được đưa lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính trị, sự nhấn mạnh của ông Trump vào luật pháp và trật tự đã tạo được tiếng vang với nhiều cử tri.

Khi chính quyền đương nhiệm đang gây tranh cãi trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại, nhất là về xung đột Ukraine và Trung Đông, cử tri Mỹ mong muốn kinh nghiệm và sự đổi mới của cựu Tổng thống. Người Mỹ tin tưởng hơn vào ông Trump về các vấn đề chiến tranh và hòa bình. Phần lớn cử tri cho rằng ông có đủ kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại. Ông Trump dẫn đầu đáng kể trong cuộc thăm dò về ứng cử viên nào sẽ làm tốt hơn trong chính sách đối với cuộc chiến ở Ukraine, quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến giữa Israel - Hamas.

Với chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử năm nay, chính trị gia gốc New York đã một lần nữa đánh bại một ứng cử viên là phụ nữ. Vào năm 2016, ông Trump đã đánh bại cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Năm 2024 có khoảng 231 triệu người Mỹ đủ điều kiện đi bỏ phiếu, bao gồm khoảng 161,42 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Các cử tri sẽ bầu chọn tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện có nhiệm kỳ 2 năm, 34/100 ghế tại Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, cùng 11 vị trí thống đốc bang.


Hải Vân - Hồng Hạnh/Báo Tin tức (Theo NYT, AFP, CNN)
Ý kiến của bạn