Hành trình giải cứu bướu che cả miệng ở em bé 12 tháng tuổi

21-12-2018 09:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - ThS BS.Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho em bé 12 tháng tuổi bị bướu che cả miệng khiến việc ăn bú rất khó khăn và rất mất thẩm mỹ.

Được biết, khi mới sinh ra bé M. đã bị bướu máu tại môi dưới, bướu che cả miệng khiến cho việc bú mẹ rất khó khăn. Mẹ bé M.cho biết, khi mới sinh ra đến giờ mẹ bé cũng thấy con bị bệnh như vậy thương sót con nên đã đưa bé M đi nhiều bệnh viện để khám và chữa cho con nhưng kết quả không khả quan.

Mới đây, chị lại đưa bé M đến Bệnh viện Đại học Y Dược để được các bác sĩ khám và điều trị.

Hình ảnh bướu môi của bé trước khi phẫu thuật

BS Vỹ người trực tiếp phẫu thuật cho bé M cho biết. Bé M bị bướu dạng là dị dạng mạch máu, đây là một dị dạng bẩm sinh có thể bị bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Nhưng có những vị trí đặc biệt khó khăn trong việc điều trị.

Trường hợp bé M bị bướu môi dưới, bướu che cả miệng khiến bé ăn bú khó khăn và rất mất thẩm mỹ.Sau khi khám và đánh giá các bác sĩ đã dùng nhiều phương pháp để điều trị như gây xơ bướu bằng Ethanol đậm đặc, phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình...

Tới nay việc điều trị đã cho kết quả khả quan, hiện bệnh nhi đã xuất viện.

HÌnh ảnh sau khi phẫu thuật

Theo BS. Vỹ bé M bị bướu dạng là dị dạng mạch máu, đây là một dị dạng bẩm sinh. Dị dạng mạch máu là bệnh lý xuất hiện từ lúc trẻ mới chào đời, chiếm tỷ lệ 1% dân số. Trong giai đoạn bào thai, cơ thể có hệ thống mạch máu nguyên thủy. Khi phôi thai phát triển, các mạch máu nguyên thủy không còn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể nên bị tiêu hủy đi và được thay thế bằng hệ thống mạch máu mới. Tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó, các mạch máu nguyên thủy không bị tiêu hủy như cơ chế thông thường khiến đứa trẻ chào đời bệnh dị dạng mạch máu.

Cần phân biệt dị dạng mạch máu với bệnh bướu máu ở trẻ sơ sinh. Bướu máu sơ sinh là một bệnh lành tính thường gặp, về bản chất không phải là dị dạng mạch máu. Bệnh thường xuất hiện khoảng 2 tuần sau sinh, phát triển nhanh trong 9 tháng đầu, ngưng phát triển từ tháng thứ 9 đến tháng 12 rồi thoái triển nhỏ dần. 95% trường hợp trẻ đến 4-5 tuổi, thương tổn này sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.

Một số trường hợp hiếm, bướu máu gây nên những vấn đề nghiêm trọng mới cần được giải quyết như tình trạng xuất huyết, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường thở, xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc suy tim cung lượng cao. Tùy theo loại bướu máu mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Dị dạng mạch máu bao gồm: Dị dạng tĩnh mạch, dị dạng động - tĩnh mạch, dị dạng bạch mạch hay phối hợp. Trước đây bệnh thường được điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cắt bỏ nhiều động mạch nuôi khối dị dạng với hy vọng làm giảm nguồn máu nuôi sẽ làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, cách này được chứng minh là không hiệu quả, chẳng hạn trong trường hợp dị dạng động - tĩnh mạch sẽ sinh ra thêm nhiều mạch máu mới khiến cho tình trạng bệnh ngày càng xấu hơn.

Với sự phát triển của y học, ngày nay một số bệnh dị dạng mạch máu có thể chữa khỏi bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Theo đó bác sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc triệt tiêu các mạch máu bị dị dạng mà vẫn bảo tồn các mạch máu bình thường. Phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát rất thấp.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn