Hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sống

09-01-2017 21:16 | Y tế
google news

SKĐS - Ghép tạng đã trở thành một thành tựu nổi bật của y tế Việt Nam thời gian gần đây. Tháng 9/2015, lần đầu tiên tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700km bằng máy bay với những tình tiết khiến mọi người thót tim và cảm phục sự tận tâm cũng như nỗ lực hết mình của các y bác sĩ.

Hơn 1 năm sau thành công của ca ghép có tính lịch sử này, chúng tôi đã tìm gặp những người bệnh may mắn được sống phần đời còn lại bằng nguồn tạng vận chuyển xuyên Việt ấy.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Hà Nội đang vào mùa rét, tôi hẹn gặp anh Nguyễn Văn Hải, người mang trong mình quả tim được hiến tặng từ người cho chết não trong lần tái khám định kỳ 3 tuần/lần tại BV Hữu nghị Việt Đức. Khác với hình dung của tôi, anh Hải không đi che chắn giữ gìn nhiều, anh ngồi trước mắt tôi cao lớn, nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Với anh Hải, sau ca ghép tim, một cuộc sống thực sự đã tới.

Ca ghép tim tới nay đã hơn 1 năm, vết mổ của anh Hải hồi phục nhanh, sức khỏe ổn định. Anh Hải tâm sự, anh cảm nhận sức khỏe của mình như người bình thường. Anh luôn có cảm giác ăn ngon miệng. Thời gian đầu sau mổ, đang từ 50kg anh tăng lên 70kg nhưng theo lời bác sĩ, anh phải kìm chế để không được tăng cân quá nhiều. Hiện anh còn 68kg với chiều cao 1m75.

Hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sốngCác bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức vận chuyển tạng từ BV Chợ Rẫy ra Hà Nội để thực hiện ca ghép.

Anh Hải làm nghề cắt may, bán quần áo cùng gia đình tại Ninh Hiệp. Trước đây, anh từng lăn lộn chạy xe, lấy hàng Bắc - Nam nên quen làm việc xốc vác. Anh  muốn quay trở lại làm những công việc nặng hằng ngày của mình như trước đây. Sau ca ghép tim, anh thấy mình khỏe như xưa, sẵn sàng có thể bê những bao hàng nặng nhưng bác sĩ và bà xã không cho anh làm. Hiện giờ, công việc buôn bán của vợ chồng anh vẫn hoạt động tốt.

Anh Hải cười bảo: Làm việc không mệt như chăm bọn trẻ. Mấy ngày gần đây, vợ anh vắng nhà vài ngày, ngoài việc xưởng may, anh đảm đương chăm cả 2 con nhỏ: một cháu 4 tuổi và 1 cháu chưa đầy 2 tuổi. Lúc anh ghép tim, con trai anh mới sinh được vài tháng.

Kể về chuỗi ngày trước khi ghép tạng, anh cho biết, từ nhỏ tới thanh niên, anh có sức khỏe bình thường. 2 năm gần đây, anh mới bị suy tim cấp bởi làm việc quá sức. Trước khi ghép tạng 3 tháng, anh nằm điều trị tại BV Bạch Mai. Với anh, đó là những tháng ngày thập tử nhất sinh. Việc thở đối với anh cũng quá khó nhọc, phải dùng tới máy thở, sức khỏe suy kiệt chỉ còn có 50kg với chiều cao hơn 1m7. Các bác sĩ cũng đã tiên lượng xấu về trường hợp của anh và đưa ra chỉ định cuối cùng là ghép tim. Gia đình đã đăng ký cho anh vào danh sách chờ ghép tim của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia. Đang trong lúc bế tắc, tin từ Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia thông báo có người chết não hiến tim phù hợp với chỉ số.

Trong lần tái khám gần đây nhất, bác sĩ cho biết: Việc chăm sóc sức khỏe sau ghép tim là điều vô cùng quan trọng. Bất kể một dấu hiệu như cảm cúm đều phải tuân theo hướng dẫn dùng thuốc và chỉ định của bác sĩ. Đơn cử như gần đây, dù chỉ có một cái nhọt nhưng anh Hải phải hỏi ý kiến bác sĩ để chỉ định dùng loại thuốc phù hợp. Nếu dùng tùy tiện dù chỉ là thuốc hạ sốt thì có thể ảnh hưởng tới nhiều chỉ số như: men gan,... nguy hiểm tới sức khỏe.

Hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sốngTim và gan được bảo quản đặc biệt vận chuyển lên máy bay.

Anh Hải vẫn thường xuyên trao đổi sức khỏe trong nhóm các bệnh nhân được ghép tim của BV Hữu nghị Việt Đức. Hiện, có 13 bệnh nhân trong nhóm này. Các bác sĩ đã kết nối cho những bệnh nhân để thường xuyên liên lạc, trao đổi qua điện thoại, qua chát facebook.

Người được nhận lá gan trong ca ghép tạng xuyên Việt tháng 9/2015 cũng là một bệnh nhân tên Trần Văn Hải. Trước khi ghép gan, anh Hải bị xơ gan, xuất hiện các khối u và đang ở giai đoạn đầu của ung thư gan nhưng sau ca ghép, sức khỏe hồi phục rất tốt. Anh đã đi làm trở lại và đang rất bận rộn với những công việc cuối năm. Anh Hải vẫn tới viện tái khám đều đặn, anh nói: “Anh không những khỏe mà còn thấy mình “đẹp hơn” trước vì làn da và sắc mạo nhanh nhẹn”.

“Dường như tôi đã nối dài hơn được sự sống cho đứa con trai mà tôi hết lòng yêu thương”

Quả tim anh Hải mang trong mình là của một bệnh nhân chết não tại TP. Hồ Chí Minh. Quả tim ấy, chắc chắn sẽ vĩnh viễn được chôn đi dưới 3 tấc đất nếu không có tấm lòng thơm thảo của người mẹ này. Đó là bà Vũ Thị Mừng, người mẹ nén nỗi đau mất con đã mở lòng nhân ái, đồng ý hiến đa tạng con trai để hồi sinh sự sống cho 6 người khác. Cuộc nói chuyện giữa tôi và bà Mừng có những phút ngắt quãng bởi nhiều lần người mẹ nghẹn ngào nhớ về con trai đã mất. Nhưng trong giọng nói chậm buồn, ánh mắt lặng lẽ của bà vẫn ánh lên niềm tự hào về con mình, người đã hiến đa tạng để hồi sinh sự sống cho 6 người khác. Với bà, cho đi không phải để mong được đền đáp mà chỉ đơn giản: “Để nối dài sự sống cho đứa con trai mà tôi hết lòng yêu thương, để còn được thấy con mình mỗi ngày vẫn còn hiện hữu đâu đó trong cõi đời này”.

Bà Mừng kể về anh Trần Vũ Minh Quang, chủ nhân của trái tim và lá gan đã vượt cuộc hành trình lịch sử dài 2.000km. Anh Quang là con trai đầu của bà, sinh năm 1984 và chưa lập gia đình. “Quang là đứa có nhiều khát vọng và mơ ước. Suốt 3 năm học phổ thông, Quang đi học xa nhà, phải trọ học rồi mỗi cuối tuần lại lóc cóc đạp xe 15km về nhà. Ao ước được ngồi giảng đường đại học, Quang đăng ký thi vào chuyên ngành công nghệ thông tin. Năm đầu chưa thi đậu, muốn được tiếp tục ôn thi tiếp nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn 3 em ăn học, bố mẹ đồng lương thấp, Quang phải chuyển hướng đi học nghề. 3 năm học cơ khí, ở nhờ một nhà người em tại Bình Dương rồi ra đi làm, Quang cũng đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đâu ngờ, tai nạn ập tới khi một ngày đang lao động, Quang ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống đất...”.

Bà Mừng sẽ chẳng bao giờ quên giờ khắc định mệnh ấy. Lúc 2 giờ sáng, nhận được cuộc điện thoại báo con trai hiện đang nằm tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, bà vội vượt mấy trăm cây số trong đêm tới 6 giờ sáng thì đến nơi.

Nhìn con, bà quặn thắt từng khúc ruột. Cầm tay anh Quang nghẹn ngào: “Mẹ và các em đã tới với con rồi đây”, anh Quang dù đã bất động, không nói được gì nhưng bà Mừng nhận thấy ở nơi khóe mắt của con có hai dòng nước mắt.

Anh Quang được chuyển lên BV Chợ Rẫy, suốt 5 ngày điều trị để giành giật sự sống cho con là 5 ngày dài khủng khiếp trong cuộc đời bà. Ngay trong ngày đầu tiên sau khi chuyển viện, anh Quang được mổ phổi và mổ lá lách. Nhưng sau khi mổ lá lách, anh Quang hôn mê sâu. Và tới ngày thứ 5, bác sĩ thông báo, con bà đã chết não.

Với bà Mừng, tất cả quá đột ngột. Nỗi đau mất con đã dâng ngập tâm trí người mẹ nên khi nhận được lời vận động hiến tạng từ các thầy thuốc, thực lòng phút đầu, bà đã phản đối. Trước giờ, khái niệm hiến tạng hoàn toàn lạ lẫm với bà và gia đình. Suốt cuộc nói chuyện cùng vị bác sĩ, bà Mừng nhớ mãi câu hỏi: Nếu trong gia đình mình có người bị suy thận, không được ghép thận, người đó sẽ nhanh chóng từ giã cõi đời thì gia đình có đồng ý hiến tạng của anh Quang để ghép cho người trong gia đình này không? Câu hỏi khiến bà suy nghĩ nhiều bởi chính bà Mừng cũng chỉ còn một quả thận. Một quả thận đã bị hỏng cách đây vài năm.

Vị bác sĩ còn nói với bà, anh Quang đã chết não nhưng vẫn còn có thể cứu được 5, 6 người khác... Cuộc nói chuyện kết thúc và người bác sĩ đưa cho bà một lá đơn tình nguyện hiến tạng. Hơn 1 ngày suy nghĩ cùng với việc chứng kiến nhiều bệnh nhận tại BV Chợ Rẫy đang chết mòn bởi suy thận, suy tim, suy gan. Biết rằng, sau khi chôn cất, lá gan, đôi mắt, trái tim của con mình rồi cũng sẽ sớm phân hủy, tan vào đất, bà Mừng và gia đình đã quyết định trao lại những thứ thiêng liêng nhất để hồi sinh sự sống cho những con người không hề quen biết.

Đôi giác mạc, trái tim, lá gan, hai quả thận của anh Quang giờ đã được sống trong cơ thể của 6 con người nhưng cho tới thời điểm hiện tại, bà Mừng vẫn chưa một lần được gặp mặt những người nhận tạng từ con trai mình bởi điều đó là một sự trao tặng vô giá xuất phát từ lòng nhân hậu. Cho đi không cần nhận lại.

Ngày BV Việt Đức làm lễ ra viện cho hai bệnh nhân được ghép tim, gan từ con trai mình, bà Mừng cũng được các bác sĩ thông báo qua điện thoại và lặng lẽ theo dõi hình ảnh những người được mang trong mình một phần cơ thể của con trai. Với bà, đó là niềm an ủi và chỉ vậy thôi là đủ...

”Mang sự sống bay ngang qua bầu trời”

Nhớ về ca ghép tạng xuyên Việt lần đầu tiên trong lịch sử y học, đã gần nửa năm trôi qua mà các y bác sĩ vẫn còn nguyên xúc động.

Nhận được thông tin từ Ban Điều phối tạng thông báo BV Chợ Rẫy (TP.HCM) có bệnh nhân chết não hiến tạng, rất khẩn trương, Ban Lãnh đạo BV Việt Đức họp bàn và phân công mỗi người một việc để có thể tiếp nhận sớm nhất nguồn tạng hiến. Kíp bác sĩ nhận nhiệm vụ vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) để lấy tạng đưa ra Hà Nội là hai giáo sư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn về tim và gan. Đó là GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV và PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch. Đi cùng các anh là 4 bác sĩ trẻ.

Kíp bác sĩ đã ra sân bay từ 14 giờ với hy vọng được bay sớm ngay khi nhận thông tin bệnh nhân đã chết não. GS. Sơn cho biết, chỉ khi nào trong TP.HCM thông báo bệnh nhân đã chết não thì cả kíp mới lên máy bay vào. Hơn 14 giờ một chút, thông tin chuyển ra từ phía Nam: Bệnh nhân đã chết não.

Hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sốngSức khỏe của bệnh nhân được ghép tim Nguyễn Văn Hải được các bác sĩ đánh giá rất ổn định trong lần tái khám định kỳ gần đây nhất tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực BV Hữu nghị Việt Đức.

Nhờ sự giúp đỡ của hàng không, kíp bác sĩ đã kịp thời có chỗ ngồi trên chuyến bay lúc 14h30 ngày 4/9 thay vì 16h30 như dự kiến ban đầu. Với GS. Trịnh Hồng Sơn, người đã từng đi hàng trăm chuyến bay đến nhiều vùng đất trên thế giới, mổ và ghép nhiều ca bệnh nặng nhưng chuyến bay lần này thực sự mang một tâm trạng khác. Hành trình từ BV Việt Đức ra sân bay Nội Bài rồi thêm 2 tiếng ngồi máy bay luôn đau đáu trong anh suy nghĩ liệu có thể mang điều kỳ diệu đến cho hai con người đang mong mỏi được sống nhờ ghép tạng hay không, có điều trục trặc nào có thể xảy ra và xử trí thế nào để mọi việc được hoàn tất.

Ngay trong lúc 6 bác sĩ đang mỗi người một tâm trạng nhưng cùng hướng chung một điểm đến thì tại BV Chợ Rẫy, kíp bác sĩ đang tiến hành thủ thuật trên bệnh nhân chết não hiến tạng. Khi kíp bác sĩ BV Việt Đức có mặt tại phòng phẫu thuật BV Chợ Rẫy ngay lập tức họ bắt tay vào bóc tách tim và gan của người hiến rồi cho vào túi nilon đựng dung dịch chuyên biệt để bảo quản tạng. Toàn bộ khối tạng đó được đựng trong 2 chiếc hộp có chứa đá để giữ lạnh.

Trong lần gặp gần đây nhất với anh Nguyễn Văn Hải, anh chia sẻ: Anh không biết liên lạc của gia đình cô Nguyễn Thị Mừng – bà mẹ có con hiến trái tim cho anh. Nhưng qua bài báo mà tôi viết, anh hiểu nỗi mong mỏi của người mẹ ấy. Hiện giờ, khi sức khỏe đã cho phép, anh muốn xin liên lạc của cô Mừng và dự định sẽ vào gặp cô Mừng mùa xuân này...

Hàng trăm hành khách trên chuyến bay đó không hề biết đến điều đặc biệt hiện hữu cạnh họ, khi có những con người âm thầm, lặng lẽ mang sự sống bay ngang qua bầu trời. Thỉnh thoảng GS. Sơn và GS. Ước lại kiểm tra độ an toàn của hai chiếc hộp đặc biệt. GS. Sơn chia sẻ: “Lo lắng nhất là hai tạng bị hỏng do sang chấn va đập và máy bay chậm chuyến. Rất may là chuyến bay ra Hà Nội chỉ bị hoãn 15 phút nên tạng được bảo quản đúng thời gian quy định. Lúc này với chúng tôi thời gian là vàng là bạc”. GS. Sơn bảo đó là chuyến bay đặc biệt, chuyến bay của tình người khi một người lìa xa cõi tạm hiến những phần cơ thể mình cho đồng loại.

Với nhiều bác sĩ trong chuyến bay ấy hình ảnh hai đồng nghiệp BV Chợ Rẫy ngồi cạnh những chiếc hộp đựng tạng sẽ là hình ảnh ấm áp trong cuộc đời làm nghề của họ. Bởi lẽ, đó không chỉ là những chiếc hộp chứa đá lạnh lẽo, đông cứng và vô tri. Nó là hiện thân của tấm chân tình, sự sẻ chia của một người vĩnh viễn không còn trên cõi đời nhưng đã mang lại sự hồi sinh cho những bệnh nhân đang khắc khoải từng ngày chờ được ghép tạng mà nguồn hiến thì lắm khi vô vọng...

Trong những bức ảnh mà GS. Sơn lưu lại suốt hành trình từ khi đi lấy tạng đến khi cuộc ghép kết thúc, tôi thấy cả sự lo lắng, niềm vui vỡ òa trên những gương mặt các y bác sĩ, thấy cả sự cẩn trọng và chu đáo của nhân viên an ninh hàng không khi cẩn thận vận chuyển hai thùng đựng tạng nặng chừng 40kg/thùng từ máy bay theo đường riêng ra xe cứu thương chờ sẵn ở sân bay...

GS. Sơn kể: “Đội ngũ bác sĩ BV Chợ Rẫy là những bác sĩ ngoại khoa rất giỏi nên khi chúng tôi vào chỉ việc bóc tách tim và gan bệnh nhân vì những công đoạn trước đó họ đã làm hoàn tất cả rồi”. Quá trình bóc tách tim và gan của người cho chết não, GS. Sơn và PGS. Ước phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt vì khi bóc tách phải đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh để làm ngưng quá trình chuyển hoá của tế bào trong tạng. Những bác sĩ đứng phụ thay đá liên tục để đảm bảo đúng kỹ thuật. GS. Sơn chia sẻ, việc ngâm tay trong đá lạnh đến cóng tay đã thành quen với những bác sĩ ghép tạng.

Hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã được huy động để thực hiện ca lấy tạng và ghép nó vào cơ thể bệnh nhân khác. Khoảng 23h30 đêm 4/9, hai thùng tạng được chuyển đến buồng phẫu thuật của BV Việt Đức. Lúc này, tại hai buồng mổ các bác sĩ đã phẫu thuật phanh lồng ngực và ổ bụng của hai bệnh nhân chờ ghép. Giây phút hồi hộp lại đến khi tất cả cùng chờ đợi kết quả sinh thiết xem tế bào gan và tim có bị hoại tử sau một thời gian dài vận chuyển không. Ngay khi BS. Nguyễn Sĩ Lánh, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh thông báo tế bào cả tim và gan đều rất tốt, PGS. Ước lập tức bóc tách quả tim hỏng của bệnh nhân, đồng thời chuyển tim của người hiến vào thay thế. Sau hàng loạt các thao tác chính xác và cẩn trọng, ngay khi các miệng nối của tĩnh mạch và động mạch của người nhận và tim người hiến được khớp với nhau, trái tim của người hiến đã đập trở lại trong lồng ngực một người hoàn toàn xa lạ. GS. Ước không giấu được niềm vui khi nhớ về thời khắc đó: “Sau 6 tiếng, ca ghép tim hoàn thành. Không cần tới hỗ trợ kích thích từ máy móc, quả tim đã đập rất sớm hòa với nhịp thở của người nhận nó”. Một thoáng yên lặng, tôi thấy trong mắt vị PGS tài năng của chuyên ngành tim mạch ăm ắp niềm vui.

Tại phòng ghép gan cho bệnh nhân Trần Văn Hải (59 tuổi), PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức đã cắt bỏ khối gan hỏng cho bệnh nhân rồi nhanh chóng chuyển lá gan của người hiến vào ổ bụng. Sau 7,5 tiếng, ca ghép hoàn tất, lá gan mới chuyển màu hồng đầy sức sống rất nhanh. Vẫn nhớ mãi ánh mắt lấp lánh của GS.Sơn khi nói tới cảm xúc sau ca mổ, ông bảo: “Không gì sung sướng bằng khi thấy lá gan của bệnh nhân sau khi ghép tiết được mật. Những giọt mật là tín hiệu của sự sống hồi sinh”.

Hơn 2 ngày sau ca ghép, cả hai bệnh nhân được ghép tim và gan đã hồi phục rất tốt, có thể tự ăn uống và nói chuyện nhiều hơn.

Điều gì đã làm nên thành công bước đầu của hai ca ghép đặc biệt này? Xin được lấy lời tâm sự của PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước để lý giải: “Sự phối hợp rất tốt giữa bác sĩ các BV cùng với tố chất thần kinh thép mà bác sĩ ngoại khoa nào cũng có, nhất là tại BV chịu áp lực cao như BV Việt Đức đã giúp chúng tôi đủ sức khỏe và ý chí để làm việc liên tục, mang đến sự sống cho những bệnh nhân đang mỗi ngày một mòn mỏi vì bệnh tật”.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn