Hạnh phúc là biết cho đi!

15-06-2013 12:20 | Y tế

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, chúng tôi lại bước vào những ngày làm việc miệt mài tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) E Trung ương. Nghe tiếng ho từng cơn ngày càng dài và dày đặc của Thúy (điều dưỡng viên), mọi người trong khoa không khỏi ái ngại nhìn nhau.

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, chúng tôi lại bước vào những ngày làm việc miệt mài tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) E Trung ương. Nghe tiếng ho từng cơn ngày càng dài và dày đặc của Thúy (điều dưỡng viên), mọi người trong khoa không khỏi ái ngại nhìn nhau. Không dám nói ra nhưng mọi người đều nghĩ Thúy có thể bị bệnh lao phổi cộng thêm lao lực vì em đã được dùng hai đợt kháng sinh liều cao mà bệnh không hề thuyên giảm, mặc dù ho như vậy nhưng em không chịu nghỉ, vẫn cố gắng đi làm, trực liên miên 1 tuần 3 buổi (do khoa thiếu người), ngoài giờ vẫn đi làm thêm để nuôi hai con còn nhỏ, chồng lái xe thuê nhưng thu nhập bấp bênh.
Hạnh phúc là biết cho đi! 1
 Tập thể các bác sĩ, y tá Bệnh viện E trao số tiền quyên góp cho điều dưỡng viên Thúy.

Tôi đã gặp riêng và phân tích cho em hiểu tình trạng sức khỏe của em cần phải nghỉ ngơi, vào viện để chẩn đoán và điều trị dứt điểm, vừa chữa bệnh cho mình nhưng cũng không để lây sang mọi người trong khoa. Sau một hồi suy nghĩ, em đã đồng ý. Khi có kết quả chụp CT Scanner ngực phát hiện tổn thương rất đặc biệt ở phổi, em đã được hội chẩn tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, BV K và BV Bạch Mai. Khi nghe tin Thúy bị K phổi, cả khoa chúng tôi sững sờ chết lặng, không ai nói được gì suốt buổi chiều hôm đó. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên và phân vân vô cùng khi Thúy gặp tôi nói: “Thôi em chẳng chữa bệnh đâu, có ít tiền em dành dụm được sẽ để lại cho con, em biết chữa bệnh ung thư tốn tiền lắm, mình không có tiền, nếu chữa bệnh mà không khỏi thì món nợ đó chồng con em lấy đâu mà trả!”. Lúc đó, tôi không thể làm gì ngoài sự xót xa và bất lực, chỉ biết động viên em: “Hãy tin tưởng vào khoa học, có bảo hiểm y tế lại là nhân viên trong ngành thế nào cũng sẽ được giúp đỡ tận tình và thuận lợi trong việc chữa bệnh, phải hy vọng mình sẽ khỏi để còn nuôi dạy con”... Tôi đã giới thiệu Thúy với các đồng nghiệp tại Bệnh viện K, em được điều trị đồng thời vừa truyền hóa chất kết hợp luôn xạ trị, thấm thoắt đã hơn 1 tháng. Số tiền chi phí chữa bệnh ngày càng nhiều, mấy chục triệu để dành bấy lâu nay đã hết, phải huy động vay mượn trong anh em họ hàng. Tôi nắm đôi bàn tay gầy guộc của Thúy, nhìn hàng nước mắt chảy dài trên đôi gò má xanh xao của em, nhìn đầu em giờ đây rụng hết tóc, lún phún tóc đen lẫn tóc trắng sau 2 đợt điều trị, chúng tôi phải cầm lòng nuốt những giọt nước mắt vào trong và thầm cầu mong em có đủ nghị lực và sức khỏe để vượt qua căn bệnh quái ác này.

Chúng tôi trong khoa đã cố gắng giúp đỡ em cả cá nhân lẫn tập thể nhưng số tiền chỉ được 10 triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu, đang lúc bí không biết làm thế nào thì điều dưỡng Hà kêu lên: “Cháu thấy các nơi có tổ chức quyên góp cho những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, đề nghị khoa mình đi quyên góp trong bệnh viện, được đồng nào hay đồng ấy để giúp cho chị ấy phần nào!”. Quả thật đây là sáng kiến rất hay mà chúng tôi không ai nghĩ ra, nhưng làm thế nào để đạt hiệu quả và có được phép không? Tôi phân vân quá liền xin ý kiến của BS. Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, đồng chí hoan nghênh ý tưởng này và đã hướng dẫn tận tình từng bước nên tiến hành ra sao, đồng thời anh cũng là người đầu tiên ủng hộ cho Thúy trong đợt quyên góp này... Sau gần 1 tháng hoạt động, chúng tôi đã chứng kiến và nhận được rất nhiều những tấm lòng nhân ái của biết bao anh, chị, em trong tất cả các khoa phòng trong BV.

Chiều nay, tập thể anh chị em trong Khoa Truyền nhiễm chứng kiến đồng chí Chủ tịch Công đoàn BV E Trần Quốc Khánh trao tặng gói quà do toàn thể các đoàn viên công đoàn trong bệnh viện tự nguyện ủng hộ số tiền hơn 70 triệu đồng cho Thúy, em chẳng nói được gì, chỉ khóc vì quá cảm động. BS. Trần Quốc Khánh tâm sự: “Từ trước đến nay, có một số trường hợp viên chức trong bệnh viện mắc bệnh hiểm nghèo, chúng ta có giúp đỡ nhưng để làm hiệu quả như trường hợp này thì đây là lần đầu tiên. Với nhiều người trong xã hội hiện nay thì vài chục triệu đồng chẳng đáng là bao nhưng với một cô điều dưỡng như em Thúy - thu nhập bình quân trong gia đình không được 2 triệu đồng/tháng lại mắc bệnh hiểm nghèo thì đây là số tiền không hề nhỏ và vô cùng thiết thực: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no!” và điều cao cả và giá trị hơn tất cả đó là: sự quan tâm ấm áp tình yêu thương, sự sẻ chia của tất cả mọi người trong bệnh viện đối với em Thúy đã minh chứng một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách”.

Tôi càng thấy thấm thía câu nói của chàng “sọ dừa” Nick Vujicik: “Hãy trân trọng cuộc sống hiện tại, hãy cảm ơn số phận đã cho ta được sống. Chúng ta hãy yêu bản thân mình và hãy yêu thương mọi người!”.      

  BSCKII. Hoàng Hải Yến (Bệnh viện E Trung ương)


Ý kiến của bạn