Hà Nội

Hành trình nối dài sự sống cho gần 8.000 người

11-02-2024 11:00 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Năm 1992 trở thành bước ngoặt cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của nền y học Việt Nam khi Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho nam bệnh nhân 40 tuổi.

Thành công bước đầu này là bàn đạp để đội ngũ thầy thuốc không ngừng nỗ lực đưa lĩnh vực ghép tạng phát triển. Ðến nay, ghép tạng không chỉ dừng ở tuyến Trung ương mà rất nhiều địa phương có thể thực hiện thành công, hồi sinh sự sống cho hàng nghìn người.

Dấu ấn ghép tạng của Việt Nam

1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2023 được Câu lạc bộ nhà báo Khoa học và Công nghệ bình chọn có tên "Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á (các công trình do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) thực hiện)".

Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công, trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Ðông Nam Á, châu Á.

Hành trình nối dài sự sống cho gần 8.000 người- Ảnh 1.

Mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện khoảng 250 ca ghép tạng. Ảnh: BVCC

Ghép đa tạng tim - thận: Ngày 15/2/2023, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tới 19 giờ cùng ngày. Sau 8 ngày, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Ðây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.

Ca ghép tạng xuyên Việt: Ngày 26/2/2023, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, ngày 24/2, bệnh nhân M. (sinh năm 1988, ở An Giang) bị bạo bệnh, sắp rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã quyết định thực hiện di nguyện hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã điều phối tim đến BV Hữu nghị Việt Ðức, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy lên chuyến bay, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo.

Nhóm ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cũng lên máy bay vào TP.HCM để tiếp nhận và vận chuyển "trái tim" về Hà Nội. Ðến 4 giờ sáng ngày 26/2, nhóm ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển "quả tim" của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Ðức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được đưa đến phòng hồi sức và tiếp tục theo dõi. Ðây là thành tựu y học vượt trội của Việt Nam được bình chọn là sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2023.

Tạo nên một "dòng chảy văn hóa tận hiến"

Nhìn lại hành trình suốt 30 năm ghép tạng của nền y học Việt Nam mới thấy rõ được những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên. Từ ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhân 40 tuổi suy thận giai đoạn cuối năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 đã trở thành dấu mốc quan trọng đánh dấu cho hành trình này. Hiện nước ta đã có tới 25 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ kỹ thuật, chuyên môn. Tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng gần 8.000 ca ghép tạng được thực hiện, đồng nghĩa với từng đó con người được nối dài, kéo dài sự sống...

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Ðời sống, TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhận định, hành trình nối dài sự sống không chỉ hàng nghìn người được cứu sống mà chúng ta còn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng khó như: Ghép thận đến gan, tim, phổi, tụy... Hành trình này còn kiến tạo nên một "dòng chảy văn hóa tận hiến" bởi đã có biết bao người ký vào đơn đăng ký hiện tạng, mô tạng nhằm gieo mầm sống cho người bệnh đang mòn mỏi ngày đêm chờ ghép.

Nhìn lại thời "sơ khai" của ghép tạng, TS. Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, năm 1992 chúng ta thực hiện ca ghép tạng đầu tiên đã đánh dấu cho hành trình mới, bước tiến mới và đến nay, có tới 25 trung tâm ghép tạng, các trung tâm này không chỉ phân bổ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn phân bổ ở nhiều tỉnh, thành phố khác như: Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa. Tính tới thời điểm hiện nay, cả nước đã thực hiện khoảng 7.600 ca ghép tạng, điều này đồng nghĩa với việc từng đó con người được nối dài sự sống.

Ðể có được những thành tựu đó, TS. Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại, về mặt làm chủ khoa học kỹ thuật ghép tạng Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực cũng như thế giới. "Chúng ta đi sau thế giới 38 năm từ ca ghép thận đầu tiên, và thế giới cũng mất tới 27 năm từ ca ghép thận đầu tiên đến ca ghép phổi là ca khó bậc nhất, thì hiện nay chúng ta cũng mất từng đó thời gian. Ðiều đó cho thấy rằng, mặc dù đi sau thế giới nhưng chúng ta đã làm chủ được khoa học kỹ thuật những ca ghép tạng khó. Bởi những ca ghép tạng khó nhất là ghép gan, phổi thì Việt Nam đã làm chủ", TS. Nguyễn Hoàng Phúc nói.

Cứu được một bệnh nhân là một kỳ tích

Cùng nhìn lại 30 năm hành trình ghép tạng Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vui mừng nói, 5-7 năm gần đây, ghép tạng nước ta có bước đột phá mãnh liệt. Ðó là số lượng bệnh nhân được ghép tạng nối dài sự sống, sự ra đời của nhiều trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, các địa phương cũng đã làm chủ ghép tạng thường quy.

Nếu cách đây 30 năm, một bệnh viện lớn mỗi năm chỉ ghép tạng được 1-2 trường hợp, sau năm 2005 thì một tháng có thể ghép được 1 trường hợp: "Ðể chuẩn bị cho một ca ghép tạng, bệnh viện phải chuẩn bị cả tháng trời, huy động gần 100 người tham gia, bệnh nhân phải nằm viện gần 2 tháng để phục hồi. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi theo hướng tích cực". Mỗi tuần trung tâm thực hiện khoảng 6 ca ghép thận, mỗi năm thực hiện khoảng 250 ca ghép tạng, bệnh nhân chỉ cần nằm viện 1-2 tuần là xuất viện. Ðặc biệt, mỗi ca ghép tạng tại trung tâm chỉ kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, sau mổ bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và sớm trở lại cuộc sống bình thường.

