Tủ sách trên các đảo Trường Sa
Đi các đảo tôi thường để ý tới các tủ sách. Thật ngạc nhiên chỗ nào cũng có vài tủ đựng đầy sách đủ loại, từ truyện, thơ, tiểu thuyết đến lịch sử biển đảo. Mừng. Người ta bảo, gia tài của người đàn ông chỉ có ba thứ: Một người vợ hiền và đảm, một cô con gái xinh và thông minh, và một tủ sách. Những người lính bắt đầu bằng tủ sách là một phần của gia tài lớn. Hy vọng các anh đọc nhiều vì đó cũng là kiến thức để bảo vệ biền đảo sau súng ống.
Một góc tủ sách trên đảo
Nhưng có cả tri thức nhân loại.
Chùa nhìn ra biển lớn
Dưới tán lá phong ba
Rau muống này ở đất liền cũng không có.
Thăm đảo Phan Vinh – ngày 23-4-2016
Đảo Phan Vinh là phần nổi trên vành san hô của một rạn san hô vòng lớn hơn, là một phần của thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù ở đảo không có nguồn nước ngọt nhưng vẫn có cây xanh. Tên của đảo được đặt cho người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung úy Nguyễn Phan Vinh (1933–1968, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam), vốn là thuyền trưởng của nhiều con tàu không số trong Chiến tranh Việt Nam. Hiện có bàn thờ anh trên tầng 2 cạnh hội trường lớn. Trên đảo có nhà cửa khá khang trang, có chùa lớn xây mới, bên cạnh là tòa nhà hiện đại, mái ngói đỏ au. Lính tăng gia rau khá tốt, nhìn những vạt rau muống non xanh mởn, có cả húng quế, rau dền, có tủ sách nhiều cuốn đã sờn.
Đoàn Hàn Quốc tặng giàn rau xanh chịu mặn.
Trên đảo cũng có cả húng quế
Hoa cải ven ... đại dương
Hoa tra
Hoa giấy chắc mang từ đất liền ra đảo có cọc sắt giữ thân hoa.
Tới đảo Nam Yết - ngày 21-4-2016
Nam Yết là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình khoảng 11 hải lí (20,4 km) về phía nam và cách đảo Sinh Tồn 33 km về phía bắc-đông bắc. Đảo có dạng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo trục đông-tây với chiều dài khoảng 600 m, chiều rộng khoảng 125 m và diện tích đạt 6 ha. Đi tàu thủy từ đất liền Việt Nam đến đảo mất hơn hai ngày và hai đêm. Đất trên đảo này chủ yếu là sạn, sỏi và cát thô từ đá mẹ là san hô, vỏ sò ốc, khá khô cằn.
Cột mốc chủ quyền không thể xâm phạm
Hải đăng Nam Yết
Cây cối xanh tươi
Hoa phong ba
Trái ngọt cho đời
Thanh bình trên đảo
Không lời
Đảo Trường Sa Đông
Đảo Trường Sa Đông (Central Reef ) dài khoảng 200m, rộng 60m, diện tích khoảng 3ha, thuộc quần đảo Trường Sa. Rạn san hô nơi đảo này tọa lạc là một rạn đá cạn nước khi thủy triều xuống. Khi đoàn đến thì thủy triều cạn nên phải đi vòng vèo khá xa, và phải đợi nước lên vì sợ cano bị mắc cạn. Từ tầu chính vào phải dùng cano đưa 7-8 người một lần, một công việc khá vất vì đón khách lên xuống tầu.
Khi đoàn đến có một đàn cá heo (dolphin) nhảy trên mũi tầu rất đẹp, nhiều người quay được cảnh này. Đàn mấy chục con bơi vòng quanh tầu khoảng nửa tiếng rồi mới chia tay, dường như chào đón tầu. Những người quen biển nói, cá heo nhảy lên là biển sắp động. Phía chân trời hôm đó có giông thật. Nhưng may không có biển động. Đảo có nhiều cây xanh, nhà cửa khá chắc, được tổ chức bài bản. Vườn rau có đất thịt có vẻ được chuyên chở từ đất liền ra đây. Các em lính kể, mỗi tuần được tắm hai lần nước ngọt, tắm dội vào chậu, lấy nước đó tưới rau.
Đảo Trường Sa lớn
Đảo Trường Sa (tiếng Anh: Spratly Island/Storm Island) cách Vũng Tầu khoảng 500km. Với tốc độ như tầu Kiếm ngư 490 cũng phải mất gần 2 ngày mới tới. Tên chính thức là đảo Trường Sa nhưng để phân biệt với quần đảo Trường Sa nên gọi là Trường Sa lớn.
Đảo Trường Sa lớn dài 630 m, rộng khoảng 300 m, diện tích 0,15 km2, cao khoảng từ 3,4 đến 5 m so với mực nước biển khi thuỷ triều xuống thấp nhất. Vành san hô bao quanh đảo cũng nhô lên khỏi mặt nước khi nước triều xuống.
Khí hậu ở đảo mang nét đặc trưng của quần đảo Trường Sa với mùa hè mát và mùa đông ấm. Từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô; từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa. Trong mùa khô, nhiệt độ cao được duy trì từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ nhưng sóng yên biển lặng. Vào mùa mưa, nhiệt độ trong ngày thấp hơn nhưng dông bão thường xuyên xảy ra.
Đảo có giếng nước lợ có thể dùng để tắm, giặt và tưới cây. Thực vật nơi đây chủ yếu là các cây bàng vuông, muống biển, phi lao, phong ba, xương rồng và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim nhưng sinh trưởng và phát triển kém do khí hậu khắc nghiệt.
Bây giờ trên đảo có thêm hoa trái từ đất liền gửi ra và có vẻ phát triển tạm ổn. Thấy đu đủ quả sai, dừa cao vút chứng tỏ trồng lâu rồi, sen nước trong chậu ra hoa.
Hiện có 7 gia đình sinh sống trên đó, được phân đất, phân nhà. Trẻ em đi học hết tiểu học, tới cấp 2 thì vào đất liền. Đây là đảo thứ 2 mà đoàn thấy trẻ em sau đảo Sinh Tồn.
Đây đảo duy nhất tầu có thể cập cảng và lên xuống không cần xuồng tăng bo nên khách trên KN490 được lến xuống hai lần. Một lần lên buổi sáng để giao lưu, động viên. Khách đòi đi lang thang mà không được phép. Lên xuống phải có kỷ luật.
Buổi tối có giao lưu với lính đảo và dân khá đông, có ca hát và cảm ơn vì đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Trường Sa.
Đặc biệt tối giao lưu dù chưa đến tháng 5 mùa mưa, trời bỗng đổ mưa 10 phút khi mở màn. Đến lượt anh Cua có 2 phút để nói thì mưa ào ào, dân chúng chạy náu vào các lùm cây phong ba, riêng lính và dân Trường Sa coi mưa như không.
Tôi có nói, mưa là một điềm lành để động viên người nghe. Rồi quay sang nói về kỷ niệm như đã viết trên đảo Colin rằng, bay trên trời qua vùng này rất nhiều lần, luôn mơ được đặt chân lên những đảo ở đây. Và hôm nay thì giắc mơ thành hiện thực.Tôi cũng hy vọng, người Viết khắp năm châu sẽ nuôi dạy con cái thành công dân toàn cầu và dùng kiến thức quốc tế để bảo vệ biển đảo.
Mình vừa phát biểu xong vài phút thì trời tạnh, hơi ướt một chút nhưng rất vui vì được người nghe hoan hô.