Đợt công tác ấy, sau khi dự hội nghị khoa học về những vấn đề cập nhật trong điều trị động kinh, mình tới gặp chị Quỳnh - một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần TP.Đà Nẵng.
Đúng hẹn, chị đến đón mình tại khách sạn, rồi chở mình đi dọc bờ biển, qua cầu sông Hàn. Gặp lại chị, mình thấy chị vẫn như ngày xưa, không có gì thay đổi, vẫn dáng người ấy, giọng nói ấy và cũng vẫn là những câu trả lời ấy khi hỏi về chuyện gia đình riêng. Chị nói, chị vẫn ở một mình, chưa có gì thay đổi em ạ. Nhiều lúc trở về từ bệnh viện, chị cũng cảm thấy lòng trống trải, muốn có một gia đình riêng của mình để sau khi kết thúc công việc, chị không còn cảm thấy buồn và cô đơn nữa nhưng có lẽ nó là cái số rồi, chị cũng không biết phải làm sao nữa! Nhiều lúc chị cũng thấy buồn nhưng rồi công việc lại cuốn hút chị và cứ như vậy, chị cũng chẳng có thời gian để buồn nữa!
Chị chở tôi đến thăm bệnh viện nơi chị công tác. Đây cũng là dịp để tôi có cơ hội tìm hiểu và học hỏi về mô hình của Bệnh viện Tâm thần ở miền Trung. Hai chị em rong ruổi trên chiếc xe máy của chị. Đường đến bệnh viện khá xa, khoảng 20 cây số, vậy mà hàng ngày chị vẫn đi về, dù trời nắng hay trời mưa, nên mình càng hiểu sự vất vả của chị. Chị cho biết, đã gắn bó với bệnh viện và những bệnh nhân ở đây 15 năm rồi, có những lúc nghĩ muốn chuyển về một bệnh viện khác gần nhà hơn, làm việc ở một chuyên khoa mà xã hội đánh giá mình cao hơn nhưng chị vẫn không thể xa rời được nơi đây và những người bệnh ở đây, họ cần có sự chăm sóc của những bác sĩ chuyên khoa, những người có thể lắng nghe, chia sẻ tâm sự với họ.
Bệnh viện rất khang trang rộng rãi với đầy đủ các khoa phòng, đặc biệt có một khoa về tâm thần nhi, có khoa điều trị nội trú cho bệnh nhân nhi - một lĩnh vực còn chưa được phát triển nhiều trong lĩnh vực tâm thần nhưng đã được xây dựng và phát triển tốt ở bệnh viện của chị. Bệnh nhân vui vẻ chào hỏi bác sĩ với một thái độ gần gũi và tôn trọng. Nghe bác sĩ Quỳnh giới thiệu có bạn là bác sĩ ở ngoài Hà Nội vào thăm, họ vui lắm và trả lời rất nhiệt tình những câu hỏi của tôi. Có lẽ đó cũng là điều khiến chị gắn bó với bệnh viện, không thể rời xa được...
Thế nhưng mình hiểu những khó khăn của chị, của những người phụ nữ công tác trong ngành y tế nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng. Bởi vậy mà đến bây giờ chị vẫn chưa tìm được hạnh phúc riêng... Và lại ngẫm tới mình, thấy mình may mắn hơn chị. Mình đã có gia đình và có hai con. Nhớ lại cái buổi đầu tiên đến xin thầy chủ nhiệm bộ môn cho thi nội trú chuyên ngành tâm thần, các thầy khen mình dũng cảm và đến bây giờ mình vẫn tự hào là bác sĩ nội trú nữ đầu tiên của bộ môn tâm thần...
Vậy là đã 5 năm trôi qua, hôm nay mình gặp lại chị Quỳnh tại Hà Nội, trên khuôn mặt của chị đã ánh lên nét rạng ngời, vui tươi. Bên cạnh là một cháu nhỏ chừng 3 tuổi với hai bím tóc trông thật ngộ nghĩnh và đáng yêu, bám lấy chị, gọi chị bằng hai tiếng thân yêu “mẹ Quỳnh”. Chị vẫn công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nhưng cuộc sống của chị đã thay đổi. Chị cho biết, nhận thức của xã hội về vấn đề sức khỏe tâm thần hiện nay cũng đã thay đổi nhiều. Mình mừng cho chị...
BS. Trịnh Thị Bích Huyền