Hạnh phúc với “nghề không theo giờ”

30-12-2016 11:01 | Y tế
google news

SKĐS - Giữa trưa. Trạm Y tế xã Hàm Ninh tĩnh lặng. Mây mưa cuối mùa của xứ trời Nam lây rây trong nắng trong gió như bỡn cợt với khách đường xa. Kỳ công lắm chúng tôi mới tới được nơi đây cốt để tiếp cận với nữ hộ sinh Thị Sóc Kha.

Nghề của người “mát tay”

Giữa trưa. Trạm Y tế xã Hàm Ninh tĩnh lặng. Mây mưa cuối mùa của xứ trời Nam lây rây trong nắng trong gió như bỡn cợt với khách đường xa. Kỳ công lắm chúng tôi mới tới được nơi đây cốt để tiếp cận với nữ hộ sinh Thị Sóc Kha. Người cán bộ ngành y tuổi Kỷ Mùi (1979), tôi biết được từ Đại hội Hội Thanh niên Việt Nam giai đoạn (2005 - 2010) tuyên dương những thanh niên tiêu biểu. Thị Sóc Kha - thầy thuốc trẻ, dân tộc Khơmer, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có thành tích chăm sóc sức khỏe người dân và công tác xây dựng Hội, vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt Đảng và Nhà nước trao Kỷ niệm chương của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho 20 gương mặt tiêu biểu nhất...

Hạnh phúc với Nữ hộ sinh Thị Sóc Kha luôn tận tụy, hết lòng với công việc.

Tựa lưng vào chiếc ghế ở phòng chờ thì có bệnh nhân bị chấn thương ở bàn chân trái được vợ con đưa tới Trạm y tế. Nghĩ thầm, anh ta phải nén đau vì đang giờ nghỉ. Nhưng người nhà bệnh nhân thản nhiên thùm thụp đấm cửa. Nữ cán bộ tuổi trung niên của Trạm đẩy cửa bước ra. Nhanh như chớp, chị xăm xắn lau rửa, băng bó vết thương và cấp thuốc cho người bị nạn. Xong việc, chị chủ động chào hỏi chúng tôi (những vị khách không mời mà tới). Biết rõ nguyên do, chị e dè thổ lộ:

- Em là Kha. Thị Sóc Kha. Em ngại lắm. Việc của em các anh phải hỏi huyện, hỏi Trưởng Trạm Y tế. Rất tiếc, chị Trương Kim Huệ, Trạm trưởng của em lại đi công tác vắng!

Tôi nói:

- Chị khỏi lăn tăn. Đó là việc tôi đã làm trước khi gặp chị! Nghe vậy, Thị Sóc Kha vui vẻ vào chuyện “Nghề hộ sinh”, dân quê tôi nôm na gọi là “Bà đỡ đẻ”; Bà đỡ luôn được vinh danh là “Người mát tay”! Giọng rành rọt, Kha bảo:

- Quê em ở xã Định Hóa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tốt nghiệp nữ hộ sinh Trung học Trường cao đẳng Kiên

Giang năm 2005, em về làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện đảo Phú Quốc. Tháng 3 năm 2006 được điều về phụ trách Chương trình Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em ở xã Hàm Ninh cho đến nay! Ngày ấy, chập chững với nghề, kinh nghiệm lép, xã thì rộng những 70km2; dân số tới nửa vạn người với 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khơmer; nơi nghề chài, nơi ruộng rẫy lam lũ quanh năm... Có ấp xa Trạm Y tế tới 18 - 19km thì đấy lại là những địa điểm cán bộ Trạm Y tế phải lui tới... nên chỉ ý chí và nhiệt huyết với nghề mới vượt nổi. Cái thuận với nghề nghiệp của chúng em là Đảng ủy và chính quyền xã Hàm Ninh quan tâm nên cơ ngơi Trạm và các dịch vụ chăm sóc, hướng dẫn sức khỏe cộng đồng mới được như thế này. Thêm nữa, cán bộ Trạm dù ở phòng nội, ngoại hay sản phụ đều rất chuyên tâm với nghề, thế nên nhân dân mới thấu hiểu “Sức khỏe là trên hết. Có sức khỏe là có tất cả”!...

Thị Sóc Kha nhỏ giọng, lời như khơi ra từ tim gan để chúng tôi phải nhớ: Nghề hộ sinh - Nghề vinh quang. Nghề đón tiếng khóc chào đời của trẻ để vào với thế giới loài người, bất kể giờ nào dù là nắng, mưa, khuya khoắt hay bão giật gió gào... Đã là hộ sinh thì đâu được chọn giờ, vậy mà hầu như ai cũng trọn đời gắn bó với nó. Bởi lẽ đương nhiên ai cũng ý thức mình chính là những “chuyên gia” chăm sóc thai kỳ và sức khỏe của phụ nữ từ dậy thì đến khi sinh con... Với thai phụ, bất kỳ họ lớn tuổi hay ít tuổi, chúng em đều nhẹ nhàng từ lời nói tới việc “tư vấn” và giúp những gì có thể trước khi sinh cho họ; phát hiện những rối loạn sinh lý thông thường để chăm sóc. Trung bình mỗi tháng Trạm cũng chỉ trực tiếp đỡ vài ba ca tới Trạm Y tế để sinh con. Những khi ấy, chúng em phải chú tâm theo dõi diễn tiến cuộc chuyển dạ của thai phụ. Phải biểu lộ rõ cảm xúc, lời nói, hành động sẻ chia, cốt để truyền cảm hứng, khích lệ, thậm chí hướng dẫn cả cách dặn đẻ để thai phụ vượt qua cuộc chuyển dạ một cách mĩ mãn. Trước sinh cũng như thai phụ sinh xong, chúng em phải chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản cho họ, phát hiện kịp thời những tai biến để hạn chế tử vong. Thời điểm hiện tại, cả xã Hàm Ninh có 81 bà mẹ và trẻ em đang thuộc diện chúng em theo dõi, thăm hỏi; giúp họ cách ăn uống cho đủ dinh dưỡng, cách chăm sóc và tắm cho bé. Với những sản phụ lần đầu sinh con, chúng em phải theo dõi sát sao hơn; hướng dẫn họ cách chăm sóc, cách truyền hơi ấm của mẹ cho con, cách cho con bú; phát hiện những bất thường có thể xảy ra, nhờ thế Trạm Y tế Hàm Ninh chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc!...

Tôi nói vui:

- Vậy là phụ nữ Hàm Ninh rất dễ sinh nở!

Kha nhoẻn cười:

- Không phải thế. Em nhớ thai sản Lâm Thị Hằng mang thai con thứ 2, chưa tới kỳ sinh nhưng đau bụng dữ dội, có dấu hiệu chuyển dạ. Trạm Y tế Hàm Ninh phải chuyển thai phụ lên Bệnh viện huyện Phú Quốc. Bệnh viện siêu âm rồi yêu cầu nằm viện nhưng chị ta nhất quyết xin về chờ sinh con ở Trạm Y tế xã. May mà ca sinh suôn sẻ. Mẹ tròn con vuông! Năm ngoái cũng gặp một ca đẻ khó. Nước ối thai phụ vỡ sớm. Chúng em chuyển gấp lên tuyến trên ngay từ sáng sớm. Chẳng hiểu sao, buổi trưa gia đình lại đưa thai phụ trở lại Trạm, chỉ một lời nhẹ tênh: - Cháu nó nhất quyết xin về Trạm, nhờ “Bà đỡ mát tay” - Thị Sóc Kha! Trời đổ về chiều thì chị ta sinh con. Đứa trẻ rất yếu, phải dồn sức chăm lo, cứu chữa. May mắn cháu được làm người đúng nghĩa. Ngày ấy, cả Trạm Y tế chúng em ai cũng mừng như thấy mình vừa vượt qua cơn hoạn nạn của bản thân một cách phi thường!...

Nghề gắn bện với cộng đồng

Không mấy am tường công việc nên tôi hỏi Thị Sóc Kha:

-Thế nào là Y tế cộng đồng. Trạm Y tế xã Hàm Ninh và Thị Sóc Kha đã làm những gì, kết quả đến đâu?

Kha nhìn chúng tôi, lời rành rọt:

- Đó là khoa học và nghệ thuật phòng bệnh; lấy phòng bệnh là căn bản nhằm tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ thông qua những hoạt động có tổ chức của xã hội. Y tế cộng đồng cùng với hệ thống y tế địa phương chung sức ngăn ngừa bệnh tật phát sinh và lây lan... Cho nên năm nào cũng vậy, mùa nào cũng thế, Trạm Y tế Hàm Ninh đều thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng như: Tiêm chủng vắc-xin, vệ sinh môi trường, khuyến khích dùng nước sạch, làm nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch. Hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh môi trường, tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; xây dựng cộng đồng an toàn...; tổ chức kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã, nhất là khu du lịch làng chài cổ, ẩm thực hải sản tươi sống mà các anh đã đến đó!...

Hạnh phúc với Lịch tiêm chủng tại Trạm y tế xã Hàm Ninh.

Ngừng giây lát, Thị Sóc Kha lại bám theo mạch kể: Việc theo phòng theo khoa nhưng khi cần thì tất cả đều nhập cuộc. Chuyên sâu thì sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn. Quản lý sức khỏe các hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính... Theo đó, Trạm còn phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình thực hiện quản lý sức khỏe học sinh. Cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, tuyên truyền biện pháp phòng, chống. Tư vấn, vận động quần chúng tham gia thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tập huấn chuyên môn đối với đội ngũ nhân viên y tế ở các ấp. Kết hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình theo phân tuyến kỹ thuật!...

Nói về mình, Thị Sóc Kha rất kiệm lời:

- Công việc ở Trạm cũng như công tác y tế dự phòng mọi thành viên đều nhiệt tình theo suốt, đâu chỉ mình em. Mười năm em gắn với Hàm Ninh, những tên ấp, làng chài: Bẩy Vòng, Cây Sao, Rạch Hàn, Suối Tranh... xưa trúc trắc lạ lùng, nay thân thương như gốc gác quê nhà. Là nữ hộ sinh phụ trách Khoa sản nhưng lại có chân trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Phú Quốc; Chi Ủy viên Chi bộ ấp Bẩy Vòng nên em có thêm cơ hội để hòa đồng với dân, trong cuộc với Đảng, với thanh niên để làm tròn bổn phận với công việc được giao. Tham gia các phong trào thi đua Đoàn kết toàn dân xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa. Tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội. Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - văn hóa văn minh... Giờ đây ai cũng tự hào về Hàm Ninh nơi có làng chài cổ, có sự tích ông Đạo Đụng tu hành và làm rẫy trên núi Suối Tranh hết lòng vì người nghèo khó nên đắc đạo thành tiên... đã và đang trở thành nơi “gọi khách” du lịch tứ phương mỗi khi họ tới đảo ngọc Phú Quốc!... Chia sẻ niềm vui, tôi xen lời:

- Vậy là sự hấp dẫn của Hàm Ninh luôn có công sức của Thị Sóc Kha!

- Không. Đó là công lao của Đảng ủy, chính quyền, của nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội. Hạnh phúc lớn nhất của em là tình dân ấp dành cho em. Việc em làm quá nhỏ nhoi, nhưng tình dân như “thần lực” thôi thúc em miết mải với công việc bình dị mà đời trao cho: Nghề hộ sinh - Nghề không theo giờ!

Phú Quốc - cuối thu 2016


Bài và ảnh: Nguyễn Uyển
Ý kiến của bạn