Hà Nội

Hành trang vào nghề của phóng viên trẻ

21-06-2023 15:30 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Báo chí, truyền thông là nghề đặc biệt đòi hỏi người theo nghề phải có sự nhạy bén, bản lĩnh và chịu được áp lực công việc. Đối với những phóng viên trẻ, họ có lợi thế về sự năng động, nhưng lại gặp những khó khăn về mặt kinh nghiệm.

Luôn làm mới ngòi bút của mình, để yêu, tự hào về nghề nghiệp

Dù được trang bị nhiều kiến thức khi còn ngồi ở giảng đường, nhưng các phóng viên trẻ vẫn ít nhiều cảm thấy bất ngờ, bỡ ngỡ trước những điều mới mẻ của nghề báo. Phóng viên trẻ ĐặngDiễm đã trải lòng về nghề nghiệp rất cởi mở: Là một sinh viên mới ra trường với những bước chân chập chững khi mới vào nghề, Diễm đã gặp rất nhiều những khó khăn, từ quá trình tập làm quen với công việc, tự trau dồi những kiến thức từ sách vở cho đến thực tiễn và sáng tạo ra những "đứa con tinh thần". Từ những lần đi tác nghiệp tại các bệnh viện, gặp gỡ các bác sĩ và những bệnh nhân, với kiến thức, kinh nghiệm từ những va chạm thực tế đó, lần lượt những "đứa con tinh thần" của Diễm đã được ra đời.

Hành trang vào nghề của phóng viên trẻ - Ảnh 1.

Tác nghiệp tại tâm dịch Covid-19 là kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm báo của phóng viên trẻ. Ảnh: Đức Duy

Trải qua những lần tác nghiệp, đặc biệt trong quá trình công tác và làm việc tại Báo Sức khỏe& Đời sống, một phóng viên trẻ như Diễm cảm thấy rất hứng thú và say mê hơn với nghề hơn, Diễm nhớ mãi lần đi tác nghiệp được gặp gỡ với một bệnh nhân mang trong mình căn bệnh AIDS. Đây có lẽ là kỷ niệm khó quên nhất của Diễm khi mới bước chân vào nghề.

Trước đó, để tìm được nhân vật của mình, Diễm đã vào các nền tảng mạng xã hội cộng đồng nhiễm H. Nhưng rồi khi tìm được nhân vật thì lại vướng mắc rất nhiều trong khâu hẹn gặp để phỏng vấn. Họ sợ phải công khai tên tuổi cũng như căn bệnh của mình, bởi dường như họ đều mang trong mình một nỗi mặc cảm với xã hội khi không may mắc căn bệnh này.

Diễm đã mất rất nhiều thời gian để trò chuyện tâm sự, động viên tinh thần của nhân vật. Thế rồi một ngày bệnh nhân ấy đã đồng ý gặp để chia sẻ câu chuyện của mình.

Hành trang vào nghề của phóng viên trẻ - Ảnh 2.

Trong ký ức phóng viên Diễm nhớ mãi những lần gặp gỡ bệnh nhân khi bước chân vào nghề báo.

Bệnh nhân ấy là chị Hoàng Thị K. ở Bắc Ninh, hơn 7 năm mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Gặp chị K, phóng viên trẻ như Diễm có thể tin rằng cuộc đời của người phụ nữ ấy đã phải trải qua bao thăng trầm, nỗi oan nghiệt mà sự khởi đầu là căn bệnh thế kỷ. Tuy nhiên, điều trị ARV- dự phòng lây nhiễm HIV đã đem lại cho chị và những người nhiễm H một cuộc đời mới.

Qua cuộc trò chuyện với chị K, Diễm chợt nhận ra rằng: Không giống như nhiều người lầm tưởng, nhiễm HIV rồi chuyển sang bệnh AIDS không phải "ngõ cụt" đối với nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này. Ngược lại, họ vẫn khỏe mạnh, sống thọ, thậm chí, họ còn có thể sinh con hoàn toàn không mang bệnh khi điều trị ARV.

Đó có lẽ là kỷ niệm, là hành trang khi Diễm mới bước chân vào nghề. Đúng, nghề báo được coi là nghề "khó"... Tuy nhiên với Diễm, chọn lựa lớn nhất của cuộc đời mình, đó chính là lòng quyết tâm và niềm đam mê nghiệp viết báo.

Những bài báo của Diễm có thể chưa sâu sắc, câu văn có thể chưa hay, chưa mượt mà, trau chuốt, nhưng Diễm ý thức được rằng, khi viết ra bài báo là bản thân đang đồng hành cùng với những trăn trở của người dân sống xung quanh, cũng là cách để giúp Diễm luôn làm mới ngòi bút của mình, để yêu, tự hào về nghề nghiệp.

Những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết, đôi lúc suy nghĩ nông cạn sẽ dẫn đến chán nghề, mất nhiệt huyết. Diễm tự nhủ rằng, đừng vì một lời khen - chê từ một phía mà buông nghề, hãy biết nhìn nhận thực tế cuộc sống bằng sự khách quan, sáng tác tác phẩm bằng chính sự đam mê thì ngòi bút sẽ phát huy được tác dụng tích cực.

Những buồn vui, vấp ngã trong nghề báo có lẽ là hành trang để phóng viên trẻ như Diễm tự tin hơn để viết những bài báo mang dấu ấn riêng của chính mình.

Từ câu chuyện mới vào nghề, bắt đầu đặt bút viết những tin, bài đầu tiên cho đến việc cho ra đời một phóng sự,... là cả một hành trình dài, chưa kể đến việc phải chọn lựa đề tài như thế nào để đáp ứng được nhu cầu người đọc, người nghe, người xem trong điều kiện thông tin tràn lan trên các mạng xã hội như hiện nay.

Song song đó, việc chọn lọc các nguồn thông tin như thế nào để có thể truyền tải đến với công chúng là cả một vấn đề mà những phóng viên trẻ, còn non kinh nghiệm luôn trăn trở. Đặc biệt, đối với những đề tài mang tính thời sự cao, đòi hỏi người phóng viên phải nhanh nhạy trong xử lý các nguồn thông tin sao cho kịp truyền tải đến công chúng.

Thêm vào đó, nhiều lúc phóng viên trẻ bị từ chối tiếp xúc hoặc trả lời phỏng vấn, mỗi lần như vậy, Diễm phải tự động viên mình: "Không sao, cố gắng lên! Nghề nào khi mới bắt đầu mà chẳng khó". Bên cạnh đó, những bài học, kinh nghiệm của các nhà báo đi trước cũng luôn là hành trang cho Diễm và rất nhiều phóng viên trẻ học tập, cố gắng...

Phải là phóng viên đa phương tiện để thích nghi

Đức Duy là phóng viên trẻ của bộ phận Media - Báo Sức khỏe& Đời sống . Trong dịch COVID-19, Duy may mắn khi được có mặt tại 2 tâm dịch lớn nhất cả nước trong 2 giai đoạn, đó là Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh. Tác nghiệp trong tâm dịch là những trải nghiệm quý với phóng viên trẻ, từ đây Duy đúc kết được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp.

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp của phóng viên trẻ, nhà báo Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng phòng Thư ký - biên tập, Báo Tài nguyên&Môi trường nhận định: Mỗi phóng viên có một cách triển khai bài viết khác nhau. Muốn có một bài báo hay đòi hỏi người viết phải có vốn sống, vốn văn học, vốn từ ngữ và trong quá trình triển khai thực hiện bài viết cần có những bước chuẩn bị cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Việc thường xuyên tích lũy kiến thức từ đời thực, từ các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp phóng viên trẻ đổi mới, trưởng thành trong cách viết bài. Kinh nghiệm là những gì được mỗi cá nhân đúc kết từ sự trải nghiệm cuộc sống. Kinh nghiệm của các nhà báo đi trước chính là hành trang cho phóng viên trẻ học tập, tự tin trên những cung đường tiếp theo của nghề báo.

Trong câu chuyện Duy tâm sự vẫn hiển hiện ký ức về những đợt tác nghiệp đáng nhớ này: Nói đến hoạt động tác nghiệp trong tâm dịch, do hạn chế về phong toả, cách ly nên mỗi một khu vực chỉ có một phóng viên và phải tác nghiệp hoàn toàn độc lập. Trong khi đòi hỏi của báo chí hiện nay, để có thể thu hút được bạn đọc, thì ngoài tính thời sự, phải có tính đa phương tiện. Tức là phải kết hợp tất cả các thể loại từ báo viết, truyền hình, ảnh báo chí, báo nói... vào một tác phẩm. Hay muốn phản ánh một cách chân thực nhất, nếu chỉ có ảnh, hay bài viết thôi là chưa đủ, mà phải có video, có dẫn hiện trường... Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ không chỉ cho những phóng viên trong tâm dịch và cả người làm báo hiện nay nói chung. Đó là phải thích nghi, biến mình thành một "phóng viên đa phương tiện": Vừa biết viết, vừa biên tập, vừa biết quay, vừa biết dựng video, vừa biết chụp ảnh, dẫn hiện trường... Nói chung cái gì cũng phải biết. Đó là sự khác biệt giữa trường học với thực tiễn. Trong trường, khi học báo chí có thể chia ra nhiều chuyên ngành, nhưng thực tiễn hiện này đòi hỏi phóng viên phải nắm được kỹ năng của các loại hình truyền thông.

Hành trang vào nghề của phóng viên trẻ - Ảnh 4.

Phóng viên Đức Duy tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang tháng 6/2021.

Duy nhớ lại: "Thời điểm tháng 6/2021, khi tôi đi tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang. Lúc đó không có phương tiện di chuyển, rất may mắn nhờ sự sắp xếp của cơ quan mà tôi được cho mượn một chiếc xe máy. Mỗi lần đi là lại mang theo đủ loại đồ đạc, dụng cụ từ máy tính, máy ảnh, chân máy quay... cho đến máy ghi âm, mic phỏng vấn. Mà tinh thần "chống dịch như chống giặc", không có ngày nghỉ, không có giờ nghỉ cố định, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cộng thêm thời tiết nóng gay gắt, khiến cho việc tác nghiệp vô cùng khó khăn, vất vả.

Nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, thời điểm đó dịch rất căng, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Bên cạnh công tác tuyên truyền sự hy sinh, khó khăn vất vả của nhân,viên y tế, thì việc định hướng thông tin cho dư luận là vô cùng quan trọng. Bởi dịch diễn biến rất phức tạp, thông tin nhiễu loạn khiến người dân vô cùng hoang mang. Thời điểm đó cũng là lúc phóng viên phải biết thêm một kỹ năng khác đó là kỹ năng sử dụng mạng xã hội".

Ngoài đăng tải trên báo in, báo điện tử, sản phẩm báo chí muốn tiếp cận đến đông đảo bạn đọc, nhất là giới trẻ, thì phóng viên phải biết sử dụng mạng xã hội. Thậm chí mạng xã hội mang còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa cao hơn, rộng hơn cả báo điện tử và báo in cộng lại. Chính vì vậy, phóng viên cũng cần phải tìm hiểu và sử dụng thành thạo các công cụ mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... Ngay cả báo chí hiện nay cũng sản xuất nội dung dành riêng cho mạng xã hội. Đó là xu thế không thể đi ngược lại nếu ngành truyền thông muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số.


Duy- Diễm - Thanh
Ý kiến của bạn