Hành tăm được dùng làm thuốc chữa bệnh trong các trường hợp:
Chữa cảm do bị mưa, lạnh, hoặc cảm nắng (cảm thử) không ra mồ hôi, nhức đầu, sổ mũi, nóng rét, ho, đau bụng do ngộ độc thức ăn.
- Củ hành tăm nấu với đường đen (đường mía), không dùng đường trắng.
- Nấu cháo hành tăm có thể kèm theo tía tô, thêm ít dấm.
- Củ hành tăm ngâm rượu hoặc nhai dăm củ hành sống với một chén rượu trắng.
- Củ hay lá hành tăm giã đắp lên trán, đánh gió dọc 2 thăn lưng.
- Củ hành tăm giã lấy nước nhỏ mũi.
- Cháo tam tân: gạo trắng 70g, củ nén 15g, củ tỏi 15g, củ hành 15g. Tiêu bột 4g, gừng tươi 4g. Cháo nấu nhừ rồi mới cho các thứ sau đã được giã nhuyễn. Ăn nóng rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi. Ăn một lần.
- Ho gà: Củ hay lá đâm nhuyễn với đường phèn hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ, chắt nước uống.
- Bí đái, đái buốt, bụng đầy trướng: vài củ hành tăm đập dập, xào nóng đắp lên vùng bàng quang (dưới rốn). Trẻ nhỏ bí đái dùng củ hành tăm 4g giã giập chưng cách thủy với 1 chén con sữa mẹ, cho uống nóng (bỏ bã).
- Chấn thương máu tụ: Dùng củ hành tăm nấu nước rửa vết thương rồi giã củ hành đắp.
- Lòi dom (thoát giang): 10 tép hành tăm giã nhuyễn xào nóng để xông (sau khi đã rửa sạch hậu môn).
- Phòng trị rắn độc, trùng thú cắn: Theo kinh nghiệm của bà con ở Vĩnh Linh, để rắn không đến nơi ở thì trồng hành tăm. Khi bị trùng thú cắn thì nhai ngay 1 nắm hành tăm nuốt một nửa, nửa còn lại đắp lên chỗ bị cắn (kết hợp chữa theo Tây y).
- Ngộ độc ăn uống, ngộ độc chì: 6g hành tăm giã nhuyễn hoà rượu uống.
Lưu ý: Không được dùng chung với mật ong (gây chóng mặt buồn nôn), kỵ các vị thuốc như thường sơn, sinh địa, thục địa. Vào tháng giêng không nên ăn nhiều hành tăm để tránh bị chứng phong chạy trên mặt...
Phó Đức Thuần