Hành trình tìm lại dáng vóc cho nữ sinh 15 tuổi bị vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế

04-07-2023 11:23 | Y tế
google news

SKĐS - Ngồi học sai tư thế gây gù vẹo cột sống là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ đang trong độ tuổi phát triển.

Vừa kết thúc kỳ thi Trung học cơ sở, em H.T.T.T (15 tuổi, trú tại Đoan Hùng - Phú Thọ) đã cùng mẹ nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiến hành ca phẫu thuật nắn chỉnh gù vẹo cột sống.

Được biết, lúc nhỏ em T. vẫn phát triển bình thường, không có dấu hiệu của gù vẹo cột sống. Trong suốt thời gian học tập, do tư thế ngồi không đúng, cộng với việc học phải ngồi lâu nên từ lúc nào em bị gù vẹo không hay. Sau khi được gia đình phát hiện, năm 13 tuổi em T. đã được đưa đi chữa trị khắp nơi, tuy nhiên đều thất bại.

Hành trình tìm lại dáng vóc của nữ sinh 15 tuổi bị vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế - Ảnh 1.

Hình ảnh phim chụp trước khi phẫu thuật gù vẹo cột sống. Ảnh: BVCC.

Thời gian gần đây, em thấy xuất hiện đau nhiều vùng cột sống ngực - thắt lưng nên gia đình đã cho T. xuống bệnh viện để khám.  T. được chẩn đoán bị gù vẹo cột sống do ngồi không đúng tư thế trong một thời gian dài. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cột sống ngực thắt lưng vẹo, biến dạng khiến việc đi lại trở lên khó khăn.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết: "Gù vẹo cột sống là sự xuất hiện của một số đường uốn nghiêng trên cột sống khiến cho hình dáng cột sống bị thay đổi. Đây là một dạng biến dạng cột sống thường gặp và có thể quan sát được bằng mắt thường. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống cơ, gân hoặc dây chằng quanh cột sống bị hư hỏng. Khi bị gù vẹo cột sống, quan sát từ phía sau sẽ thấy cột sống bị cong vẹo hoặc lệch sang một phía chứ không còn thẳng hàng. Những nguyên nhân dẫn tới gù vẹo cột sống như: bẩm sinh, bệnh lý thần kinh, bệnh lý bàn chân dẹt, trong giai đoạn phát triển của trẻ việc ngồi không đúng tư thế, bàn ghế không phù hợp hay mang vác cặp sách nặng cũng gây ra bệnh".

photo-1688442591399

Hình ảnh đường mổ và hệ thống vít, trục được thực hiện trong ca mổ. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ, đối với trường hợp của em T., phương pháp tối ưu nhất là phẫu thuật nắn chỉnh. Người bệnh được thực hiện phẫu thuật nắn chỉnh cột sống bằng việc bắt 22 vít đa trục vào các thân đốt sống; đục diện khớp làm lỏng diện khớp và thực hiện các biện pháp nắn chỉnh phức tạp để đưa cột sống được về tư thế giải phẫu như người bình thường. Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ, tình trạng bệnh nhân ổn định, được xuất viện sau 10 - 15 ngày.

Qua trường hợp của em T., các bác sĩ cảnh báo, gù vẹo cột sống khiến cột sống bị biến dạng và dần mất đi chức năng vốn có, điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến vóc dáng của trẻ cũng như sức khỏe tổng thể khi trưởng thành. Do đó các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi đến các con nhiều hơn để có hướng xử trí kịp thời, tránh những điều không mong muốn xảy ra.

Nấm da đầu có chữa dứt điểm được không?Nấm da đầu có chữa dứt điểm được không?

SKĐS - Nấm da đầu là một bệnh lý da liễu thường gặp và phát triển nhiều vào mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Mặc dù không phải là bệnh có thể gây nguy hiểm, nhưng bệnh có các triệu chứng khó chịu, dễ lây và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.


Hạnh Chi
Ý kiến của bạn