Hà Nội

Hành trình của một viên thuốc

31-01-2020 08:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cũng giống như cuộc đời của một con người, thuốc cũng có quá trình sinh, lão, bệnh, tử khi chu du khắp cơ thể người và cuối cùng được đào thải sau khi hoàn thành sứ mạng của nó.

Cũng giống như cuộc đời của một con người, thuốc cũng có quá trình sinh, lão, bệnh, tử khi chu du khắp cơ thể người và cuối cùng được đào thải sau khi hoàn thành sứ mạng của nó. Hãy xem hành trình của thuốc như thế nào trong cơ thể chúng ta.

Khi ta phải bắt buộc dùng thuốc như thuốc giảm đau, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc để bổ sung sự thiếu hụt (như thiếu insulin gây bệnh đái tháo đường) hoặc làm giảm sự thừa thãi một chất nào đó (như mỡ máu bị tăng cao) nhằm điều chỉnh lại sư cân bằng của cơ thể, ta phải đưa thuốc vào trong cơ thể nhờ con đường cho thuốc. Có nhiều con đường cho thuốc dựa vào các dạng bào chế để con người sử dụng như: thuốc dạng uống hoặc ngậm (dưới lưỡi); thuốc dạng tiêm chích (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm động mạch…); thuốc bôi ngoài da; thuốc bơm hít (khí dung) vào hầu họng; thuốc đạn đặt trực tràng; thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi...

Sau khi đưa thuốc vào cơ thể bằng các con đường đã nêu, thuốc sẽ di chuyển vào trong máu để đến các cơ quan và các mô trong cơ thể, đặc biệt tiến thẳng tới phần cơ thể bị bệnh. Từ đó, thuốc sẽ gây ra tác dụng gọi là hiệu ứng dược lý như phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Cuối cùng cơ thể chúng ta sẽ loại bỏ thuốc và các chất chuyển hóa của nó ra ngoài cơ thể.

Hành trình của một viên thuốc

Cũng giống đời người có sinh, bệnh, lão, tử, số phận thuốc trong cơ thể có các giai đoạn: hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ.

Thuốc được hấp thu như thế nào?

Thuốc có thể được hấp thu trực tiếp vào máu khi dùng đường tiêm chích. Tiêm tĩnh mạch (viết tắt IV) vì đưa thuốc thẳng vào trong mạch máu nên cho tác dụng nhanh nhất, nhanh hơn tiêm bắp (IM) và tiêm dưới da (SC). Thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tỉnh mạch, có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính. Trong trường hợp cấp cứu hay bệnh nhân hôn mê không thể dùng đường uống thì mới dùng đường tiêm.

Thuốc dùng phổ biến là thuốc uống. Tùy dạng thuốc uống (viên nén trần, viên nén bao, viên nang, thuốc uống lỏng như sirô, nhũ địch, hỗn dịch…) mà sự hấp thu thuốc vào cơ thể nhanh chậm khác nhau.  Khi thuốc uống vào miệng, đi qua thực quản và đi vào dạ dày, một số sẽ bắt đầu hòa tan trong khi dạng thuốc lỏng thì đã hòa tan sẵn. Một vài loại thuốc sẽ được hấp thụ tại dạ dày, số khác sẽ di chuyển vào ruột non. Điều này tùy thuộc vào  lớp áo bao của viên thuốc. Nhiều loại thuốc có lớp áo bọc đặc biệt nhằm bảo vệ viên thuốc tránh bị hủy hoại bởi axít dạ dày hoặc bảo vệ niêm mạc dạ dày  tránh không cho thuốc tác động trực tiếp gây hại dạ dày (viên nén bao tan ở ruột chứ không tan ở dạ dày). Thuốc viên nang dạng con nhộng có khi cũng có cách thức bảo vệ dạng này, do vậy người bệnh không nên mở viên nang để lấy thuốc bên trong uống. Thuốc được xử lý bởi dạ dày có thể tan hoàn toàn hoặc không tan sẽ được chuyển vào ruột non. Từ đây, thuốc được hấp thụ vào niêm mạc của ruột non ở ba nơi: tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng. Thuốc được hấp thu từ ruột non sẽ di chuyển vào trong máu.

Nếu uống thuốc cùng với bữa ăn, có sự tương tác thuốc uống với thức ăn có thể làm thuốc không hoặc chậm hấp thu. Vì vậy, cần lưu ý có 4 loại thuốc uống: loại nên uống vào lúc bụng no, loại uống vào lúc bụng đói, loại nên uống cùng với bữa ăn, và loại uống tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc.

Thuốc được phân bố trong hệ tuần hoàn như thế nào?

Thuốc vào được trong máu sẽ theo dòng máu nhờ nhịp đập của tim để luân chuyển khắp cơ thể, giai đoạn này gọi là sự phân bố của thuốc. Khi phân bố trong máu đi khắp nơi, thuốc muốn gây ra tác dụng dược lý phải được đưa đến cơ quan đích, nơi đáp ứng với tác dụng dược lý đó. Sự phân bố của thuốc bị ảnh hưởng bởi chính đặc tính của thuốc (như kích thước phân tử, tính thân mỡ hay tính thân nước của thuốc…) và phụ thuộc vào tính chất của cơ quan đích mà thuốc sẽ di chuyển tới, như có thuốc qua được hàng rào máu não, có thuốc thấm vào trong mô xương…

Một số cơ quan đích rất khó cho thuốc thâm nhập, bao gồm dịch não tuỷ, xương, mắt. Một số thuốc có khả năng phân bố vào các cơ quan đích này tốt hơn các thuốc khác. Người ta phải chọn lựa các thuốc có khả năng phân bố tốt, ví dụ, bác sĩ cho dùng kháng sinh là các cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxim hay ceftriaxon) phân bố tốt vào dịch não tủy khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ở vùng não tủy (như viêm màng não).

Rất cần biết thuốc có được phân bố vào nhau thai hoặc sữa mẹ hay không và với lượng bao nhiêu, vì cần quan tâm đến tác dụng có thể có của thuốc trên bào thai và đứa trẻ đang bú mẹ có thể gây hại.


PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn