SKĐS - Chị Lydia và anh Stephen (quốc tịch Kenya) là giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam. Sau nhiều năm kết hôn nhưng chưa có tin vui, anh chị đều rất phiền muộn. May mắn thay, các bác sĩ Việt Nam chính là những người đã 'ươm mầm hạnh phúc' thành công giúp anh chị thỏa mong ước 'tìm con'.
Lo lắng, hoang mang là tâm trạng chung của những cặp vợ chồng hiếm muộn như chị Lydia và anh Stephen. Sau thời gian dài tìm hiểu thông tin, anh chị đã đến thăm khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và quyết định đặt niềm tin vào các y bác sĩ nơi đây.
Qua thăm khám, chị Lydia được các bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tắc vòi trứng và được chỉ định thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Ngay lần chuyển phôi đầu tiên, chị Lydia đã mang thai đôi trong sự vui mừng, hạnh phúc của tất cả gia đình và các y bác sĩ.
Quá trình mang thai, chị Lydia thực hiện theo dõi và quản lý thai nghén theo đúng chỉ định của bác sĩ nhưng không may bị lưu 1 thai lúc em bé được 6 tuần tuổi, thai còn lại phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Đến tháng thứ 6 của thai kỳ, chị bất ngờ có dấu hiệu dọa sinh non và được điều trị giữ thai ổn định tại Khoa Sản 1, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
2 tuần sau đó, khi thai nhi được 26 tuần tuổi, chị Lydia tiếp tục có dấu hiệu chuyển dạ tích cực và sinh non bé gái chỉ nặng 800gram. Sau sinh, em bé phản xạ rất chậm, thể trạng non yếu với tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh màng trong, viêm ruột và nhiễm khuẩn sơ sinh nặng. Bé được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Sơ sinh với phác đồ thở máy, dùng kháng sinh, nuôi dưỡng tĩnh mạch và được chỉ định bơm Surfactant qua ống nội khí quản.
Sau 1 ngày điều trị tích cực nhưng tiên lượng nặng, các bác sĩ quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được thở máy, kiểm soát thân nhiệt, kiểm soát nhiễm trùng và chăm sóc đặc biệt. Trẻ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo (chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ).
Sau 62 ngày điều trị, bé Blessing đã tiến triển rất tốt, cân nặng đạt 1,6kg và được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và các y bác sĩ.
Blessing là em bé ngoại quốc đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Blessing gây ấn tượng sâu sắc với bất kỳ ai ngay từ lần đầu gặp mặt bởi đôi mắt to tròn và khóe miệng cười tươi tinh nghịch. Đến nay, khi Blessing được 7 tháng tuổi, đã lớn và cứng cáp hơn, bé được bố mẹ đưa đến thăm, cảm ơn và chia tay các y bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học trước khi trở về quê nhà Kenya. Nhìn những nụ cười hạnh phúc, ánh mắt rạng ngời của cả gia đình bé và các bác sĩ, ít ai biết rằng hành trình tìm con của anh chị đã trải qua vô vàn khó khăn.
“Chúng tôi đã đặt tên Việt Nam cho con là Linh – một cái tên mà chúng tôi rất thích như một cách để ghi nhớ và thể hiện tất cả lòng biết ơn của chúng tôi về nơi đã sinh ra con. Con đến với chúng tôi kỳ diệu như một phép màu, cảm ơn tất cả các y bác sĩ đã giúp vợ chồng tôi có được niềm hạnh phúc trọn vẹn này” – anh Stephen xúc động chia sẻ.
Theo TS.BS Đoàn Xuân Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, với tỉ lệ thành công 52,8%, trong vòng hơn 2 năm qua, đã có hơn 300 em bé chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại trung tâm.
Như vậy, trung bình cứ hơn 2 ngày lại có 1 em bé chào đời nhờ phương pháp này. Đây là một con số đáng ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình mang tiếng cười trẻ thơ đến các gia đình hiếm muộn của các bác sĩ nơi đây.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên được đi đào tạo, lĩnh hội kiến thức mới, phương pháp mới trong điều trị vô sinh hiếm muộn, trao hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.