Hành tây có thực sự hút virus cúm?

15-02-2025 15:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc dùng hành tây để 'hút' virus cúm. Thực hư về vấn đề này như thế nào?

Hệ lụy khi mắc bệnh cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza. Bệnh thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.

Các chủng virus cúm A phổ biến như A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9 có khả năng lây lan cao tạo thành dịch. Trong khi đó, virus cúm B biến đổi chậm hơn virus cúm A, do đó chỉ có một type huyết thanh và không gây những vụ dịch lớn. Virus cúm C gây ra các trường hợp tản phát với triệu chứng lâm sàng không điển hình và các vụ dịch nhỏ ở địa phương.

Bệnh cúm gây tổn thương đường hô hấp trên và dưới với các dấu hiệu thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể.

ho-5798

Virus cúm gây bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Phần lớn người bệnh phục hồi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến nặng, nhiều biến chứng, chủ yếu tại phổi, thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ có thai...

Hành tây có 'bẫy' được virus cúm?

Một tài khoản chia sẻ câu chuyện về gia đình nông dân tại châu Âu vào năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, vẫn sống khỏe mạnh giữa đại dịch nhờ đặt hành tây trong nhà. Khi kiểm tra dưới kính hiển vi, bác sĩ phát hiện hành tây chứa đầy vi khuẩn.

Bài viết đã thu hút nhiều lượt tương tác, với hy vọng giúp phòng chống cúm. Tuy nhiên, thông tin về việc hành tây có thể hút virus cúm là không chính xác và chưa được khoa học chứng minh.

Hành tây có tên khoa học là Allium cepa L., thuộc họ Hành (Alliaceae). Hành tây chứa hàm lượng phenolic và flavonoid cao, chủ yếu là quercetin đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn cao, có thể ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như E. coli, Pseudomonas fluorescens, Bacillus cereus

Hành tây vị cay ngọt, tính bình, không độc, chủ trị bệnh mạch vành tim, đái tháo đường, thương phong nhiều đờm, chán ăn...

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy tác dụng của hành tây đối với virus, đặc biệt là virus cúm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng không nên tin vào những thông tin không có căn cứ khoa học về việc hành tây có thể hút virus cúm. Thay vào đó, mọi người nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa cúm đã được chứng minh hiệu quả, như:

  • Tiêm phòng cúm đầy đủ.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp, những người ho, sổ mũi nên nghỉ làm, nghỉ học, không ra ngoài.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

Khi bị cúm người bệnh cần đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh, đặc biệt là corticoid, vì có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại khó lường. Đối với người cao tuổi và người có bệnh nền, cúm có thể gây nguy hiểm hơn, vì vậy cần đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện triệu chứng hô hấp.

Mời bạn xem tiếp video:

Những công dụng "thần kì" của hành tây | SKĐS



ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn