Hà Nội

Hành trình đi bộ Xuyên Việt của chàng 9x muốn hiến tạng cứu người

13-07-2016 14:14 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày 13/7, thêm một tấm gương đẹp của giới trẻ đối với hoạt động hiến tạng. Anh Trần Hữu Dương, chàng trai sinh năm 1990 vừa kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt đã tới đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia (Hà Nội).

Chàng 9x với những suy nghĩ không nhỏ

Chia sẻ về cuộc hành trình đi bộ Xuyên Việt, anh Trần Hữu Dương cho biết, cuộc hành trình của anh bắt đầu từ ngày 5/5 và kết thúc vào ngày 12/7/2016.

Vừa kết thúc cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt chỉ 1 ngày, sáng ngày 13/7, Trần Hữu Dương đã có mặt tại "Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người" để thực hiện ý nguyện ấp ủ của mình.

Dương cho biết, ý nguyện hiến tạng sau khi chết não của Dương bắt nguồn từ người bạn anh – anh Trần Nguyễn An Khương – người cùng thuộc Câu lạc bộ Xuyên Việt. Cách đây hơn 1 tháng, anh Trần Nguyễn An Khương, chàng trai 37 kg đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên Việt bằng chiếc xe đạp tự mua ở chợ Huyện với mong muốn mang thông điệp: “cho đi để còn mãi” nhằm vận động mọi người tiếp cận với phong trào hiến tạng. Cảm kích trước hành động của Khương, Dương đã hưởng ứng hành động tốt đẹp này.

Cơ duyên khiến Dương quyết định thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt bắt nguồn từ một lần tình cờ, Dương xem được video của Câu Lạc Bộ Xuyên Việt thực hiện chương trình giúp đỡ 7 người nghèo khuyết tật chinh phục đỉnh Fansipan khiến anh rất ngưỡng mộ. Chính lý do này đã thôi thúc Hữu Dương xin tạm nghỉ công việc ở Đồng Nai và thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt.

Xuất thân từ một gia đình rất bình thường, Dương kể, từ nhỏ, những cuốn vở hoặc cây bút Dương dùng phần nhiều là được mọi người cho. Dương cũng chẳng biết rõ xuất xứ của những thứ này. Dương nghĩ đơn thuần: Dương đã được nhận lòng tốt vô điều kiện từ nhiều năm nay và giờ đây, Dương sẽ tiếp tục làm điều tốt cho mọi người theo khả năng của mình. Chuyến đi bộ xuyên Việt của Dương với mục đích kêu gọi gây quỹ ủng hộ đồng bào nghèo miền Trung (cụ thể là các tỉnh vùng ven biển Hà Tĩnh), tính đến thời điểm hiện tại đã quyên góp được khoảng 4 triệu đồng.


Nguyễn Hữu Dương với hành trình đi bộ xuyên Việt suốt 2 tháng liền

Hành trình đi bộ hơn 2 tháng và…sự cố duy nhất

Dương cho biết, suốt 2 tháng đi bộ xuyên Việt, hành lý mang theo của Dương chỉ có 3 bộ quần áo, 1 đôi giày, 1 cái võng, vài vật dụng cá nhân cùng sự quyết tâm, Hữu Dương lên đường.

Dương chia sẻ: Ngày xuất hành của cuộc hành trình lại đúng là ngày Dương ốm. Phải mất 2, 3 ngày, Dương bị sốt. Nhưng, uống thuốc vào Dương đỡ hơn và vẫn đi không nghỉ ngày nào.

Cuộc hành trình xuyên Việt của Dương có nhiều ngày rơi đúng vào thời điểm nắng nóng khắc nghiệt. Chống chọi với cái nóng, Dương chỉ có biện pháp: mặc quần áo kín và uống nhiều nước. Mỗi ngày, hành trình của Dương bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc rất muộn: khoảng 22h đêm. Cũng có khi là 23h đêm.

Kinh phí cho hành trình được trích từ số tiền Dương dành dụm từ lâu. Đôi khi Dương được người dân hoặc bạn bè địa phương tặng lộ phí xem như một sự ủng hộ tinh thần. Tại một số nơi, Dương xin phụ việc với người dân để đáp trả tình cảm mà họ dành cho mình khi luôn sắp xếp nơi ăn ở, nghỉ ngơi cho anh. Mỗi ngày Hữu Dương chỉ sử dụng 50 000 – 70.000 đồng.

Đi đến đâu, Dương xin ngủ lại nhà dân, ở các Ủy ban Nhân dân xã hoặc ở nhờ nhà bạn bè quen trên Facebook. Cũng có một vài đêm, không xin được ngủ ngờ ở đâu, Dương mắc võng ngủ ở hàng cây nào đó trong công viên hay ven đường.

Cũng đôi lần phải đối mặt với nguy hiểm, gặp phải thanh niên say rượu, nhiều người đi theo xin tiền, …. Tuy nhiên, Dương luôn chủ động ứng phó với những tình huống này. Và như có một sự giúp đỡ vô hình nào đó, Dương rất hay được bạn bè giúp đỡ, giải vây thoát 1, 2 lần nguy hiểm này

Sự cố duy nhất Dương gặp là một lần đang đi đường thì đôi giày bị rách. Nơi đó là đường vắng, không có hàng quán khiến Dương phải đi chân đất nên ngày hôm sau, Dương phải nghỉ lại khá lâu do chân bị phồng rộp.

Suốt chặng đường 2000 km, cũng chưa khi nào Dương thấy buồn. Ngược lại, có nhiều đoạn đường đi qua, có những người bạn cũng hưởng ứng đồng hành đi bộ cùng Dương. Kỉ niệm khiến Dương vui nhất trong hành trình là lần gặp được cô bé Thanh Ngân (12 tuổi), em của một người bạn Dương quen qua Facebook. Khi biết tin anh mình sẽ đi bộ từ Hà Tĩnh vào Vinh để ủng hộ tinh thần Dương, cô bé nằng nặc đòi đi theo. Quãng đường 22km không hề có tiếng than vãn mệt mỏi của Ngân đã làm anh vô cùng ngưỡng mộ.


Nguyễn Hữu Dương đăng ký hiến tạng sau khi chết não tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia

Mong muốn hiến tạng sống

Khi có mặt tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Dương đã ký vào tờ đơn hiến tạng. Dương hiểu, đăng ký hiến tạng sau khi chết não là một nghĩa cử đẹp.

Khi ký vào tờ đơn làm thủ tục đăng ký hiến tạng khi chết não, Dương đã lưu ý tới hiến tạng sống. Dương hỏi cán bộ Trung tâm về các điều kiện hiến tạng sống. Có mặt tại thời điểm này, ThS.BS. Trần Thu Nguyệt – Vụ Truyền thông Bộ Y tế đã đưa ra lời khuyên đối với Dương.

Theo ThS.BS. Trần Thu Nguyệt, hiến tạng khi chết não luôn là một việc đáng biểu dương và Nhà nước Việt Nam khuyến khích việc làm này. Vì khi người chết não là đã chết và không thể sống lại được. Những bộ phận trong cơ thể cũng theo đó sẽ chôn cất hoặc hỏa táng thành tro bụi trong khi, mỗi ngày, có rất nhiều người đang sống những ngày tháng đau đớn vì cần được ghép tạng.

Tuy nhiên hiến tạng khi còn đang sống (cho đi một phần của lá gan, cho đi một quả thận) lại là một điều khác và cần hiểu cặn kẽ về những tác động của việc này đối với sức khỏe của người cho tạng.

Theo ThS.BS. Trần Thu Nguyệt, chỉ trong những trường hợp bất khả kháng, chúng ta mới nghĩ tới việc hiến tạng sống. Nhiều trường hợp: bố, mẹ hoặc anh chị em trong gia đình hiến cho nhau một quả thận hoặc một phần lá gan.

BS. Nguyệt cho hay, xét về phương diện khoa học, nếu một lá gan sau khi cắt đi một phần hiến cho người nhận thì lá gan bị cắt đó vẫn có khả năng tiếp tục phát triển thêm và có thể bù đắp lại phần đã cắt. Tuy nhiên, cũng không nói trước được điều gì bởi nếu chẳng may, người hiến gan sau đó lại bị một chứng bệnh nào đó thì lá gan đã cắt sẽ không phát triển hoàn bù lại và như vậy, người hiến cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.

Thận cũng thế, nếu đã hiến sống một quả thận, người hiến vẫn có thể sống bình thường, khỏe mạnh sau hiến. Tuy nhiên, trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, người hiến có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thận và như vậy, chúng ta sẽ phải chăm sóc cùng một lúc sức khỏe về thận cho người hiến thận cũng như người nhận thận.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã trao tấm thẻ hiến tạng cho Nguyễn Hoàng Dương. Ông Phúc cho biết: “Dương là một trong số nhiều bạn trẻ thật đáng trọng. 9X nhưng không non về suy nghĩ, rất giàu tình thương và lòng nhân ái. Hy vọng, các bạn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng lan truyền những điều tốt đẹp trong xã hội” – ông Phúc nói.

Dương chia sẻ, sau chặng đường đi bộ xuyên Việt này, Dương rất vui vì cùng lúc đã làm được nhiều việc. Vừa kêu gọi ủng hộ cho đồng bào miền Trung, vừa thực hiện được ý nguyện hiến tạng cứu người nếu chẳng may sau khi chết não. Và Dương sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp ý nghĩa: hiến tạng cứu người sau khi chết não này tới bạn bè quanh Dương.

Video: Nguyễn Hữu Dương chia sẻ về chặng đường đi bộ xuyên Việt

Video: Ths.BS. Trần Thu Nguyệt nói về những vấn đề khi hiến tạng sống


Nguyễn Hữu Dương trong nghỉ trọ tại nhà dân sau mỗi ngày hành trình dài

Sự cố duy nhất Dương gặp là một lần đang đi đường thì đôi giày bị rách.


Suốt chặng đường gần 200 km, Dương không buồn vì đôi lúc có những người bạn đồng hành cùng 1 quãng đường


Ông Cao Tiến Sỹ - Cán bộ Trung Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia hướng dẫn Dương làm những thủ tục đăng kỳ hiến tạng

Ông Nguyễn Hoàng Phúc trao thẻ hiến tạng cho Nguyễn Hữu Dương sáng 13/7/2016


Thanh Loan
Ý kiến của bạn