Hành trình tìm mộ đôi trai gái xứ Mường – nguyên mẫu trong truyện thơ “Đồi Thông hai mộ”

30-06-2021 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ năm 2017-2019, hai ngôi mộ đôi trai gái xứ Mường – nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” đã được phát hiện.

Vào năm 1946, chí sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung (thuộc làng Văn Quán ven đường số 6 nối Hà Nội đi Hòa Bình và vùng Tây Bắc) tản cư tới vùng núi Lương Sơn (Hòa Bình). Ông gặp được một cụ già Mường, người đã kể ông nghe câu chuyện tình có thật giữa chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung, đôi trẻ người Mường, thuộc họ nhà Lang xứ Mường, đã được truyền miệng qua nhiều đời. Đặc biệt, mộ của đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không lấy được nhau này vẫn còn nằm trên đồi, nơi có con đường mòn vắt qua rừng, mà người dân thường đi chợ từ Kim Bôi sang Chợ Đồn ở Lương Sơn. Cảm động trước mối tình sắt son mà bi thảm của đôi trai tài gái sắc xứ Mường, văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung đã lập tức viết truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, một tuyệt tác thi phẩm dài tới 1044 câu thơ, theo thể song thất lục bát trong quãng thời gian năm 1947-1948. Ngay khi ra đời, tác phẩm đã gây tiếng vang trên thi đàn, bìa tác phẩm này cũng được minh họa bằng tranh cô gái Mường bên ngôi nhà sàn. Điều đáng chú ý là vì truyện thơ đặc sắc này, mà vua Bảo Đại đã khen thưởng cho tác giả 5000 đồng tiền Đông Dương. Ngoài ra, Việt Nam văn hóa Hiệp hội thời đó cũng đã trao thưởng cho tác giả 1000 đồng.

Chị Bùi Thị Bảy - người trông coi hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung

Không chỉ trong nước, truyện thơ “Đồi thông hai mộ” theo chân người Việt chu du cả ra nước ngoài. Hiện nay ở Pháp cũng có những người Việt từng mang theo cuốn thơ này, hoặc bản in, hoặc bản chép tay truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, để truyền lại cho con cháu, với mong muốn gìn giữ tuyệt phẩm đã nuôi dưỡng tâm hồn họ suốt quãng đời sinh sống xa quê hương. Có những người sinh sau khi tác phẩm ra đời, nhưng đã thuộc và đọc làu làu bất cứ lúc nào cả truyện thơ dài hơn ngàn câu như cụ Nguyễn Thị Duyên 84 tuổi ở Tp. Hòa Bình, hoặc bà Bùi Thị Ích, thôn Đầm Rái, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, Hòa Bình cũng thuộc hầu hết tập thơ.

Năm 2016, luật sư-kỹ sư Vũ Đình Thảo, cháu nội của thi sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung được nghỉ hưu. Lúc này, ông Thảo mới có thời gian để thực hiện lời dặn của ông nội mình, đó là tìm lại đôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung ở Hòa Bình, nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ”.

Sau vài lần đi tìm dấu vết của ngôi mộ không thành, ông Vũ Đình Thảo vẫn không nản. Ông cứ cho rằng đó là những chuyến đi, cho dù chưa tìm ra mộ, thì cũng biết thêm nhiều thông tin, tích lũy dần suy đoán và linh cảm, hiểu thêm văn hóa xứ Mường, để đến lúc nào đó hội đủ duyên lành, thì ông sẽ nhận được chỉ dẫn đến được với hai mộ thiêng.

Trong một lần đi tìm, ông Thảo gặp anh Đinh Công Thảo sinh năm 1976. Anh Thảo chia sẻ rằng, thời thanh niên các anh, khi có người yêu thường dẫn nhau lên đỉnh Mèn, tìm đến hai mộ cổ trên đồi của đôi trai gái Đinh Lăng, Quách Mỵ Dung để thề thốt và hẹn ước. Lúc ấy, nghe thông tin như vậy, ông Vũ Đình Thảo gai người xúc động, ông biết rằng, mình đã tìm ra manh mối chính xác.

Ông gặp bố anh Tỉnh là ông Đinh Công Sắc, 86 tuổi. Ông Sắc biết rằng ông Thảo đang đi tìm hai ngôi mộ phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, thì liền đọc vanh vách những đoạn thơ mà ông tâm đắc. Sau đó, ông vào buồng, rút ra cuốn sổ tay dày, chữ viết rất đẹp, chép nguyên vẹn tác phẩm “Đồi thông hai mộ”, cùng với gia phả dòng họ nhà ông. Ông Sắc khẳng định trên đồi đó có ngôi mộ của Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung. Họ nhờ chị Bùi Thị Bảy, người sống gần đó dẫn đi.

Hai mộ Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung sau khi được tôn tạo

Họ cùng nhau trèo đồi, chị Bảy vừa đi vừa dùng dao phát dẹp cỏ, cây bụi um tùm để có lối vượt qua. Rồi bất ngờ, chị Bảy chỉ cho ông Thảo một ụ đá xanh rêu trên lưng chừng đồi, rồi một ụ đá khác bên cạnh. Ông Thảo lặng người đi một lúc, như có một dòng điện lướt qua người ông, mách bảo rằng ông đã tìm đến nơi. Ông đi vòng quanh mộ đá, tìm thấy chân móng đá chắc chắn của hai ngôi mộ. Ông càng vững tin hơn khi được thấy cây đa cổ thụ gần đó, có tới cả trăm gốc, thâm trầm tỏa bóng. Ông nhận ra, đây mới là cây đa đích thực mà người gánh hàng cho ông nội ông từng nhắn em gái phải đi tìm.

Được sự chấp thuận của chính quyền xã Bắc Sơn (nay là xã Hùng Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình), và sự đồng tình của UBND huyện Kim Bôi, cùng sự ủng hộ của bà con nhân dân sở tại, gia đình luật sư – kỹ sư Vũ Đình Thảo đã xây lại hai ngôi mộ, ke đá vuông theo vị trí hai viên đá móng nguyên bản của mộ, xây con đường dẫn lên hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung, để người dân và du khách thuận tiện trong việc viếng thăm mộ. Chị Bùi Thị Bảy là người được gia đình ông Vũ Đình Thảo ủy thác trông nom khu mộ và đón khách khi cần.

Sau đó, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cũng phối hợp với các nhà văn, các sử gia, nhà khoa học tổ chức hội thảo về tác phẩm và nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” năm 2019. Hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh xứ Mường, thu hút du khách các nơi. Sau này, khi được quy hoạch thành khu du lịch, một con đường sẽ mở ra để du khách có thể đi bộ từ Lương Sơn tới đây, theo con đường tắt qua rừng mà người dân khi xưa từng đi để đến Chợ Đồn.

Việc tìm ra và tôn tạo hai ngôi mộ của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung tại Kim Bôi, Hòa Bình không chỉ là sự khẳng định về một địa danh, một di sản văn hóa, chứng tích hiện hữu trong lịch sử, là nơi phát tích của một tác phẩm văn học giá trị, mà còn mang lại cho người đời nay một danh thắng ý nghĩa để thưởng ngoạn và chiêm nghiệm, để thêm tự hào về tác phẩm văn chương quý giá, giúp nhiều thế hệ nuôi dưỡng tâm hồn và làm giàu tư tưởng. Rất mong các nhà chức trách địa phương, cơ quan văn hóa, các nhà đầu tư cùng chung tay để xây dựng nơi này thành một điểm du lịch văn hóa, gìn giữ và phát triển lớn mạnh khu di sản văn hóa này, dựa trên tiếng vang của tác phẩm “Đồi thông hai mộ” cũng như lòng mến mộ của công chúng với tác phẩm kể từ khi ra đời cho tới nay


Ghi chép của Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn