Hành trình "tìm con"của phụ nữ hiếm muộn có ảnh hưởng bởi COVID-19 ?

29-06-2021 15:02 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha, bệnh COVID-19 không làm giảm cơ hội điều trị thành công hiếm muộn ở phụ nữ.

Đây là một tin vui cho những phụ nữ đang điều trị hiếm muộn khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.  Do cơ chế phát triển COVID-19 là virut SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào đích bằng cách gắn kết với thụ thể ACE2- Thụ thể xuất hiện nhiều ở buồng trứng, tử cung, âm đạo và nhau thai. Vì thế, mức độ SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như thế nào trở thành mối quan tâm đáng kể -Nhóm nghiên cứu cho biết.                               COVID-19 không làm giảm cơ hội điều trị thành công hiếm muộn ở phụ nữ.

Nghiên cứu thực hiện trên 46 phụ nữ đã được làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại 11 phòng khám ở Tây Ban Nha từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2020. Họ được đo nồng độ hoóc-môn trước khi bắt đầu điều trị hiếm muộn, bao gồm nồng độ hoóc-môn kháng Mullerian (AMH), một chỉ báo của dự trữ buồng trứng. Dựa trên nồng độ AMH, những phụ nữ này sẽ được phân chia thành nhóm đáp ứng bình thường hoặc đáp ứng thấp đối với kích thích buồng trứng khi bắt đầu điều trị hiếm muộn.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Không có sự thay đổi rõ rệt về nồng độ AMH trước và sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và chúng tôi cho rằng cơ hội thành công trong việc điều trị hiếm muộn của bệnh nhân không bị ảnh hưởng".

Kết quả nghiên cứu được báo cáo trực tuyến vào ngày 28/6/2021 tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học châu Âu (ESHRE). Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự giảm nhẹ nồng độ AMH ở những phụ nữ được dự báo là đáp ứng bình thường với kích thích buồng trứng, nhưng không phải là tình trạng “giảm toàn diện" và sẽ không có ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không thể quy kết sự thay đổi này là do nhiễm SARS-CoV-2".

Theo nhóm nghiên cứu, đây là một nghiên cứu nhỏ nên chưa thể cung cấp những bằng chứng đủ mạnh để đưa ra các khuyến nghị sức khỏe cộng đồng, nhưng nó bổ sung vào nghiên cứu khác cho thấy rằng chức năng buồng trứng, khi được đánh giá bằng nồng độ AMH, không bị ảnh hưởng bởi nhiễm SARS-CoV-2.

Kết quả một nghiên cứu gần đây ở Vũ Hán, Trung Quốc cũng cho thấy nồng độ hoóc-môn sinh dục và nồng độ AMH trung bình ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị nhiễm COVID-19 không khác biệt so với những phụ nữ cùng độ tuổi không bị nhiễm COVID-19.

(Theo HealthDay)



Mẫn Thu
Ý kiến của bạn
Tags: