Tại buôi lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hôm qua, mỗi một trường hợp được hỗ trợ lần này mang một nỗi niềm rất riêng mà cũng rất chung, đó là nỗi mong con đau đáu nhưng vẫn chưa thể toại nguyện vì nhiều lẽ, trong đó, kinh tế là rào cản chính.
Sự hỗ trợ này đã đem đến cho họ một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh – hiếm muộn cũng là hành trình hiện thực hoá ước mơ làm cha, làm mẹ mà họ đã khắc khoải đợi chờ từ rất lâu. Đây là năm thứ hai liên tiếp bệnh viện triển khai chương trình này.
Một trong những cặp đôi có câu chuyện rất xúc động được hỗ trợ lần này là gia đình chị Trần Thị Nga và anh Vũ Văn Khải (Gia Viễn, Ninh Bình). Tai nạn giao thông ập đến vào năm 2012 đã khiến anh Khải bị liệt do gãy ba đốt sống lưng, phải ngồi xe lăn. Hiểu rõ tình cảnh của anh nhưng chị Nga vẫn yêu thương và chấp nhận anh.
Cả hai quen nhau suốt 10 năm và vừa kết hôn năm 2019 dù gia đình chị Nga một mực ngăn cản. Chị hiện làm công nhân nhà máy, đồng thời gánh trọng trách phụng dưỡng bố mẹ chồng và vẫn khao khát vợ chồng sẽ có được một mụn con. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của anh phải thủ thuật lấy mô tinh hoàn tìm tinh trùng để thực hiện TTTON.
Câu chuyện về hành trình chữa vô sinh, hiếm muộn của vợ chồng thầy giáo Quách Văn Thị và vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Tiến ở thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên khiến nhiều người xúc động.
Thầy giáo Thị sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 người con ở Hòa Bình. Năm 2013, thầy Thị kết hôn, nhưng nhiều năm mong đợi vợ chồng họ vẫn không có mụn con.
Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, thầy vay thêm tiền, dẫn vợ xuống 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám. Kết quả cho thấy tinh trùng của thầy giáo Thị yếu, vợ lại đa nang buồng trứng, nhưng do không có tiền nên vợ chồng đành gác lại việc chạy chữa.
Trước khó khăn của cuộc sống, thầy Thị xin lên miền núi làm giáo viên âm nhạc tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Vợ thầy khăn gói quả mướp đi theo chồng, làm nấu ăn tại trường.
Do thường phải tới các điểm trường trong bản dạy học, cuộc sống vất vả, khó khăn, xa xôi khiến hai vợ chồng họ không có điều kiện đi bệnh viện chữa vô sinh. Nhiều năm trôi qua, mơ ước có mụn con cứ thế xa vời.
Hai bé mới sinh của vợ chồng thầy giáo Quách Văn Thị
Chị Tiến tâm sự: Tháng 6/2019, tình cờ qua mạng xã hội em biết thông tin Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ miễn phí 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng em nghĩ mình chẳng có may mắn đó nên không nói với chồng. Nhưng số phận run rủi, chồng em biết tin thông tin đã bàn với vợ, tranh thủ dịp nghỉ hè xuống bệnh viện khám xem sao.
Hai vợ chồng chị sau đó làm hồ sơ, về nhà thấp thỏm mong đợi. Mãi không thấy bệnh viện gọi, chị Tiến những tưởng đã hết hy vọng. Thật bất ngờ, một ngày tháng 8/2019, chị nhận được điện thoại của bệnh viện thông báo xuống Hà Nội nhận quyết định hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ông nghiệm.
Nghe được thông báo từ bệnh viện, vợ chồng chị mừng quá, chỉ biết ôm nhau khóc. Và nhờ bệnh viện hỗ trợ, gia đình đã thành công ngay từ lần đầu chuyển phôi. Không chỉ vậy, suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, bệnh viện cũng vẫn luôn chăm lo cho suốt cả thai kỳ.
Chị Tiến đã mẹ tròn con vuông, đón hai bé chào đời. Hai bé Quách Nguyễn Nhật Thạch (3.0kg) và Quách Nguyễn Nhật Thành (2.9kg) đã chào đời vào 9 giờ 15 sáng 8/6/2020.
Tại buổi lễ công bố, nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh nghe câu chuyện của vợ chồng thầy giáo Thị như có thêm động lực để hy vọng.
Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trong nhiều năm qua mong con đau đáu nhưng vẫn chưa thể toại nguyện vì nhiều lẽ, trong đó, kinh tế là rào cản chính. Sự hỗ trợ này đã đem đến cho họ một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh-hiếm muộn cũng là hành trình hiện thực hóa ước mơ làm cha, làm mẹ mà họ đã khắc khoải đợi chờ từ rất lâu.
Sau 1 tháng triển khai chương trình (bắt đầu từ ngày 12/06/2020), Bệnh viện đã nhận được rất nhiều hồ sơ gửi về từ khắp cả nước. Hội đồng chuyên môn đã làm việc công tâm và xét duyệt kỹ lưỡng hỗ trợ miễn phí cho 10 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Toàn bộ 10 trường hợp được chọn sẽ được bệnh viện hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm có thể dao động từ 70-100 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi…. Bệnh viện sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí này cho bệnh nhân.
10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được TTTON miễn phí trong đợt hỗ trợ năm 2020
BS Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện, cho biết ngoài những hỗ trợ về chi phí, đội ngũ y bác sỹ bệnh viện với kinh nghiệm chuyên môn cùng sự trợ giúp của những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại sẽ nỗ lực hết mình để giúp các gia đình, bệnh nhân hiếm muộn khó khăn sớm được làm cha, làm mẹ. Bởi rất nhiều những hoàn cảnh đã phải chờ đợi 5 năm, thậm chí 10, 15 năm và chịu không ít áp lực từ phía gia đình, xã hội nhưng vẫn kiên trì nuôi hy vọng. Đứa con đối với họ không chỉ là khát khao mà còn giống như một “phép màu.”
Các gói hỗ trợ miễn phí lần này là một phần trong chương trình Tuần lễ Vàng 2020 - “Hạnh phúc sẻ chia” mà bệnh viện đã triển khai.
Tuần lễ Vàng là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên được tổ chức lần đầu vào năm 2015 nhằm san sẻ một phần kinh phí điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh-hiếm muộn. Giá trị các gói hỗ trợ được tăng thêm qua từng năm. Tính đến nay, đã có hàng nghìn cặp vợ chồng được nhận hỗ trợ từ chương trình này. Trong các ca được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí từ năm 2019 đến nay, nhiều trường hợp đã mang thai và sinh con khỏe mạnh.