Hạnh phúc mong manh

24-12-2015 11:21 | Y tế
google news

Trưa nay, mình nhận lời đi khám lại cho một bệnh nhân cũ của mình tại nhà, lần đầu tiên mình khám cho anh bệnh nhân ấy cách đây đã 8 năm, năm 2005, khi mình còn đang học bác sĩ nội trú. Có lẽ chưa có bệnh nhân nào để lại cho mình những cảm xúc như trường hợp gia đình người bệnh này.

Trưa nay, mình nhận lời đi khám lại cho một bệnh nhân cũ của mình tại nhà, lần đầu tiên mình khám cho anh bệnh nhân ấy cách đây đã 8 năm, năm 2005, khi mình còn đang học bác sĩ nội trú. Có lẽ chưa có bệnh nhân nào để lại cho mình những cảm xúc như trường hợp gia đình người bệnh này.

Năm nay, anh bệnh nhân ấy đã 49 tuổi, là con duy nhất của một bác cán bộ quân đội, năm nay bác trai đã 81 tuổi, bác gái 75 tuổi.

Hạnh phúc mong manh 1
Một gia đình nạn nhân chất độc màu da cam tại Yên Bình.

Anh sinh ra sau khi bố anh trở về từ chiến trường, nơi đế quốc Mỹ đã rải chất độc màu da cam và một điều không may mắn là anh đã mắc phải chứng bệnh Down. Mặc dù mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo nhưng hai bác vẫn dành hết tình cảm yêu thương để chăm sóc người con trai duy nhất của mình. Ngay từ bé, anh đã có những biểu hiện của một trẻ chậm phát triển trí tuệ nặng, không tự chăm sóc được mình, càng lớn, những biểu hiện bất thường của anh đã làm cho hai bác ấy vất vả. Anh như một đứa trẻ con, thường xuyên đòi hỏi bố mẹ phải làm theo ý mình, khi không được đáp ứng, anh lăn ra khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ và đánh cả hai bác. Một điều đặc biệt là anh rất thích lịch, anh đòi treo lịch khắp nhà, năm 2013 mới đến, anh đã đòi mua lịch năm 2014, mọi người thường xuyên phải nói dối anh là lịch in chưa xong, phải gọi điện cho người thân, đóng giả làm nhà xuất bản để nói dối rằng sẽ bán cho anh lịch...

Anh cũng rất tình cảm với bố mẹ, đặc biệt là mẹ, người đã bao năm tần tảo chăm sóc đứa con bênh tật theo cách riêng của mình. Anh không bao giờ muốn mẹ mình đi đâu xa, không muốn cho mẹ uống bất cứ thuốc gì, không muốn cho mẹ đi khám bác sĩ, mỗi lần đi khám bệnh đều phải nói dối vì anh sợ rằng mẹ có bệnh chết đi thì không ai chăm sóc mình.

Cũng vì hoàn cảnh chiến tranh, kẻ Bắc - người Nam, hai bác cũng không có cơ hội để gần nhau nhiều. Bác trai tâm sự: Hồi tôi vào Sài Gòn điều trị bệnh, có một cô y tá rất yêu thương, muốn giữ tôi ở lại chăm sóc, lúc nào cô ấy cũng bảo tôi vẫn còn sốt, chưa được ra viện, có hôm cô ấy ngâm nhiệt kế vào nước nóng và nói tôi sốt 41 độ... Bác cười.

Nhưng một lòng trở về quê hương với người vợ đã tần tảo chịu thương chịu khó là hậu phương vững chắc bao nhiêu năm qua, ở cái tuổi xưa nay hiếm, hai bác bây giờ lại cùng nhau chăm sóc anh con trai bệnh tật nhưng đó cũng là niềm vui duy nhất còn lại.

Mình dành nhiều thời gian để lắng nghe hai bác kể bệnh của con trai như là để hai bác được tâm sự, giãi bày những băn khoăn, trăn trở và những nguyện vọng của hai bác. Vẫn biết rằng chữa khỏi bệnh là một điều không thể nhưng hai bác vẫn hy vọng thuốc sẽ làm con trai mình không có những đòi hỏi yêu sách vô lý. Hai bác cũng mong muốn mình nhận lời đỡ đầu theo dõi bệnh như một bác sĩ riêng cho bệnh nhân đặc biệt này. Mình vui vẻ nhận lời và nói với bác trai: Khi nào bác muốn cháu lên khám bệnh, bác chỉ cần gọi điện và cháu tự đi xe máy lên, bác không cần phải đi taxi xuống đón cháu đâu bác ạ!

Màu da cam, một màu sắc đẹp và được yêu thích nhưng sao lại gắn liền với cái chất độc khủng khiếp đã đem bất hạnh đến cho bao người? Một điều an ủi hai bác là người con trai mắc bệnh đã được hưởng chế độ chất độc màu da cam của Nhà nước trợ cấp, dù là ít ỏi nhưng cũng khiến hai bác có thể yên tâm khi trở về với cát bụi. Và anh bệnh nhân ơi, tại sao anh lại cứ thích lịch năm mới nhỉ, anh có biết rằng thời gian càng trôi nhanh thì bố mẹ anh sẽ như trái chín trên cây, những cơn gió khắc nghiệt của cuộc đời sẽ làm cho những trái chín kia rụng xuống và anh sẽ cô đơn trên cõi đời này, anh có biết không?


BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn