Truân chuyên từ con số không
Còn nhớ cách đây 12 năm, bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) lúc bấy giờ gặp biến cố khan hiếm nhân sự nghiêm trọng ở Khoa Hiếm muộn. Tôi bất ngờ được Đảng ủy và ban giám đốc phân công đến làm việc và kiêm luôn lãnh đạo khoa với tâm trạng hoang mang, lo lắng vô cùng tận.
Không lo sao được khi cuộc hành trình bắt đầu với hành trang là con số không tròn trĩnh. Vào cuộc với tâm thế “một chữ bẻ đôi” về hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản cũng không có. Nhưng ngoài kia bao nhiêu gia đình hiếm muộn đang rất cần mình, chẳng lẽ phải để họ cứ đến khám rồi về với gương mặt thất vọng? Những câu hỏi cứ vang lên trong trí não mỗi khi bước chân ra khỏi BV đã khiến tôi quyết tâm làm cho bằng được.
Tôi quyết tâm vùi mình vào toàn bộ thời gian 365 ngày để hoàn tất luận án tiến sĩ, đồng thời đọc và nghiên cứu các vấn đề về hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản. Mọi thứ bắt đầu sáng dần ra… Từ những kiến thức vừa được trang bị, kết hợp với kiến thức và kỹ năng của một bác sĩ sản phụ khoa, kiến thức về nội tiết sinh sản, kỹ năng về siêu âm phụ khoa, tôi đã đến gần hơn với những kỹ thuật tiên tiến của thế giới.
Nhớ những ngày đầu chập chững tham gia khám các cặp vợ chồng hiếm muộn, bỡ ngỡ phải nói từ trăm bề.Thời đó, từ việc kích thích buồng trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, cho đến việc hút trứng chuyển phôi… đều là những công đoạn vô cùng áp lực.Lúc bấy giờ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn đặc biệt của hỗ trợ sinh sản là một lĩnh vực y sinh học quá mới mẻ. Nói là đã được đào tạo, nhưng mọi thứ vẫn còn quá mới so với cả thế giới chứ huống hồ gì với các bác sĩ sản phụ khoa Việt Nam .
Tay nghề chưa vững, chúng tôi còn phải hứng chịu một áp lực vô hình mà những nhà lâm sàng đến nay vẫn bị đeo đuổi, đó chính là áp lực về kinh tế xã hội. Thời đó, một chu kỳ điều trị có thể lên đến từ 30 triệu - 50 triệu đồng. Số tiền này với người khá giả không đáng là bao nhưng lại là nỗi khổ các cặp vợ chồng hiếm muộn nhà nghèo.Với họ, 50 triệu đồng là cả gia tài.Chính vì thế nó khiến không ít người phải ra về chấp nhận cả đời hiếm muộn.
Tôi và các đồng nghiệp thường xuyên bị stress bởi cứ rời phòng làm việc trở về, trong đầu lại ám ảnh bởi những lời tâm sự. Kiểu như “Bác sĩ ơi, lần này em không có thai được, mẹ chồng em sẽ buộc chồng em lấy vợ khác” hay “Chúng em sẽ phải ly dị nếu không tìm được con”, hoặc “Bọn em sẽ không thể làm lại lần nữa vì không còn tiền...”… Nghĩ đến những điều này, chúng tôi càng không cho phép mình đầu hàng.
Khoa Hiếm Muộn BV. Hùng Vương 15 năm mang sứ mệnh tìm con cho người
Lộc vàng hạnh phúc
Lấy hoàn cảnh của người bệnh làm động lực, tôi và các đồng nghiệp tất bật, kiên trì suốt từ sáng đến chiều, từ ngày này sang ngày kia, tháng này qua tháng khác, chúng tôi dần lấy lại niềm tin cho Khoa Hiếm muộn BV. Từ Dũ.
Đến giờ đã 12 năm, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hạnh phúc tột cùng khi những ca đầu tiên bệnh nhân có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, giúp được nhiều gia đình thoát khỏi cảnh chia lìa.
Chúng tôi vẫn còn nhớ mãi một trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm 6 lần, bán hết 5 căn nhà, ruộng vườn nhưng vẫn thất bại! Chúng tôi và bệnh nhân đã không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu đến lần thứ 7, may mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh chị.
Đó còn là những cảm xúc vỡ òa khi tôi tiếp cận với một nữ nhân viên y tế, khi ấy gần như vô vọng với thiên chức làm mẹ bởi chứng suy buồng trứng sớm.Tôi đã gieo niềm hy vọng cho em với giải pháp thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng. Em may mắn được người em gái ruột cho trứng. Ngay lần đầu chuyển phôi, em đã mang một lúc 2 thai, sau đó sinh cậu con trai và một công chúa hết sức xinh đẹp.
Chúng tôi gọi đây là những lộc vàng; là những kết tinh đáng quý, mở ra một thời kỳ mới trong hành trình điều trị vô sinh.
TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết cùng niềm vui tìm được con của một cặp vợ chồng hiếm muộn 10 năm
Cháy bỏng một khát vọng
Năm 2015, với sự phân công của Sở Y tế TP.HCM, tôi lại nhận nhiệm vụ mới với vai trò Giám đốc BV. Hùng Vương - một BV công lập chuyên sản phụ khoa lớn tại TPHCM.
Ngày tôi về nhận nhiệm sở, tuy Khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã thành lập được 11 năm nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại khoa chưa đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Vậy là một lần nữa phải xắn tay áo cùng với tập thể khoa chỉnh sửa, củng cố.
Sau 3 năm cố gắng, hiện chu kỳ điều trị tại Khoa Hiếm muộn của BV. Hùng Vương đã tăng lên gấp đôi, đặc biệt tỷ lệ thành công đạt 40 - 50%, ngang bằng các nước trong khu vực.Một tự hào khác là hệ thống phòng ốc trang thiết bị của khoa đã hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế; đạt Tiêu chuẩn quản lý chất lượng RTAC từ Hiệp hội Hỗ trợ Sinh sản Úc.
Chừng ấy thời gian không phải là dài, nhưng điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tại IVF Hùng Vương đã cho tôi nhiều kỷ niệm, những người đến với chúng tôi bằng một tâm trạng hoang mang, lo lắng, đến với chúng tôi bằng lòng tin và niềm hy vọng cháy bỏng.
Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt thất thần đến vô cảm của người phụ nữ đi cùng với người chồng khi cả hai mái tóc đã muối tiêu. Chuyện rằng vợ chồng chị đã có đủ 2 con nhưng chẳng may cả hai cùng bị đuối nước. Hai vợ chồng gần như vô vọng bởi người vợ đã mãn kinh! Nhưng với sự tiến bộ của khoa học, của hỗ trợ sinh sản, chúng tôi đã mang lại niềm hạnh phúc cho anh chị.
Để niềm vui có thể đến với mọi người, nhất là những vợ chồng nghèo hiếm con, trong những năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp tại BV.Hùng Vương đã hỗ trợ miễn phí cho 15 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.Họ đến từ mọi miền của đất nước để rồi chương trình nhân đạo ấy đã mang đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn ấy niềm hạnh phúc bất tận.
Đầu năm ngồi ôn lại hành trình tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn mới thấy đoạn đường ấy tuy lắm gian nan nhưng cũng nhiều cảm xúc. Mỗi em bé chào đời như những lộc non mà những người thầy thuốc như chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cho cuộc đời.Chúng tôi không xem đó là công việc mà xem đó như là một sứ mạng. Và để sứ mạng đó tiếp tục thăng hoa, chúng tôi vẫn sẽ còn cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa!