Hạnh phúc vỡ òa

24-05-2015 06:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Điều gì sẽ xảy ra nếu sau ca mổ ấy em Lan không tỉnh lại? Liệu người mẹ có thể sống nổi khi mà đứa con dứt ruột đẻ ra bỗng dưng biến mất khỏi cuộc đời này?

Một ca bệnh khó ở bệnh viện (Phần 5)

Cầm tờ giấy chỉ định xét nghiệm nhóm máu cấp để sẵn sàng hiến máu, tầm nhìn của người mẹ bỗng trở nên hạn chế bởi những giọt nước mắt cứ thế trào ra, chị cố gắng ngăn nó nhưng không thể vì tuyệt vọng. Chồng chị cũng vậy, anh chỉ thốt lên được đúng một câu: con tôi đâu rồi! Sau đó anh chạy ra góc hành lang, đứng một mình và khóc…

Thấy tôi từ phòng mổ bước ra, chị nhào luôn đến, hai tay nắm chặt lấy tay tôi mà kêu lên: “Con gái nhỏ của tôi đang nằm trong tay bác sĩ, giữa sự sống và cái chết. Tôi không muốn mất con. Tôi cầu xin bác sĩ, cầu xin bác sĩ hãy đặt bàn tay nhân từ lên bụng đứa con gái nhỏ của tôi, để cháu được chữa lành. Và cháu sẽ được sống”…

Điều gì sẽ xảy ra nếu sau ca mổ ấy em Lan không tỉnh lại? Liệu người mẹ có thể sống nổi khi mà đứa con dứt ruột đẻ ra bỗng dưng biến mất khỏi cuộc đời này?

Đã 9 năm trôi qua, chưa bao giờ tôi quên câu chuyện của người phụ nữ nghèo có đứa con gái nhỏ đang phải chịu một căn bệnh làm cho cả gia đình trở nên cùng cực. Người phụ nữ ấy đã đắm chìm trong những giọt nước mắt, lúc nào chị cũng nhìn thấy con chị trong vòng tay âu yếm của thần chết. Tôi cảm nhận nỗi đau của chị hiện hữu ngay trước mặt, có thể sờ thấy được.

Vậy tôi phải làm gì để giảm bớt sự đau khổ, hay để an ủi một trái tim đang gặp phải khó khăn?

“Đừng sợ! Hãy tin tôi đi, con chị sẽ được cứu sống”. Đây là lần thứ hai tôi gieo vào lòng người mẹ một niềm tin. Nhưng tôi đã không hối hận, bởi tôi biết bên trong phòng mổ thỉnh thoảng những cơn chấn động qua các hình thức bất tỉnh không đủ đánh bại những xung của cuộc sống. Tôi cũng biết khi đứng trước một căn bệnh hiểm nghèo của con gái, thì người phụ nữ có mạnh mẽ đến mấy cũng dần trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống, đau đớn và tuyệt vọng; nên người mẹ ấy rất cần có một niềm tin để vịn vào đó mà tiếp tục bước đi…

Khi bác sĩ đưa Lan từ khu mổ sang khoa hồi sức cấp cứu, mẹ em có cơ hội được nhìn thấy mặt con. Trên giường bệnh phủ ga trắng toát chỉ lộ ra khuôn mặt trắng nhợt, đôi mắt Lan khép kín với một nụ cười, cha mẹ em đã bật khóc.

“Nếu trước đây tôi biết được những gì đang diễn ra với con tôi bây giờ, thì gia đình tôi đã sớm có quyết định, để mọi thứ với con tôi sẽ có kết quả khác. Tôi chỉ ước được quay lại và thay đổi tất cả, để tôi không phải nói những lời hối hận như thế này. Cám ơn các bác sĩ đã làm hết sức mình vì con tôi” – mẹ Lan nghẹn ngào trong dòng nước mắt khi nghe bác sĩ giải thích sau ca mổ. Tôi băn khoăn nghĩ cách phải làm gì đó để mẹ Lan không còn ân hận suốt cuộc đời.

Đợi cho người mẹ bình tâm trở lại, tôi giải thích: “Khi đến với chúng tôi, con chị chỉ còn có 1% cơ hội sống, nhưng đó không phải là sai lầm của chị. Bệnh tật giống như một con ma có những lời nguyền bí mật về cuộc sống, chúng tôi không phải là đạo sĩ để giải được lời nguyền đó cho người bệnh than phục, vì thế mà chúng tôi cũng cần phải có sự may mắn mới có thể đánh bại được con ma đó. Với bác sĩ, nhiệm vụ chỉ rất đơn giản là chữa bệnh để tiết kiệm cuộc sống cho con người, những chuyện không hay xảy ra với sức khỏe của người bệnh, thì sai lầm chủ yếu vẫn thuộc về bác sĩ”…

Dù chỉ còn 1% khả năng cứu sống, nhưng cơ hội vàng đã đến với em Lan, không phải chỉ vì mạng sống của em đang nằm trong tay những bác sĩ tuyệt vời, mà còn vì khối u trong bụng em đúng là khối máu tụ ở thành ruột đoạn D2 tá tràng như chúng tôi chẩn đoán trước đó. Nghĩa là em sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, những trái tim của cả ê kíp phẫu thuật đều đã hướng về phía trước, với tất cả sự rung động để điều khiển những đôi tay khéo léo nhất để lấy hết khối máu tụ và tái lập lại sự lưu thông cho lòng ruột.

Vào cuối buổi chiều hôm ấy, niềm vui lớn lao đã đến với gia đình vợ chồng trẻ, đứa con gái nhỏ yêu quý của họ đã có thể hé mở đôi mắt để nói được 2 chữ “mẹ” và “bố”. Đêm đó, người mẹ trẻ đã ngủ được một giấc thật ngon, vì con của chị sẽ sống để thấy được ngày mai.

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

 


Ý kiến của bạn