Bây giờ ai đến Pleiku, đi từ phía Kon Tum xuống, ngay cái ngã ba (gọi là ngã ba nhưng giờ nó đến ngã bảy ngã tám) Hoa Lư, ngay đầu cái quảng trường rất lớn mang tên Đại Đoàn Kết, đều gặp một cái bục rất to, trên cái bục đặt một cục đá, hình thù rất quái dị. Xe khách Bắc Nam nườm nượp đêm ngày chạy qua đây, hầu như ai nhìn qua cửa sổ đều thấy và cũng đều tự hỏi: Hòn đá ấy là cái gì, có ý nghĩa gì khi đặt ở đấy? Câu hỏi này ngay những người dân thành phố Pleiku, ngay rất nhiều cán bộ công chức ở đây cũng không trả lời được, huống gì khách chỉ ngồi trên xe ngó xuống.
Hòn đá bị “giam” ở Trụ sở UBND huyện Chư Sê.
Cái bệ ấy nguyên là nơi đặt tượng Anh hùng Núp, một thời là công trình lớn nhất thành phố Pleiku. Nhưng sau này, vì nhu cầu đặt cục đá, người ta “điều” cụ Núp lui vào phía góc của cái bảo tàng tổng hợp tỉnh.
Còn cục đá, hành trình của nó vừa bí ẩn vừa bi hài, thậm chí có người còn bảo nó là đỉnh điểm của sự bi hài.
Vùng Chư Sê, cách Pleiku hơn 40 cây số có những mỏ đá rất lớn. Dân ở đây sống trên đá, bởi chỉ đào xuống mấy chục phân đã gặp đá, có nơi không trồng các loại cây lớn được vì ít đất quá, cây lớn không có chỗ cắm rễ nên hoặc là chết héo, hoặc là đổ nên dân chỉ trồng được ớt hoặc bắp.
Năm 2012, bà Trần Thị Sắc đào ao lấy nước tưới đã gặp một cục đá. Thấy hình dáng hơi lạ, bà thuê xe kéo về nhà, định rửa sạch rồi bày chơi. Xin nói thêm, dân ở đây, vì sống trên đá nên nảy sinh thú chơi đá. Nhà nhà bày đá, người người bày đá trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ.
Một số cán bộ có trách nhiệm của huyện Chư Sê đã lập biên bản tịch thu cục đá. Huyện cho xe chở cục đá về sân trụ sở huyện và thuê thợ sắt làm cái rọ “giam” cục đá lại, làm dư luận hồi ấy tốn khá nhiều thời gian để... cười. Bà Sắc chấp hành nhưng không phục bởi cho rằng đá trong vườn nhà bà không phải đá quý, bà chở về nhà, giờ tịch thu còn đòi phạt, trong khi bà mất công thuê đào, chở... Và huyện lại tịch thu vào ban đêm (đêm 23/3/2012), việc tịch thu có nhiều khuất tất...
Mặc, huyện vẫn tịch thu và phạt 2 triệu đồng, giam cục đá trong sân trụ sở ủy ban bằng một rọ sắt do huyện xuất ngân sách thuê thợ làm.
Không phải dạng vừa, bà Sắc đâm đơn kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Chư Sê dù ai cũng bảo bà đang kiện... củ khoai?
Lúc này cục đá, rất nhanh chóng, đã được “kiệu” lên thành phố Pleiku, lắp lên cái bệ mà mấy năm nay tượng Anh hùng Núp đứng ở đấy khiến dân tình xôn xao không hiểu sao hòn đá “tội phạm” vì bị giam trong rọ sắt tại Ủy ban huyện, lại một bước lên... anh hùng, bởi nó được thay thế ông anh hùng đang đứng trên ấy, và dù vụ kiện đang được Tòa án huyện thụ lý, cục đá đang là vật chứng?
Và đúng như thế, củ khoai đã thắng, tuyên bà thua, ngoài phải chấp nhận quyết định của huyện, bà còn phải nộp án phí. Phiên tòa này tiêu biểu cho cách xử án của... tòa huyện xử huyện. Nguyên đơn là bà Sắc, bị đơn là ông Linh, Chủ tịch huyện, ông Linh ủy quyền cho ông Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường là ông Viên thay mặt mình hầu tòa.
Tại tòa, ông trưởng phòng tuyên bố: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của Nhà nước”. Ông Viên còn chắc nịch khẳng định đầy chất chuyên môn trưởng phòng của ông: “Mọi tác động vào đất làm biến dạng đất đều phải xin phép, nếu không thì trái quy định”.
Tất nhiên bà Sắc chống án. Tòa tỉnh Gia Lai tiếp nhận hồ sơ và xử.
Trong sổ tay của tôi hồi ấy còn ghi: “Hai người phụ nữ dũng cảm: Hai người phụ nữ này là chị Thái Thị Phương Thảo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai và chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Thẩm phán Tòa án tỉnh Gia Lai, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ “hòn đá”. Nói các chị dũng cảm, bởi tuy chỉ là hòn đá nhưng đây là hòn đá nhạy cảm, vì ngay khi nó bị tịch thu trái luật và đang là “bị can” (vì nó bị giam) thì đã được chở lên đặt ở một chỗ... khó gỡ xuống. Trước một việc đã rồi như thế mà các chị đã cương quyết chỉ ra những sai trái, vô lý, tùy tiện, phạm luật... của chính quyền huyện, thì rõ là các chị đã rất dũng cảm...
Qua đây mới thấy trình độ của cán bộ huyện nó... tại chức đến như thế nào. Một ông trưởng phòng tài nguyên môi trường mà khi tòa phân tích sự sai trái mười mươi của việc tịch thu trái phép hòn đá của dân thì cắt lời tòa nói: Tôi vẫn thu đấy. Và cũng thấy sự lộng hành của chính quyền nó ra làm sao. Tịch thu hòn đá không theo điều khoản nào, lập biên bản không có trưởng đoàn và có nhiều điều không có trong sự thật, làm một cái lồng sắt nhốt hòn đá ngay trong khuôn viên ủy ban huyện như một cách thể hiện uy quyền và lấy mẫu đi giám định thì không có sự chứng kiến của chủ hòn đá,... còn nhiều điều vô lý nữa, nhưng bằng uy quyền của mình, chính quyền huyện vẫn quyết tịch thu. Khi bà Sắc, chủ hòn đá đi kiện thì tòa án huyện, tất nhiên, đã bác đơn kiện của bà Sắc.
Ngay khi vụ kiện đang còn chưa xử thì một việc khó gọi tên khác lại diễn ra, ấy là hòn đá được kiệu lên đặt ở cái bệ vốn dĩ là nơi đặt tượng Anh hùng Núp. Như một cách khẳng định huyện Chư Sê tịch thu hòn đá là đúng.
Vậy nên 2 chị phụ nữ đã rất dũng cảm khi vạch rõ sự sai trái và phạm luật từ chân đến đầu của sự kiện hòn đá. Một việc rất nhỏ, chỉ cần thương lượng là xong, đằng này lại dùng uy quyền định đoạt dẫn đến bây giờ tiến thoái lưỡng nan.
Nhưng tòa và bà Sắc cũng... biết điều, khi đồng ý cho huyện Chư Sê thương lượng với bà Sắc, trong vòng 15 ngày phải có kết quả, không thì tòa sẽ tuyên, bởi hòn đá khi nó ở nhà bà Sắc thì nó chỉ là hòn đá, khi bị đóng cũi sắt ở khuôn viên trụ sở huyện Chư Sê nó là... tù thạch, còn giờ nó uy nghi đứng trên bệ tượng anh hùng thì nó có một tư thế khác, không dễ gì gỡ xuống, vậy nên thương lượng và xuống nước là cách làm mà tòa và bà Sắc đã tạo điều kiện cho huyện...”.
Kết quả là huyện Chư Sê đã phải xuất ngân sách đền cho bà Sắc 110 triệu đồng, trong khi trước đó, ban đầu, bà Sắc chỉ yêu cầu rút quyết định xử phạt và cấp giấy khen cho bà vì có công phát hiện cục đá nhưng các công bộc huyện Chư Sê kiêu ngạo không chấp nhận.
Hòn đá hiện đang trên bệ, nguyên là nơi đặt tượng Anh hùng Núp.
Vui nhất là tại tòa hôm ấy, sau những cú điện thoại từ ông Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường đại diện bị đơn với người có trách nhiệm của huyện thì số tiền đền cho bà Sắc tăng vùn vụt, từ 20 triệu, đến 50 triệu, lên 80 triệu, 100 triệu, cuối cùng là 110 triệu thì bà Sắc mới đồng ý. Nhưng phía huyện cũng giao kèo là cấm bà không được cung cấp thông tin ra ngoài, đặc biệt là báo chí. Nếu vi phạm lập tức số tiền bị thu lại. Nói thì nói vậy, nhưng gần như ngay lập tức, các báo thông tin vanh vách chuyện huyện mặc cả với bà Sắc và số tiền cuối cùng huyện phải móc ra đền mà chả thấy ai thu lại tiền của bà Sắc.
Vấn đề là, tại sao cái cục đá có hành trình kỳ lạ ấy, không có giá trị thẩm mỹ, không có giá trị kinh tế, không có tác dụng an sinh an dân, không có công trạng gì, cũng không phải loại “đậm đà bản sắc” Gia Lai ấy, giờ lại sừng sững đứng ở cái bệ rất trang trọng nguyên là nơi đứng của một nhân vật anh hùng, ở một vị trí rất trang trọng như thế?
Cái cục đá ấy, xấu một cách kinh khủng. Không chỉ nó xấu, mà nó làm cho cảnh quan xung quanh cũng xấu lây...
Không ai giải thích, và hình như, không ai giải thích được, trừ người ra lệnh đặt cục đá lên đấy...
Bài, ảnh: Văn Công Hùng