Hành trình mổ tim hở cứu bé sinh non 37 ngày tuổi

16-07-2019 08:04 | Camera bệnh viện

SKĐS - Ca mổ tim hở cho bệnh nhi sinh non 37 ngày tuổi vừa được các bác sĩ BV. Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thực hiện thành công. Đây cũng là trường hợp mổ tim hở nhỏ tuổi nhất mà bệnh viện từng điều trị trong 15 năm qua.

BS.CKII. Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim, BV. Nhi Đồng 1 cho biết, bé gái chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 20/4, chỉ nặng 1000g khi mới 30 tuần tuổi thai, bé là con thứ 2 trong cặp sinh đôi của một sản phụ ngụ tại Bình Xuân, Gò Công, Tiền Giang. Theo kết quả X-quang bệnh nhi bị bệnh màng trong độ II được BV. Từ Dũ xử trí hỗ trợ hô hấp nCPAP, dịch truyền, kháng sinh.

Ngày 3/5 (13 ngày tuổi), các bác sĩ siêu âm tim xác định bé tồn tại ống động mạch lớn 6mm (PDA) và lỗ thông liên thất lớn 7mm (VSD). Bé được điều trị bằng Ibuprofen với kỳ vọng sẽ đóng lại ống động mạch. Ngoài ra bé còn được điều trị bằng Digoxin để chống suy tim.

Ngày 21/5 tức khi bé 32 ngày tuổi, bệnh nhi vẫn phải hỗ trợ hô hấp, thở co kéo liên sườn, tim 170 l/p, phế âm đều, bụng mềm, phình, không bú được sữa. X-quang có viêm phổi, bóng tim to. Hội chẩn với các bác sĩ BV. Nhi Đồng 1 ghi nhận ống động mạch lớn (6mm) và lỗ thông liên thất lớn (7mm) chính vì thế đề nghị phẫu thuật cột ống động mạch. Bệnh nhi được chuyển đến BV. Nhi Đồng 1 cùng ngày.

Hành trình mổ tim hở cứu bé sinh non 37 ngày tuổiBé chỉ to hơn bàn tay người lớn

Ngày 22/5 đến ngày 27/5, tại khoa Sơ sinh cân nặng bé là 1.300g được chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, ống động mạch lớn, thông liên thất trên nền sinh non. Bé tiếp tục được hỗ trợ hô hấp, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh.

37 ngày tuổi, bé được phẫu thuật cột động mạch khi cân nặng là 1.300g, tương đương 35 tuần tuổi thai với hy vọng bé sẽ hết suy tim, lên cân tốt để chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật tim hở đóng lại lỗ thông liên thất.

Ngày 17/6, bé tự thở được khí trời, tuy nhiên SpO2 chỉ đạt 94%, cân nặng 1.600g, tình trạng suy tim không cải thiện nhiều, bé vẫn còn thở nhanh và vẫn điều trị suy tim.

Hội chẩn các chuyên khoa đánh giá tình trạng bé không thể xuất viện chờ đến cân nặng tương đối lớn để phẫu thuật đóng thông liên thất vì bé còn dấu hiệu suy hô hấp và suy tim. Đặc biệt việc sử dụng Digoxin tại nhà ở đứa bé nặng 1.600g là cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ ngộ độc gây tử vong rất cao.Các bác sĩ nhận định thời cơ vàng đã đến, cần chuẩn bị phẫu thuật ngay để cứu bé, mặc dù các bác sĩ biết rõ sẽ có nhiều khó khăn hơn thuật lợi.

Ngày 24/6 bé được phẫu thuật và ca mổ đã thành công với việc đóng hoàn chỉnh lỗ thông liên thất khi cân nặng của bệnh nhân chỉ đạt 1.600g và 30 giờ sau phẫu thuật bé đã cai hoàn toàn máy thở, có thể tự thở bình thường

Hành trình mổ tim hở cứu bé sinh non 37 ngày tuổiCác bác sĩ chuẩn bị cho ca phẫu thuật

Đến chiều 1/7, bé cân nặng 1.700g, bú khỏe 40ml sữa/lần và dự kiến xuất viện sau 1 tuần nữa. Theo BS. Tuấn, ca mổ kéo dài khoảng 3 giờ 30 phút, kíp mổ gồm 10 bác sĩ. Khó khăn lớn nhất của ca mổ là tim của bé chỉ lớn hơn ngón tay cái, mạch mỏng manh, dễ rách khi bóc tách, các bác sĩ phải cân nhắc cẩn thận khi chọn sợi chỉ khâu phù hợp, vị trí đặt ống dẫn hợp lý và chọn loại ống đặt phù hợp. Khó khăn nữa là việc khâu vá dễ xé mô tim, hoặc khâu phải sợi thần kinh khiến tim đờ không hoạt động sau phẫu thuật.

“Đây là ca phẫu thuật tim hở nhẹ ký nhất từ trước đến nay được thực hiện trên một bé sơ sinh non tháng. Ca phẫu thuật thành công là do sự nỗ lực và phối hợp hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, cũng như kinh nghiệm của từng thành viên trong toàn bộ êkíp điều trị trước, trong và sau phẫu thuật. Thành công này đánh dấu sự phát triển vượt bật của chuyên ngành phẫu thuật tim và thông tim can thiệp tại BV. Nhi Đồng 1 sau 15 năm triển khai với hơn 11.000 trẻ được cứu sống”, BS.Tuấn nói.

Cứ 100 trẻ sơ sinh, 1 có thể mắc tim bẩm sinh

Theo BS.CKII. Nguyễn Trí Hào, Phó khoa Tim mạch BV. Nhi Đồng 1, tim bẩm sinh là bệnh lý chiếm tỷ lệ 1/100 trẻ sơ sinh, trong đó thông liên thất chiếm khoảng 20% nhóm bệnh tim bẩm sinh. Tim bẩm sinh là dấu hiệu cấu trúc tim đang có vấn đề nghiêm trọng, bệnh có thể xảy ra khi trẻ mới sinh. Căn bệnh tim bẩm sinh bao gồm nhiều vấn đề khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến tim, bệnh này hiện nay khá phổ biến và khiến nhiều ca tử vong trong những năm đầu đối với trẻ sơ sinh. Bệnh tim bẩm sinh rất nghiêm trọng nhưng hiện nay các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị bệnh. Một số trường hợp bác sĩ có thể phát hiện được căn bệnh khi đang trong thời gian mang thai, khi đó họ sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục.

Bệnh tim bẩm sinh là những dị dạng bất thường của tim xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Đây là một trong những loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất. Bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng thậm chí dẫn đến tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Trong các bệnh tim bẩm sinh, thông liên thất là một trong những bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Hành trình mổ tim hở cứu bé sinh non 37 ngày tuổiEm bé đang được chăm sóc và chuẩn bị chờ xuất viện

Quả tim gồm bốn ngăn, hai ngăn trên được gọi là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái, hai ngăn dưới được gọi là tâm thất phải và tâm thất trái. Các buồng tim này được ngăn cách với nhau bởi một vách ngăn kín. Đối với bệnh nhân bị thông liên thất, vách ngăn giữa hai tâm thất có cấu trúc không đầy đủ, có lỗ thông, dòng máu không tuần hoàn đủ gây sắc da xanh, đầu ngón tay, ngón chân tím khi bệnh nặng, chậm lớn, kém ăn, thở nhanh và nông, dễ mệt, hay ra mồ hôi, viêm phổi tái diễn… Về lâu dài, bệnh sẽ gây ra tăng áp lực động mạch phổi và suy tim.

Bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ sinh non rất giống những bệnh lý khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết chính vì thế nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ bị nhầm. Các dấu hiệu và triệu chứng của thông liên thất nặng thường xuất hiện ngay những tháng đầu, thậm chí trong những ngày đầu của trẻ mới sinh.Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là khó thở hoặc thở nhanh, trẻ bỏ ăn hoặc ăn kém, trẻ nhanh mệt. Trẻ rất hay bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nếu trẻ có những triệu chứng này, bạn nên cho trẻ đến khám bác sĩ.Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sẽ không có triệu chứng gì mà phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.Một số chỉ phát hiện khi đã trưởng thành.

Trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ rất hay gặp, có thể gặp ở người trưởng thành và có khả năng tự đóng.Tỷ lệ tự đóng lại của các trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ ở trẻ em lên đến 75%. Tuy nhiên ở những thông liên thất lỗ lớn, gây ảnh hưởng nhanh đến hô hấp và áp lực động mạch phổi nên phải can thiệp bằng phẫu thuật.


KIẾT TRƯỜNG
Ý kiến của bạn