Hà Nội

Hạnh phúc là được sẻ chia

31-12-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ân cần, niềm nở và vị tha, đó là cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang ở Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Huỳnh Thị Xuân Trang sinh năm 1981, ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Con đường đến với nghề y của Xuân Trang cũng rất ngẫu nhiên. Năm học lớp 9, Trang phải chăm nuôi mẹ ở Trung tâm Răng - Hàm - Mặt TP. Hồ Chí Minh. Những ngày chăm nuôi mẹ, Trang cảm nhận được nỗi đau của người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân neo đơn, thiếu người chăm sóc. Tính bản thiện trong cô gái trẻ được bồi đắp. Cô sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân cùng phòng với mẹ mình. Lòng nhân ái ở cô cứ lớn dần theo thời gian.

Tốt nghiệp THPT, Trang quyết định thi vào ngành Điều dưỡng, Trường Trung học y tế Đồng Tháp, nay là Trường cao đẳng y tế Đồng Tháp. Sau 3 năm học tập và rèn luyện, tốt nghiệp ra trường, điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang về làm việc tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc từ tháng 6 năm 2002 cho đến nay.

Điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong nghề đối với điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang, đó là việc chăm sóc một bệnh nhân vô danh hơn một tháng trời. Ca bệnh nhân chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện Lấp Vò đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc. Sau khi hội chẩn và xử lý tình huống, bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh nhưng chỉ được một ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy lại gọi điện đề nghị Bệnh viện đa khoa Sa Đéc lên nhận lại bệnh nhân vì bệnh nhân này không có thân nhân, không có tiền. Về đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, bệnh nhân chỉ còn thở thoi thóp, không nói được, không cử động được, hai mắt cứ nhắm nghiền lại, tình thế rất xấu. Sự sống con người là trên hết, còn nước còn tát! Các y bác sĩ, điều dưỡng, y tá, hộ lý của khoa đều tích cực điều trị để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang nhận chăm sóc bệnh nhân. Tình yêu thương con người đã tạo được phép màu, sự sống của bệnh nhân đã được hồi phục và cải thiện từng ngày.

Là điều dưỡng, cô kiêm luôn hộ lý, ròng rã một tháng trời, Trang chăm sóc cho bệnh nhân bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến của một người em đối với anh, của một người “mẹ hiền” đối với con, ngay cả ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Trang vẫn vào khoa để chăm sóc bệnh nhân. Sau 30 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu nhận biết được những người xung quanh. Khi nghe bệnh nhân gọi được tên mình, điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang không cầm được niềm vui đang dâng trào, cô cứ để cho những giọt nước mắt đầy hạnh phúc của mình chảy tràn trên hai gò má. Thần chết đã bị đầy lùi, bệnh nhân đã tự bưng cơm, cháo để ăn nhưng chưa đi lại được. Trang lại tiếp tục làm chỗ dựa tinh thần để bệnh nhân tự tin điều trị.

Bằng các mối quan hệ của mình, điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang đã tìm đến chùa Kim Bửu trình bày nội tình và được Sư cô Thích nữ Như Chánh tiếp nhận bệnh nhân. Hàng tuần, vào ngày nghỉ cô lại chạy xe từ TP. Sa Đéc về chùa Kim Bửu để thăm hỏi bệnh nhân. Thông qua người quen của mình là chị Phạm Thị Thu Vân ở Sa Đéc, ước nguyện của Trang đã được Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp đưa tin tìm người thân cho bệnh nhân, sau một tuần, cha mẹ bệnh nhân đã đến chùa Kim Bửu tạ ơn và nhận lại con mình. Nhận điện thoại của bệnh nhân, Trang mới biết anh là Trần Văn Tấn, 45 tuổi, ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Kể từ đó, cả hai ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật trong tuần, Xuân Trang lại chạy xe về chùa Kim Bửu rồi qua phà Vàm Cống đến TP. Long Xuyên để thăm hỏi anh. Trả lại sự sống, tìm lại gia đình cho bệnh nhân Trần Văn Tấn, đó là điều kỳ diệu mà tập thể Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc nói chung và điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang nói riêng đã làm được. Hiện tại, anh Trần Văn Tấn phải đi lại bằng ghế nhưng tôi tin: Tình yêu thương và niềm tin cuộc sống mà anh tiếp nhận được từ những người thầy thuốc đã và đang lặng thầm hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, sẽ giúp anh hồi phục lại hoạt động của mình trong một ngày không xa.

Trao đổi với tôi về điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang - cử nhân điều dưỡng, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc Nguyễn Ngọc Mai Phương cho biết: “Điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang là người có tâm huyết với nghề, tận tâm với người bệnh. Tuy đồng lương khiêm tốn nhưng Xuân Trang luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân cơ nhỡ, cô không ngần ngại bỏ tiền túi của mình đi may váy, tã, áo quần cho bệnh nhân. Có bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, ngay cả người nhà cũng ngại đến gần nhưng điều dưỡng Trang lại gần gũi, chăm sóc rất tận tình. Không chỉ sáng về y đức mà điều dưỡng Trang còn là người giỏi về y thuật, cô nhìn nhận người bệnh bao giờ cũng đúng để đưa ra kế hoạch, phác đồ chăm sóc hợp lý, nếu thấy bất thường là kịp thời báo cho y bác sĩ xử lý kịp thời. Ngoài tài năng của đội ngũ y bác sĩ, nhiều bệnh nhân tưởng chừng không thể sống được nhưng họ đã hồi sinh, có một phần đóng góp không nhỏ của các điều dưỡng viên mà tiêu biểu là điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang. Chị luôn là người được lãnh đạo bệnh viện nêu gương để mọi người cùng học tập. Xuân Trang là niềm tự hào của cả khoa ngoại chúng tôi từ nhiều năm nay”.

Nói về nghề nghiệp của mình, điều dưỡng Huỳnh Thị Xuân Trang tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc nói chung, điều dưỡng nói riêng là được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tin tưởng. Niềm vui của những người công tác trong ngành y luôn gắn với niềm vui, nỗi buồn của người bệnh. Phải xem người bệnh như người thân của mình mới có thể hoàn thành tốt thiên mệnh “Lương y như từ mẫu”. Cả đời tôi không bao giờ quên được những nụ cười méo mó nhưng rất dễ thương của những bệnh nhân hồi phục cho họ còn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị”.

Bài, ảnh: Nguyễn Quế

 

 

 


Ý kiến của bạn