"30 năm tuy là dài nhưng nhìn lại đã có rất nhiều bước tiến và người được thụ hưởng nhiều nhất là người bệnh. Trước đây, người bệnh không có cơ hội nhiều, đặc biệt bệnh nhân suy thận chiếm tỷ lệ rất lớn ở Việt Nam chỉ có thể đến bệnh viện lọc máu, nhưng bây giờ những bệnh nhân đó có chỉ định thận ghép thận phù hợp thì hoàn toàn có thể tham gia cuộc sống bình thường, cống hiến cho xã hội", TS. Nguyễn Quang Nghĩa nói.

PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa đánh giá, kỹ thuật ghép tạng nước ta tương đương các nước trong khu vực khi tỷ lệ thành công sau ghép tức thì lên tới trên 95%; tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt tới 85 - 90%. Tuy nhiên, ghép tạng ở Việt Nam đang có sự mất cân đối bởi hiện thế giới tạng được ghép nhiều nhất là thận chiếm 60%, 30% ghép gan, còn ở Việt Nam thì số ghép thận lên đến 90%, chỉ còn 10% còn lại là ghép gan, tim, phổi, tụy. Ðây là sự mất cân bằng so với thế giới, điều này cũng nói lên những thách thức lớn đối với ngành Y tế.

Ðồng thời, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cho rằng, cứ cứu được một bệnh nhân nhận tạng cũng xem là một kỳ tích bởi chúng ta đã "hồi sinh" cho người đó. Trong hành trình suốt 30 năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức nói riêng và cả nước nói chung đều có những kỳ tích đáng ghi nhận, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ghép tạng.

PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa dẫn chứng, mới đây nhất, tại BVÐK Nghệ An lần đầu tiên chẩn đoán bệnh nhân chết não và đã tiến hành lấy tạng, ghép tạng ngay tại bệnh viện. Từ đó đã ghép thành công 2 trường hợp suy thận, gan chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức để ghép. Ðây là những tín hiệu rất đáng mừng với sự vào cuộc của Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và loạt đơn vị khác đã mang lại hiệu quả cho người bệnh.

Hành trình nối dài sự sống cho gần 8.000 người- Ảnh 2.

Vận chuyển tạng qua đường hàng không từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: TL

Cần có sự hội tụ sức mạnh của cả hệ thống

Tiếp nối câu chuyện để hành trình ghép tạng của nước ta tiếp tục phát triển hơn nữa, tạo điều kiện cho hàng nghìn người có cơ hội được nối dài sự sống, TS. Nguyễn Hoàng Phúc nhận định: "Bất cứ thành công nào cũng cần có sự hội tụ sức mạnh của cả hệ thống. Mỗi lực lượng, bộ phận đều có vai trò nhất định".

Phân tích thêm, TS. Nguyễn Hoàng Phúc nói, nếu không có hệ thống chính sách pháp luật bền vững, vững chắc thì không thể triển khai được; nếu không có lực lượng chữ thập đỏ đồng hành, không có sự truyền thông của đội ngũ báo chí cũng khó triển khai... Ðiều quan trọng nhất là sự nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ tận lực cống hiến cho sự nghiệp của mình để kết nối tất cả sức mạnh đó cho ngành ghép tạng hiện nay.

Nhớ lại hồi những năm 2004 - 2005 khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, TS. Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, có một vấn đề đặt ra rất quan trọng là nhận thức người phương Ðông nói chung và người Việt Nam nói riêng về chuyện hiến tạng là điều còn rất mới mẻ. Khi cộng đồng chưa có nhiều thông tin, khi suy nghĩ của người dân liên quan đến "chết phải toàn thây", "trần sao âm vậy". Câu chuyện đặt ra là nếu quan điểm ăn sâu vào tiềm thức người dân như vậy thì làm sao chúng ta lấy được, có được tạng. Thời điểm đó chúng tôi hiểu rằng, không còn cách nào khác là tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu để từ cái hiểu, mở lòng và sẵn sàng đồng hành hiến tạng.

"Theo tôi đây là một trong những thành tựu đầu tiên trong hệ thống pháp luật thời điểm đó. Và năm 2006 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội chính thức thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2007. Luật đã tạo hành lang pháp lý một cách đồng bộ, giúp cho việc hiến, lấy, ghép mô tạng ở Việt Nam phát triển như ngày hôm nay. Cùng với Luật, chúng ta có Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự rồi một loạt các văn bản quy phạm pháp luật... tạo ra hệ thống, mạng lưới, nền tảng pháp lý vô cùng quan trọng" - TS. Nguyễn Hoàng Phúc phân tích.

Cho biết, một trong những vấn đề khó, thách thức nhất là hiện nay thiếu nguồn tạng trầm trọng, TS. Nguyễn Hoàng Phúc, nếu người dân suy nghĩ trước, mong muốn làm việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời và trao lại sự sống cho đồng loại... thì sẽ vô cùng ý nghĩa.

Lê Bảo
Ý kiến của bạn