Bất chấp thời gian, bất chấp gánh nặng chất lên vai người đàn bà viết ở đất nước còn nhiều hủ tục, tàn dư phong kiến, chị là người đàn bà không tuổi.
Dấn thân sống đến tận cùng rồi mới viết
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã có gia tài văn chương khá lớn với 22 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 2 tập truyện dài cùng một số sách bút ký, ghi chép, khảo cứu. Tên tuổi chị đã là một thương hiệu văn chương ở Việt Nam nhiều năm qua. Mới đây, với tập truyện ngắn vừa xuất bản tháng 8/2019 nhan đề “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, Võ Thị Xuân Hà thêm một lần nữa cho thấy bút lực vừa tài tình, vừa mạnh mẽ như một dòng chảy ngầm khó đoán định.
Sức hấp dẫn trong tác phẩm mới xuất bản của chị chính là yếu tố “thật” ngay từ nhan đề và càng đọc, càng thấy khâm phục người viết bởi sự dũng cảm dấn thân sống đến tận cùng, trải nghiệm hạnh phúc cùng nỗi đau của người đàn bà trong cuộc sống từ xưa tới nay để làm nảy lên những hạt mầm ý tưởng, chăm sóc và chuyển hóa thành dòng suối văn tuôn trào, mang đến món quà tinh thần quý giá cho bạn đọc.
Những câu chuyện trong cuốn sách về những thân phận đàn bà như những dòng tự sự lặng lẽ buồn đau, thấm sâu nhất. Những hy sinh, cống hiến, ước vọng và tuyệt vọng của phụ nữ trong gia đình được trình bày trong góc nhìn chân thật, hầu như chẳng cần làm duyên làm dáng trong văn mà chỉ đơn giản thể hiện câu chuyện như nó đang diễn ra với nỗi đau đang cắt cứa tim mình. Vì thế mà người đọc cứ lật hết trang này sang trang khác, không thể buông cuốn sách, như muốn xem nhân vật tìm ra lối thoát nào và cũng là tự tìm cách giải thoát chính mình trong bài toán cuộc đời hôm nay.
Nhưng không chỉ trình bày, sắp đặt hạnh phúc và nỗi đau đàn bà trong một không gian nghệ thuật của câu chữ, Võ Thị Xuân Hà trong cuốn sách mới xuất bản cũng như chủ đề chính mà những năm qua chị tập trung đang thể hiện sự tìm tòi mới mẻ trong đề tài lịch sử và tâm linh. Khi được hỏi việc tập trung viết chủ đề tâm linh có khiến tác phẩm của chị gặp khó khi qua các cửa kiểm duyệt, nữ nhà văn chia sẻ: “Những gì liên quan tâm linh trong truyện của tôi là mạch ngầm của cuộc sống nội tại nhân vật, gắn liền với cõi nhân gian. Nên việc sáng tác tác phẩm liên quan tâm linh không hề có trở ngại, khi tâm linh chính là mạch nguồn tinh thần giúp cho nhà văn sáng suốt và thấu đáo hơn”.
Với đề tài lịch sử, Võ Thị Xuân Hà tập trung nghiên cứu triều Nguyễn với góc nhìn khác biệt. Chị nhìn ra những công lao của nhà Nguyễn, cho dù việc này thể hiện trong tác phẩm văn học hay nghiên cứu lịch sử thì đều “khó như lên trời” cả. Có lẽ chị đang làm một việc mà theo con mắt thông thường sẽ đánh giá là điên rồ. Nhưng đó mới là chị và cuộc sống lạ của chị thì ít ai có thể hiểu tường tận. Đề tài thứ hai luôn trở đi trở lại trong tâm trí nữ nhà văn là một nhân vật hấp dẫn và còn nhiều bí ẩn trong lịch sử, đó là Bà Chúa Mở Nước (Công nữ Ngọc Vạn - con gái thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên). Chị đã thể hiện hình ảnh, đời sống của Bà trong hai truyện ngắn nhưng chính nữ nhà văn lại nhận định rằng, trong hai truyện đó, chị thể hiện chưa đủ “cao tay”. Chị dự định sẽ đi thực tế chừng hai năm nơi Bà Chúa Mở Nước từng sinh sống để thực hiện bộ tiểu thuyết xứng đáng về nhân vật lịch sử kỳ lạ này.
Đó sẽ là một cuộc dấn thân nữa của Võ Thị Xuân Hà, bất chấp thời gian, tuổi tác, điều kiện mà dùng từ dũng cảm cũng chưa đủ để miêu tả.
Nữ văn sĩ Võ Thị Xuân Hà.
Quyết định của người phụ nữ lạ đời
Nữ nhà văn trưởng thành sau hậu chiến này từng nửa đùa nửa thật bảo, trong năm 2019, chị sẽ có đứa con thứ ba. Số ít người bạn nghề, gần gũi với chị biết hoàn cảnh chị thường không dám tin vào quyết định “điên khùng” của người phụ nữ lạ kỳ này. Nhưng đúng mùa xuân năm 2019, chị đã có đứa con gái thứ ba thực sự, như một kỳ duyên, thấm đẫm tinh thần thế giới tâm linh mà chị đang tìm hiểu và trải nghiệm để viết. Cô bé xinh xắn, ngây thơ chính là nguồn sinh lực mới của chị. Mà như chị khẳng định: Chị đang đi trên hành trình trở về với cảnh giới của mình.
Với vẻ ngoài trẻ đẹp nhiều so với tuổi thực, với vẻ lãng mạn pha chút bí ẩn, những người chưa tiếp xúc đủ sâu với nữ nhà văn sẽ nghĩ chị là người sống phóng túng hoặc độc giả khi đọc những trang viết táo bạo của Võ Thị Xuân Hà dễ tưởng chị có lối sống hiện đại, sống thoáng. Nhưng kỳ thực, chị lại là người phụ nữ truyền thống đậm đặc. Khi đã yêu thì sống hết mình vì người yêu. Khi đã lấy chồng thì hạnh phúc gia đình mới là giá trị lớn lao hơn cả và việc hy sinh, vun đắp cho gia đình được chị coi là đức hạnh của người phụ nữ. Nếu như một số nhà văn nữ khác thích ngao du, tìm cảm hứng để viết hoặc chỉ để vui chơi thì mỗi cuộc đi đối với Võ Thị Xuân Hà đều phải phục vụ cho việc kiếm tìm nguồn chất liệu viết văn. Chị không bao giờ đặt mục đích chơi vui vào các chuyến đi. Nếu chỉ là chơi vui, chị thà chọn được về nhà, vui vầy bên người thân, chăm sóc lẫn nhau trong mái ấm gia đình. Từng trải nghiệm những đau đớn khi hôn nhân tan vỡ, chị biết trân quý thực sự giá trị của hạnh phúc gia đình.
Chị quan niệm: “Nhà văn là một tầng lớp được phân công ghi chép lại những sự vật sự việc theo cách mà Trời Đất muốn để lưu lại cho con người, để từ đó soi rọi ra cuộc sống để sống tốt hơn, nhân văn hơn. Nên nhà văn không phải là tầng lớp nhung lụa mà là tầng lớp lao động sáng tạo đặc biệt”.
Tự giải thoát
Đọc đi đọc lại những trang sách của Võ Thị Xuân Hà trong cuốn sách mới nhất “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, tôi với tư cách một độc giả, xúc động bởi ý nghĩa của một cuộc vượt thoát, về giá trị tinh thần mà chị chắt lọc qua những gian nan trắc trở trong cuộc sống riêng của một nhà văn, khi mà từng con chữ có được là phải biết bước qua nghiệt ngã.
Cuốn sách của chị khiến tôi nhớ về tác giả của cuốn “Ăn, cầu nguyện và yêu”, nữ tác giả ấy cũng đã đem chính cuộc đời mình vào trang sách, thể hiện điển hình nỗi đau tinh thần của những người phụ nữ tri thức, hiện đại hôm nay và cuộc vượt qua ngoạn mục của mình để tự giải thoát. Và không chỉ tự giải thoát, nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng như nữ nhà văn Elizabeth Gilbert đã bằng ngòi bút của mình viết dâng tặng độc giả những áng văn thấm đẫm nước mắt, nước mắt không thể chảy ra mà đọng lại, cô đặc lại thành những viên ngọc ẩn dưới tầng tầng lớp lớp sống, hạnh phúc, khổ đau, trăn trở chết đi sống lại... Nhưng cả hai nữ nhà văn này, nếu có cho họ được chọn một cuộc sống khác, họ sẽ không chọn bởi họ đã sống như thế, thật đẹp và những trang sách của họ chính là phương thuốc an thần cho bất cứ độc giả nữ nào đang trải mình ra trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Hãy cứ sống bằng cả trái tim mình, tình yêu của mình, hãy dũng cảm hạnh phúc và khổ đau, tất cả là quà tặng của cuộc sống.
Khi gấp lại cuốn sách của Võ Thị Xuân Hà, thật kỳ lạ, tôi thấy chính mình thanh thản. Chị đã cho tôi - một độc giả thích “soi chữ” - một cuộc thiền chữ nghĩa thực thụ và được giải thoát như chị đã giải thoát chính mình sau những khủng hoảng cuộc sống riêng và tìm về một miền bình an trong tâm hồn, trở về với chính mình.
Tôi sẽ chưa thể khép lại bài viết này nếu chưa kể về một bí mật của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Có lần, tôi tò mò hỏi chị làm cách nào để giữ được sức khỏe, sức viết, sức sống và vẻ trẻ trung vượt thời gian, chị đã cười và bảo chẳng có bí quyết gì ghê gớm. Chị không có thời gian tập thể dục, cũng không dùng thực phẩm chức năng, ăn rất ít, ngủ cũng bị thiếu. Vậy mà chị ít ốm đau, chưa cần đeo kính để đọc sách, vẫn xâu kim và ngồi làm việc triền miên hàng chục tiếng không cần đứng dậy, chị gõ các tác phẩm trên máy vi tính đã mấy chục năm.
Suy ngẫm một hồi, chị mới nhớ ra hai bí quyết, đó là chị có thói quen tắm gội buổi sáng sớm, hạn chế tắm sau 7 giờ tối và thường xuyên dùng dầu gấc - không chỉ sáng mắt còn làm đẹp da. Dầu gấc Việt Nam rất rẻ, bán sẵn ở các hiệu thuốc, theo chị, là phương thuốc trẻ đẹp hữu dụng nhất đối với chị.
Chị tự nhận mình thuộc týp người luôn nhìn sự vật sự việc theo hướng tích cực; không thù oán ai vì kể cả người hại mình là chính người ta đang gánh cái hạn cho mình. Đó cũng là một trong những tâm đạo mà một nhà văn có những mối liên hệ đặc biệt với Phật pháp như chị vẫn thường tự nhắc mình và thể hiện trong những trang viết ẩn sâu năng lượng tâm linh.
Nhưng theo tôi, còn một phương thuốc tinh thần nữa mà chị không đề cập, đó chính là lối sống đặc biệt của chị, không bao giờ dừng bước trước thời gian. Mà dường như thời gian đã dừng bước trước chị. Đó là bài học ý nghĩa cho tôi.