Bé Đỗ Viết Xuân Trường (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa), con trai chị Nguyễn Thị Thủy là một trong số 3 trẻ bị câm điếc bẩm sinh được cấy ốc tai điện tử Med-El miễn phí trong năm 2016 tại Khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Hà Nội.
Chị Thủy cho biết, sau khi cấy ốc tai điện tử khoảng 3 - 4 tháng, Trường đã biết gọi được tiếng “Mẹ ơi…”. Chỉ một tiếng gọi “Mẹ ơi” ấy đã khiến trái tim người phụ nữ ấy tan chảy, hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.
Niềm hạnh phúc của hai mẹ con bé Xuân Trường.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phát triển chuyên môn, BV rất quan tâm đến các hoạt động từ thiện, đến các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Qua những hoạt động này, nhiều trẻ đã có thay đổi rõ rệt, cải thiện sức nghe, từ chỗ không nói được nhưng chỉ sau 3-4 tháng cấy ốc tai điện tử miễn phí đã giao tiếp được. Đó là điều hết sức nhân văn giúp cho các cháu bị thiệt thòi.
PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV ĐH Y Hà Nội chia sẻ, sau 1 năm cấy ốc tai điện tử, khả năng phát triển ngôn ngữ của các trẻ rất tốt, nhiều trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã được mổ miễn phí. Chẳng hạn trường hợp bé Xuân Trường nói trên, gia đình có 3 con nhỏ đều bị điếc bẩm sinh, bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 3 con rất khó khăn. 2 anh của Trường đã qua tuổi cấy ốc tai điện tử, chỉ có Trường may mắn được lựa chọn phẫu thuật miễn phí cấy ốc tai điện tử, kết quả rất thành công giúp em hòa nhập xã hội tốt hơn. Hay như trường hợp bé Sinh Phúc, ở Lào Cai, gia đình có 2 con cũng đều bị điếc bẩm sinh…
Cũng theo PGS. Thành, sự lựa chọn đối tượng phẫu thuật trong các hoạt động từ thiện là hướng đến cộng đồng, những hoàn cảnh thực sự khó khăn để được tài trợ mổ miễn phí. Ngoài ra, BV cũng hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình trang trải chi phí đi lại, ăn ở.
Cấy ốc tai điện tử đã mang lại cuộc sống mới cho trẻ bị câm điếc bẩm sinh.
Được biết, trong năm 2017, BV Đại học Y Hà Nội tiếp tục khám sàng lọc, lựa chọn các cháu có hoàn cảnh khó khăn để mổ miễn phí. Hi vọng với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng sẽ giúp trẻ điếc bẩm sinh có cơ hội hòa nhập cuộc sống.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trên thế giới có 360 triệu người khiếm thính, trong đó có 32 triệu trẻ em bị khiếm thính. Còn tại Việt Nam, trong năm 2013, nước ta có 5.000 trong tổng số 1,2 triệu trẻ em khiếm thính. Trong số đó có 3.500 trẻ khiếm thính có chỉ định cấy ốc tai điện tử.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trở ngại lớn nhất là giá thành thiết bị quá cao (khoảng từ 200-700 triệu đồng) mà không được thanh toán bảo hiểm, hiện nay toàn bộ chi phí do gia đình người bệnh tự chi trả. Nhiều trường hợp mắc bệnh mà hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện để phẫu thuật nên chấp nhận con họ bị tàn tật suốt đời. Trẻ bị khiếm thính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ trở thành bệnh nhân câm – điếc, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng, tự kỷ…
Cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao, trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh. Phương pháp này đã và đang đem lại cho các bệnh nhi bị điếc bẩm sinh cơ hội được nghe rõ, giảm một phần tỷ lệ trẻ bị tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ.