Hành trình cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

04-12-2020 18:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ diễn ra từ Nam Định vào Tiền Giang với nhiều hoạt động lễ, hội.

Trong dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, được sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt, Mạng xã hội dành cho cộng đồng phật tử Butta.vn ... sẽ tổ chức Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Hành trình cung rước và an vị tượng Phật Hoàng


Đức Vua Trần Nhân Tông là vị Hoàng Đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, là nhà văn hóa xuất chúng, nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ ở cảnh giới cao. Ngài đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đậm bản sắc Việt.

Hào khí Đông A được kết tinh trong con người Phật Hoàng với chiến tích hai lần chỉ đạo quân và dân Việt đánh thắng quân Nguyên; hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Sau chiến thắng, Ngài cởi Hoàng bào lên Yên Tử tu hành và hóa Phật.

Giáo lý Phật Hoàng nổi bật tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời, đậm nét dân tộc và là một thành tố văn hóa Việt; ngời sáng tâm thế lấy lợi ích dân tộc và chúng sinh làm căn bản, tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục. Thiền Trúc Lâm là sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học siêu nhiên Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo. Thiền phái này không phân biệt tu sĩ ở chùa và cư sĩ tại gia, việc tu tập nhằm khơi tính Phật trong tâm.

Nghệ nhân quốc gia Nguyễn Đăng Vông tạo tác tượng Phật Hoàng

Vị thế của Ngài được nhiều nước trên thế giới tôn vinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lấy ngày 01-11 âm lịch hằng năm là ngày Quốc giỗ Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Hành trình cung rước và an vị Tôn tượng Phật Hoàng trải dài gần 2000 km, từ Nam Định vào Tiền Giang với nhiều hoạt động lễ, hội như sau:

- 20 giờ ngày 6-12 (22-10 Canh Tý): Đêm nghệ thuật - võ thuật Ngút trời Hào khí Đông A tại Đền Thái Tổ Trần Thừa (Thôn Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc,huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

- 9 giờ ngày 7-12 (23-10 Canh Tý): Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được khởi rước tại địa điểm trên.

- 9 giờ ngày 14-12 (1-11 Canh Tý): Chiêm bái tôn tượng Phật Hoàng trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn tại Việt Nam Quốc Tự (244 đường 3-2, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

- 9 giờ ngày 20-12 (7-11 Canh Tý): Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông an vị theo nghi thức Phật giáo tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (ấp 1 xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

- 10 giờ ngày 20-12: Lễ đặt đá xây dựng: “Quần thể không gian Thiền sư Việt” tại Thiền viện nói trên.

Trên đỉnh Ngọa Vân - nơi Phật hoàng nhập Niết Bàn


Tôn tượng Phật Hoàng được cung rước trong dịp này làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi lớn nhất từ trước đến nay (cao 2,2m), thể hiện hình ảnh Đức Vua Trần Nhân Tông cởi bỏ Hoàng bào bên suối quy Phật. Bức tượng “độc nhất vô nhị” này được hình thành sau nhiều tháng lao động nghệ thuật công phu tác tạo của Nghệ nhân quốc gia, họa sĩ Nguyễn Đăng Vông - người đã từng thực hiện nhiều tác phẩm gốm kỳ công như Long đầu linh vật lớn, tượng Hương Vân Cát Bồ Tát..., tiêu biểu là “Chiếc ngọc bình lớn nhất Việt Nam” (cao 4,2 m, đường kính 2,1 m, nặng 2,2 tấn) được đánh giá cao tại Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tháp Bồ Đề Đạo Tràng tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác


Trong dịp này, “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng bắt đầu được xây dựng góp phần tôn vinh lịch sử Thiền Việt qua hệ thống chân dung các vị thiền sư: Mãn giác thiền sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ, tam tổ Trúc Lâm... và 18 vị La Hán chùa Tây Phương..., nhiều bia đá với những bài kệ của các Thiền sư Việt danh tiếng suốt hơn hai thiên niên kỷ qua... Nét độc đáo của quần thể này là sự phục dựng lại thánh địa Ngọa Vân - nơi Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật - bằng chất liệu chủ yếu là gốm cổ Luy Lâu - địa danh phát tích Phật giáo Việt Nam... Công trình văn hoá tâm linh thuần Việt này được nhóm kiến trúc sư tiêu biểu, có uy tín do TTV mời sáng tạo ý tưởng, thiết kế và thực hiện.Cùng với “Tứ động tâm” - 4 di sản Phật giáo đỉnh cao của thế giới - đã được phục dựng: Lâm Tì Ni (nơi Phật Thích Ca đản sinh); Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Phật thành đạo); Lộc Uyển (nơi Phật chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Phật nhập Niết bàn), việc tạo dựng “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” là điểm sáng tôn vinh bản sắc văn hóa tâm linh Việt.

Hình ảnh Đại lễ tưởng niệm 711 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn tổ chức tại Nam Định năm 2019


Tại Đại lễ lần này, Thiền Dưỡng sinh Tâm thể Trần Nhân Tông được tiếp tục thể hiện với quy mô cộng đồng. Nhiều năm qua, tiếp thụ nét tinh hoa của Thiền Trúc Lâm ứng dụng vào việc chăm sóc thân tâm cho phật tử và nhiều đối tượng, Viện Nghiên cứu Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt, Trường đại học Nguyễn Trãi, Mạng xã hội dành cho cộng đồng Phật tử Butta.vn, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định đã và đang từng bước phổ cập dòng thiền này. Với định hướng an lạc và sức khỏe tu tập để tâm an, trí minh, lực cường, dòng Thiền Phật Hoàng đã góp phần hình thành tâm tính hòa ái, sống lợi người, ích mình cho các thiền sinh. Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Quốc Tung, một trong những người thầy của Đức Vua Trần Nhân Tông, trong Phật Tâm ca để lại câu: “…Tâm là phật / Phật là tâm / Đi cũng thiền / Ngồi cũng thiền / Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng...”.

Đặc biệt, Ban Tổ chức mới nhận được thư của ông Michael Croft, đại diện UNESCO tại Việt Nam, ủng hộ sự kiện, thể hiện sự quan tâm của thế giới tới những vấn đề văn hóa, tôn giáo và truyền thống của Việt Nam thông qua Phật sự có ý nghĩa này.

Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự kiện cung rước, chiêm bái và an vị tượng Phật Hoàng là dịp người Việt trong và ngoài nước tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; học tập, phát huy tinh thần nhập thế “đạo gắn với đời” của Phật Hoàng; đặng cùng nhau chung lòng xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng.


Thái Hà
Ý kiến của bạn