Hành trình 10 năm bảo vệ phụ nữ Việt khỏi ung thư cổ tử cung

22-03-2018 10:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hội thảo khoa học “Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực trong cộng đồng” dưới sự điều hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM đã diễn ra tại Khách sạn Melia Hà Nội (17/03/2018) và Khách sạn Lotte Legend Sài Gòn (18/03/2018)

Hội thảo khoa học “Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực trong cộng đồng” dưới sự điều hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM đã diễn ra tại Khách sạn Melia Hà Nội (17/03/2018) và Khách sạn Lotte Legend Sài Gòn (18/03/2018). Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước như GS. TS. BS Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, PGS. TS. BS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bác sĩ Marc Steben - Cục nghiên cứu lâm sàng và Viện quốc gia về sức khỏe cộng đồng Quebec (Canada) và 350 nhân viên y tế hai miền Nam Bắc thuộc 2 nhóm chuyên ngành chính là y tế dự phòng và sản phụ khoa - chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Toàn cảnh hội thảo

Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC) là do vi rút HPV, trong đó hai chủng HPV 16 và HPV 18 là thủ phạm gây ra 70% trường hợp UTCTC.

PGS. TS. BS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, mỗi năm, trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới UTCTC, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, theo “Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025” của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm vi rút HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Một con số đáng lo ngại là trung bình mỗi ngày Việt Nam hiện có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.

Bác sĩ Marc Steben - Cục nghiên cứu lâm sàng và Viện quốc gia về sức khỏe cộng đồng Quebec (Canada) tại hội thảo

Về mức độ nguy hiểm của UTCTC, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: “UTCTC gây tổn thương lớn đến tử cung. Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo dài từ 5-20 năm. Triệu chứng UTCTC thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Điều này nhiều khả năng tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh cũng có nguy cơ gây tử vong khi ở giai đoạn cuối. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV”.

Thông qua nhiều nghiên cứu khác nhau, với tính an toàn, hiệu quả ổn định và lâu dài, vắc xin ngừa HPV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuyến khích tiêm ngừa để phòng bệnh UTCTC.

Đánh giá về lợi ích và hiệu quả của vắc xin ngừa vi rút HPV, GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết: “Vắc xin tứ giá ngừa HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như các mụn cóc sinh dục, các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin tứ giá ngừa HPV đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong hơn 15 năm qua”.

Vắc xin tứ giá ngừa vi rút HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều. Theo đó, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 270 triệu liều vắc xin ngừa vi rút HPV đã được sử dụng trên toàn cầu ở trên 120 nước, trải qua 6 lần xem xét tính an toàn suốt 12 năm qua. Tại Việt Nam, vắc xin ngừa vi rút HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào năm 2008. Cho đến nay, đã có hơn 1 triệu liều vắc xin được sử dụng trong 10 năm qua. Để nâng cao nhận thức

phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, vai trò của các nhân viên y tế là rất quan trọng trong việc tư vấn và chia sẻ thông tin giúp cộng đồng có thêm hiểu biết về vi rút HPV - nguyên nhân gây ra bệnh UTCTC và có biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh này hiệu quả, trong đó có tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV.

Để tìm hiểu thêm thông tin về vi rút HPV, các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan, vui lòng truy cập Fanpage www.facebook.com/hpvvietnam/ hoặc website http://www.hpv.vn/vi/.

NGỌC DIỆP


Ý kiến của bạn