Hà Nội

Hành trình gặp lại người con đã mất của bà mẹ “kỳ lạ” ngày đầu xuân

30-01-2017 07:38 | Y học 360
google news

SKĐS - Sau những ngày đau đớn mất con, trong phút chốc, âm dương không còn cách biệt, trái tim của con trai bà Ngần trong lồng ngực anh Nguyễn Nam Tiến - người lính pháo binh cảnh sát biển bỗng đập rộn ràng, nhanh hơn nhịp thường khi bà Ngần ôm choàng anh vào lòng. Ngước lên ban thờ anh Trịnh Đình Vàng, ngọn nến bỗng vụt sáng lấp lánh giống như hình một giọt nước mắt...

Video: khoảnh khắc bà Cấn Thị Ngần được nghe lại nhịp tim rộn ràng của người con đã mất trong lồng ngực anh Nguyễn Nam Tiến - người chiến sĩ biển


Trước đó, ngày 27/7/2016, bà Cấn Thị Ngần thôn Độ Lộc - xã Tuyết Nghĩa – Huyện Quốc Oai – Hà Nội đồng ý hiến tạng của con trai là anh Trịnh Đình Vàng (sinh năm 1984) đột ngột ra đi do bị ngã từ sân thượng xuống để các bác sĩ BV Quân Y 103 thực hiện ca ghép tạng hồi sinh sự sống cho 6 người khác.

Bà Ngần luôn ao ước được gặp những người nhận tạng của con mình để biết họ vẫn còn sống khỏe và cảm nhận được con mình vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, do quy định của luật hiến ghép tạng, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng. May mắn thay, hai bệnh nhận giác mạc của con trai bà Ngần đã tự lần hỏi và tìm gặp được bà Ngần.

Một điều day dứt đáng nói: sau hành động cao đẹp hiến tạng của con trai, bà Ngần và gia đình cũng chịu nỗi khổ tâm bởi một số người trong làng ngoài xã cho rằng bà bán con.... Phóng sự “cuộc gặp gỡ đặc biệt của mẹ và con trai sau 100 ngày mất” trên số báo 206 ngày 25/12 báo Sức khỏe & Đời sống, đã “giải được” nỗi ẩn ức của bà Ngần bởi gia đình người nhận giác mạc là một gia đình thuần nông rất nghèo.

Duyên số đưa đẩy, người lính biển ở một vùng quê nghèo Quảng Bình đang mang trong mình trái tim của con trai bà Ngần đã đọc được những khắc khoải của bà Ngần. Lại thêm một lần nữa, bà Ngần được gặp lại một phần của con trai mình và một lần nữa, bà được minh oan.


Bà Cấn Thị Ngần bên anh Nguyễn Xuân Hưng- người được nhận giác mạc của con trai bà

Bước qua rào cản, người mẹ nhân từ tiếp tục hiến tất cả thứ gì có thể để ... cứu người

Sau khi bài báo về bà Ngần được in, tôi hẹn gặp bà để biếu bà mấy tờ báo. Ngày hôm đó là ngày 23/12, giáp ngày Noel. Quán cà phê dưới khu nhà bà Ngần đang giúp việc có chút không khí bởi một cây thông nhỏ, chút nhạc ấm áp khe khẽ nhưng bà Ngần và tôi lại khóc. Bà Ngần bảo, cuối tuần đó, bà sẽ đưa báo về quê để mọi người trong làng xem.

Nhìn thấy tấm hình chụp cùng Hưng – người nhận giác mạc của con mình trên bài báo, bà Ngần không thể kìm nổi xúc động: "Hưng mới được ghép 1 bên mắt, giá Hưng được may mắn một lần nữa để được nhận giác mạc từ ai đó hiến tặng và có được cả đôi mắt sáng thì thật tốt” – bà Ngần nói trong nước mắt.

Nhìn thấy tấm hình chụp cùng Hưng – người nhận giác mạc của con mình trên bài báo, bà Ngần không thể kìm nổi xúc động


Bà Ngần chia sẻ với tôi: “cô muốn đăng ký hiến tạng trong trường hợp khi chẳng may.... Hiến được gì, cô sẽ hiến tất". Rồi bà mong sẽ có nhiều người đọc được bài báo của tôi để hiểu và đăng ký hiến tạng khi chết não hay hiến giác mạc khi qua đời để giúp được những người như Hưng.

Tôi thực sự bất ngờ trước quyết định ấy của bà. Một người mẹ chất phác, lam lũ thuần nông như cô Ngần đã hiểu được ý nghĩa thực sự của việc đăng ký hiến tạng. Tôi hỏi bà: “Cô có e ngại gì không?” Bà Ngần tâm sự: “Từ khi quyết định hiến tạng con trai, chưa một phút nào cô hối tiếc. Trong những giấc mơ, cũng chưa bao giờ cô mơ thấy anh Vàng trách cứ cô điều gì”....

Đúng như lời tâm sự, bà Ngần gọi cho tôi thông báo chiều ngày 28/12/2016, bà sẽ tới Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia làm thủ tục đăng ký hiến tạng và bà muốn tôi đi cùng. Sau 6 tháng kể từ ngày ký vào lá đơn đồng ý hiến tạng của con trai đột ngột ra đi, bà Ngần lại tiếp tục đặt bút ký vào lá đơn để hoàn thành tâm nguyện của mình. Đôi bàn tay run run, nước mắt bà lại trào dâng.

Một tuần sau khi bà Ngần đăng ký hiến tạng, anh Nguyễn Nam Tiến – chiến sĩ pháo binh lính biển đang mang trong lồng ngực quả tim của con trai bà Ngần đã gọi cho bà Ngần. Trong cuộc điện thoại ấy, anh Tiến đã gọi bà là mẹ và suốt đêm đó, bà Ngần thức trắng không ngủ. Tới khuya, giọng bà vẫn run rẩy khi gọi cho tôi kể về cuộc trò truyện của bà và anh Tiến.

Bà Ngần ký vào lá đơn hiến tạng

Hạnh phúc được nghe nhịp tim của con trai trong lồng ngực người lính biển

Ngày anh Vàng rời xa bà Ngần là một ngày mưa bão 27/7 và ngày bà Ngần được nghe lại nhịp tim đập rộn ràng của con trai mình cũng một ngày mưa giáp Tết, ngày 17/1/2017 (tức là ngày 20/12 âm lịch).

Buổi sáng ngày 17/1, anh Tiến dậy từ sớm chuẩn bị về nhà bà Ngần. Đi về cùng anh có bố vợ và anh trai của anh từ trong quê Quảng Bình ra Hà Nội vừa là để tới nhà gặp bà Ngần, thắp một nén hương cảm tạ cô Ngần, vừa là để đưa anh về quê ăn Tết.

Tới cổng nhà bà Ngần, bước chân của người lính biển có chút vội vã, đôi tay run run cầm bó hoa cúc, gương mặt rạn sương gió của anh hiện rõ sự xúc động. Vừa bước vào gian nhà nhỏ, bà Ngần ôm siết lấy anh trong tiếng nấc nghẹn ngào. Đôi bàn tay với những ngón thô ráp của người mẹ lam lũ đưa lên vuốt mãi ngực anh Tiến – Nơi đó, trái tim của con trai bà vẫn đang đập rộn ràng. Hơn 6 tháng từ ngày anh Trịnh Đìn Vàng út ít lìa xa cõi đời, bà Ngần lại được nghe lại nhịp tim của con mình như một phép màu. Trên ban thờ anh Vàng, nén hương anh Tiến vừa thắp tỏa làn khói thơm dịu, ngọn nến vụt sáng lung linh, lấp lánh giống như hình một giọt nước mắt...

Bà Ngần không thể kìm nổi xúc động khi được "gặp lại"con trai


Buổi trưa hôm ấy, cả con gái, con trai bà Ngần đều xin nghỉ làm ở nhà chuẩn bị mâm cơm mời anh Tiến và chúng tôi ở lại. Bà Ngần bảo: “đây coi như bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên của gia đình bà vì có anh Vàng “về”, có đầy đủ các con. Suốt bữa cơm, bà Ngần ngồi cạnh anh Tiến để được gần con.

Đứng trên khoảng sân nơi anh Vàng ngã từ trên sân thượng xuống đất, anh Trịnh Đình Đồng – anh trai anh Vàng cùng anh Tiến trò chuyện trong giây lát. Anh Đồng nở nụ cười vì thấy anh Tiến đã khỏe.

Lần này về nhà bà Ngần, tôi thấy có một chút mới. Vẫn ngôi nhà chưa quét vôi ve còn trơ nguyên lớp vữa chát, vẫn hàng rào anh Vàng tự tay làm mấy tháng trước khi mất nhưng ngoài hiên của nhà bà Ngần đã được lát gạch đỏ, không còn để khoảng sân trống toàn cát. Bà Ngần mới lát khoảng sân gạch chắc là để được “đón con” về cho tươm tất.

Anh Tiến muốn đón bà Ngần về vùng quê Quảng Bình của anh chơi nhưng bà Ngần phải lo hương khói cho anh Vàng nên chưa thể về quê anh Tiến thời gian này. Bà Ngần có gửi anh Tiến 2  bộ quần áo để cho 2 cháu nhỏ con anh làm áo Tết cho các cháu. Tới giờ chia tay, bà Ngần và anh Tiến vẫn bịn rịn.

Anh Trịnh Đình Đồng - anh trai của anh Trịnh Đình Vàng vui khi thấy anh Tiến khỏe mạnh sau ca ghép tim

Suốt bữa cơm, bà Ngần ngồi cạnh anh Tiến để được gần con

Hành trình để trái tim của anh Vàng được tiếp tục sống trong lồng ngực người lính biển

Chắc hẳn, sẽ nhiều người đặt câu hỏi: tại sao anh Nguyễn Nam Tiến –đang mang trong mình quả tim của con trai bà Ngần mà tới bây giờ mới liên lạc và gặp bà Ngần? Từ sau ca phẫu thuật, cả anh Tiến và gia đình anh vẫn canh cánh trong lòng mong muốn về tận nhà, thắp một nén nhang cảm tạ người đã tặng cho anh Tiến trái tim. Nhưng 3 lần bố vợ và các anh trai anh Tiến xin bác sĩ địa chỉ và có ý định đi tới nhà người hiến tạng thì các bác sĩ đều khuyên phải tuân thủ đúng luật hiến ghép tạng, không thể cung cấp địa chỉ của người cho và người hiến tạng. Và chiều ngày 19 Tết âm lịch, điều kiện sức khỏe cho phép, anh Tiến đã cùng người thân về thăm mẹ Ngần.

Trước ngày anh Tiến về quê gặp bà Ngần, tôi đã tìm gặp anh Tiến tại nhà Công vụ của Tổng cục Cảnh sát biển tại Hà Nội vào một chiều cuối năm, trong cái lạnh se sắt khi đào quất đã ngập tràn trên phố. Từ sau ca phẫu thuật ghép tim đã 5 tháng, anh Tiến chưa một lần được về quê Quảng Bình, không được bế đứa con gái đã sinh được 5 tháng, được đùa với con trai 5 tuổi, phải xa cách người vợ trẻ và mẹ già 85 tuổi vì phải tuân thủ theo quy định nghiệm ngặt của bác sĩ cũng như của thủ trưởng.

Anh Tiến hiện là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam với nhiệm vụ bám giữ vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ trên những con tàu tuần tra. Khi sự cố giàn khoan 981 diễn ra trong những ngày nóng bỏng, anh đã được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 năm 2014. Đó là những tháng ngày nóng bỏng...

Anh Tiến không quên uống rất nhiều thuốc

Anh Tiến sinh năm 1979, là con út trong gia đình 5 anh em trai và 1 chị gái tại làng quê ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Gia đình anh là một gia đình thuần nông, ba anh mất đã mười mấy năm nay, mẹ anh giờ cũng đã 85 tuổi. Tất cả các anh chị em đều đã lập gia đình và làm nông nghiệp ở quanh làng.

Cũng chính vì cuộc sống khó khăn, 18 tuổi, dù thi đỗ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và theo học 1 năm nhưng sau đó, do gia cảnh khó khăn, anh phải bỏ ngang giữa chừng và nhập ngũ nghĩa vụ quân sự. Rồi từ đó, anh được đào tạo và được tuyển vào bộ đội chuyên nghiệp với nghiệp vụ chính là lính Pháo Binh trên tàu.

Công việc buộc anh phải lênh đênh suốt trên biển. Thường, thì 1 hay vài tháng mới được về thăm nhà một lần. Năm 2011, anh kết hôn với chị Hoàng Như Phương (sinh năm 1987) cùng quê anh và một năm sau sinh được một cháu trai.

Năm 2014, sau khi trải qua những tháng ngày nóng bỏng bảo về chủ quyền biển đảo cùng đồng đội, anh Tiến vẫn có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, tới tháng 7/2015, anh đột nhiên thấy cơ thể rất mệt mỗi khi chơi thể thao hay bơi trên biển. Sau khi đi khám, các bác sĩ cho biết, anh bị mắc bệnh viêm cơ tim thể xốp, một căn bệnh rất hiếm gặp.

Bước chân vội vã của người lính biển về bên bà mẹ Ngần

Được chuyển ra điều trị tại BV Quân Y 103, các bác sĩ đã đặt 1 chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Tuy nhiên, hơn nửa năm trời với nhiều tháng ngày nằm viện và đi về Hà Nội, Quảng Bình, anh không khỏi bệnh mà ngày thấy tiến triển, sức khỏe ngày một giảm sút, từ 58 kg chỉ còn 46 kg. Có nhiều lúc đột ngột không thể thở được, mặt mày tím tái và phải cấp cứu ngay.

Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Một cách duy nhất để anh sống được đó là ghép tim. Anh Tiến bỗng mang bệnh nặng, con trai mới lên 4 thơ dại, mẹ già đã 85 tuổi, vợ anh đang đi làm kế toán cho một công ty ở quê nhà Quảng Bình cũng phải bỏ việc để lên BV 103 chăm sóc chồng trong những ngày nan nguy. Hy vọng sống của anh chỉ như một ngọn nến leo lét.

Buổi chiều ngày 26/7/2016, bất chợt các bác sĩ báo có người hiến tim, người nhà vội báo tin để vợ anh và con trai đáp chuyến xe tới bên anh trước giờ phẫu thuật. Vợ anh khi đó đang mang bầu tháng thứ 8 đứa con gái thứ 2.

Ca mổ khoảng 9 tiếng đồng hồ nhưng chỉ nhẹ nhàng như một giấc ngủ đêm đối với anh Tiến. Khi mở mắt, hình ảnh đầu tiên anh Tiến nhìn thấy là các bác sĩ BV 103, bác sĩ Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Tim mạch Lồng ngực BV Việt Đức – người tham gia cùng các bác sĩ BV 103 trong ca phẫu thuật của anh. Anh biết, sự sống đã quay trở lại với mình...

Anh Tiến sum vầy cùng vợ và 2 con ngày 21 Tết trong gian nhà nhỏ tại Quảng Bình


Suốt 3 tháng sau phẫu thuật, các bác sĩ BV 103 chăm sóc anh Tiến trong phòng vô trùng cách ly. Lúc nào trong phòng cũng có một bác sĩ và 1 y tá coi sóc cho anh. Nhưng ngặt nỗi, anh bị viêm thanh quản, mất tiếng hoàn toàn nên không thể nói chuyện với y, bác sĩ. Người nhà cũng chỉ được nhìn anh qua tấm kính. Tới bữa cơm, chị y tá lúc nào cũng ép anh phải ăn hết suất.

Sau 20 ngày anh Tiến phẫu thuật, vợ anh Tiến sinh một bé gái. Nằm trong buồng dưỡng bệnh, nghe tin báo, anh vui mừng. 3 tháng “cấm cung” dưỡng bệnh rồi cũng kết thúc. Anh Tiến là bệnh nhân được ghép tim đầu tiên từ người cho chết não của Học viện Quân Y và là bệnh nhân thứ 13 được ghép tim tại Việt Nam nên vấn đề chăm sóc sau ghép là vô cùng quan trọng. Sau ca ghép, anh được sắp xếp ở trong căn phòng của nhà Công vụ Tổng tư lệnh cảnh sát biển. Căn phòng anh ở có 4 người khác, mỗi người có một chiếc giường cá nhân theo phong cách như các chiến sĩ ở trong quân ngũ.

Câu chuyện chưa dừng lại...

Sau khi gặp mẹ Ngần, ngay trong chiều 20 Tết, anh Tiến bắt xe khách về quê và sau đó vài ngày sẽ quay về đơn vị của anh, cách nhà anh 400 km để nhận nhiệm vụ theo sự phân công mới. Cũng vì hoàn cảnh, anh Tiến không thể thuê xe riêng để về quê. Anh mua vé đi xe khách giường nằm.

Sau một đêm đi xe khách, 4h sáng ngày 21 Tết âm lịch, anh Tiến về tới nhà sum vầy cùng gia đình. Tuy nhiên, điều lo ngại đã xảy ra...do đi xe khách, tiếp xúc nhiều người, 1 ngày sau khi về nhà, anh Tiến bị sốt có lúc lên tới 39 độ, khắp người đau mỏi như bị cảm cúm. Liên lạc qua điện thoại, bác sĩ nói, anh phải quay lại Hà Nội ngay.

Biết tin anh Tiến phải quay lại Hà Nội, sáng ngày 27/11 (ngày 30 Tết), bà Ngần từ Tuyết Nghĩa lại ra Hà Nội thăm con mang theo 1 con gà và 1 chiếc bánh trưng. Bệnh viện vắng lặng, chỉ còn anh Tiến và anh trai đã ngoài 60 tuổi hộ tống anh về khám bệnh lần này. Bà Ngần xót xa, thương anh Tiến. Bà xin bác sĩ cho anh về nhà bà ăn Tết nhưng anh Tiến phải ở lại viện để theo dõi. May thay, các kết quả xét nghiệm cho thấy, anh Tiến chỉ bị sốt vi rút, không phải bị thải ghép như lo lắng của các bác sĩ đã nghi ngại. Anh sẽ ở lại bệnh viện 103 điều trị cho ổn rồi lại được về quê. Trong nụ cười thật hiền nhưng vẫn lộ rõ sự mệt mỏi, tôi vẫn đọc được ánh nhìn lo âu trong mắt anh.


Đã 5 tháng từ sau ngày phấu thuật, anh Tiến mới được về gặp mẹ già 85 tuổi và vợ con


Và quả thật, trên cõi đời hẳn là có chữ Duyên. Cuối ngày 23 tháng 11 (ngày 26 Tết), gần 11h đêm, một tin thật vui đã đến: Hoàng Thanh Tùng - bác sĩ nội trú tại bv Mắt Trung ương nhắn cho tôi: sáng ngày 27 Tết, Quỹ bảo trở Trẻ em Việt Nam sẽ tới trao 20 triệu tiền hỗ trợ cho hai cháu nhỏ con anh Nguyễn Nam Tiến. Sau khi đọc những dòng thông tin về gia cảnh của anh Tiến, Tùng đã đưa cho bố mình là bác sĩ Hoàng Văn Tiến hiện là giám đốc Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam. Bác sĩ Tiến đã cho xác minh ngay hoàn cảnh nhà anh Tiến.

Tùng chính là con trai của bác sĩ Vũ thị Thoa- nữ bác sĩ trưởng khoa Mắt tại BV 19- 8 Bộ Công an. Ngày 30/8/2016, bác sĩ Thoa đã ra đi vì căn bệnh ung thư vú và đã hiến tặng đôi giác mạc của mình để đem lại ánh sáng cho 2 người khác. Dù tâm nguyện của bác sĩ Thoa muốn hiến toàn bộ nội tạng nhưng vì căn bệnh ung thư đã di căn nên không thể làm được điều này, chỉ có thể hiến được đôi giác mạc.

Những nhân vật đã được gặp nhau đúng như mong mỏi của tôi. Đã có lúc tôi ước nếu câu chuyện này là một truyện ngắn hư cấu, tôi sẽ có quyền tưởng tượng để nhân vật của mình được hưởng hạnh phúc hơn. Vợ anh Tiến cũng đã học đại học kế toán, biết đâu, một cơ hội sẽ tới với chị để chị có một công việc ổn định thêm vào đồng lương ít ỏi của anh Tiến cùng nuôi 2 con nhỏ và mẹ già. Và bà Ngần sẽ trả hết nợ, bà sẽ thôi không phải đi gúp việc nữa để có thời gian giúp anh Tiến trông 2 con nhỏ đúng như dự định của bà đã tâm sự với tôi và anh Tiến sau khi gặp anh.

Xin để lại những thông tin của mẹ con Bà Ngần tới quý độc giả.

Bà Cấn Thị Ngần: Thôn Độ Lân - Xã Tuyết Nghĩa - Quốc Oai - Hà Nội. ĐT: 0967 273 002. Số TK của con cô Ngần. STK: 2151000 185 1996. Ngân Hàng BIDV. Tên tài khoản: Trịnh Đình Đồng

Chiến sĩ Nguyễn Nam Tiến. Thôn Bầu 3 Xã Tiến Hóa - Tuyên Hóa - Quảng Bình TK: 8210 118998999 Ngân Hàng MB Bank Chi nhánh Hà Đông.


Bà Cấn Thị Ngần nhận tấm thẻ đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người


Mỗi người chúng ta có thể trao gởi hạnh phúc và truyền tiếp sự sống như những điều mà bà Cấn Thị Ngần và gia đình bác sĩ Vũ Thị Thoa đã làm. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não.

Hiến tạng khi chết não là khi chẳng may gặp tai nạn hay bệnh tật (xuất huyết não).... Khi ấy, tim vẫn đập nhưng chỉ hoạt động được rất ít giờ đồng hồ và cần có sự hỗ trợ của máy móc. Sự hoạt động này không thể kéo dãi mãi mãi như hình thức sống thực vật mà sau khoảng ngắn thời gian ngắn vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày, do não đã chết và phân hủy, toàn bộ hoạt động của nội tạng cũng sẽ ngừng.

Hiến giác mạc chỉ thực hiện sau khi mất. 1 người mất do tuổi cao hay bất kể lý do gì kể cả bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thuỷ tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt thì vẫn có thể hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho 2 người mù khác.

Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến.

Hiện có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời của người dân gồm:

1. Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh Quận 5 TPHCM
Điện thoại: (84- 8) 3855 4137 xin số 1184 hoặc 1284
(84- 8) 3956 0139
Điện thoại 24/24: 0913 677 016
Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com
https://www.choray.vn

2. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội
Điện thoại: 84 4 39386692
Điện thoại 24/24: 0915 060 550
Email: gheptang@vncchot.vn
https://www.facebook.com/dieuphoigheptangvietnam



Thanh Loan
Ý kiến của bạn