Hà Nội

Hạnh phúc khi được dấn thân...

20-02-2022 07:30 | Y tế

SKĐS - Khi cuộc chiến với dịch COVID-19 ở TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất, với “trái tim hồng, dòng máu nóng” các thầy thuốc tỉnh Nghệ An đã xung phong vào tâm dịch tăng viện “chia lửa” cho TP.HCM chống dịch, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Nhưng rồi, có không ít thầy thuốc lại trở thành F0. Không cam lòng, các "thầy thuốc F0" đã vượt qua ranh giới sự sống cái chết của bản thân để níu giữ sự sống cho nhiều bệnh nhân khác… Đó chính là minh chứng cho sức mạnh niềm tin yêu, hy vọng chiến thắng bệnh tật.

Những thầy thuốc xung phong vào tâm dịch

Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An một buổi chiều đầu Xuân Nhâm Dần để trò chuyện với những "chiến binh" đã "vào sinh, ra tử" kiên cường chiến thắng bệnh tật, nỗi sợ hãi để níu giữ sự sống cho người bệnh, tôi gặp nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu và điều dưỡng Đặng Thị Phương.

Thoạt nhìn, chúng tôi không nghĩ là 2 nữ thầy thuốc vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười luôn rạng ngời trên môi này lại là những con người đã kiên cường vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết của bản thân để níu giữ sự sống cho nhiều bệnh nhân khác…

Hạnh phúc khi được dấn thân - Ảnh 1.

BS. Nguyễn Thị Hiếu - xung phong vào tâm dịch TP. HCM "chia lửa" cùng đồng nghiệp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Kể về chuyến hành trình xung phong vào tâm dịch "chia lửa" cho đồng nghiệp ở TP.HCM chống dịch, BS. Nguyễn Thị Hiếu (Khoa Nội 1) vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp như lúc nhận được thông báo của Phòng tổ chức bệnh viện rằng cô chuẩn bị được thỏa nguyện vào TP. HCM tăng viện "chia lửa" cho đồng nghiệp chống dịch COVID-19. Trước đó, khi dịch bùng phát ở Bắc Giang và Bắc Ninh, BS. Hiếu và nhiều thầy thuốc ở Nghệ An khác đã đăng ký xung phong, tình nguyện chống dịch song chưa đến lượt.

Quá đỗi bất ngờ, BS. Hiếu chỉ kịp từ TP. Vinh (Nghệ An) chạy về thăm nhà ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) 01 buổi tối cuối tuần, rồi vội vã quay lại bệnh viện để lên đường vào miền Nam ruột thịt. Cô "dối cha, dối mẹ" là "có lệnh điều động nên phải đi". Mẹ cô – người đàn bà nông dân lo lắng thở dài. Cha cô trầm ngâm rồi động viên con gái "Mình còn trẻ thì cứ đi thôi con ạ. Nhiều người cũng đi như mình. Mình góp sức giúp được gì cho dân, cho nước thì cố gắng"… Lời cha dặn như giúp BS. Hiếu vững tâm lên đường.

Còn điều dưỡng Phương (Khoa Gây mê, hồi sức) chia sẻ, tháng 7/2021, khi cuộc chiến với dịch COVID-19 ở TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất, với "trái tim hồng, dòng máu nóng" điều dưỡng Đặng Thị Phương, cùng nhiều đồng nghiệp đã tình nguyện đăng ký xung phong đi vào tâm dịch. "Tất cả đều vội vã. Ngày em gọi điện đăng ký xin lãnh đạo bệnh viện cho đi, các anh còn trêu "sợ người khác lấy mất phần à?". Hôm nay đăng ký, ngày mai em đã được gọi tập huấn, ngày kia lên đường..." – Điều dưỡng Phương kể.

Trước giờ lên đường vào miền Nam chống dịch, trong chiều mưa tầm tã, chị Phương một mình tự lái xe vượt 200km về huyện miền núi Tương Dương thăm 2 con, ngủ lại cùng con 1 đêm, rồi sáng hôm sau về TP. Vinh để lên đường. Trong đợt dịch thứ 4, vợ chồng Phương đã gửi 2 con lên ông bà ngoại chăm sóc, để tiện bề công tác. Chuyện trò cùng chồng trước khi đi, chị Phương nhỏ nhẹ: "Em đi tăng viện TP. HCM 1-2 tháng thôi, về là đúng dịp đưa con trở lại học". Tôn trọng quyết định của vợ, chồng chị cũng đành phải đồng tình, dặn vợ bảo trọng, giữ gìn sức khoẻ.

Thế rồi, ngày lên đường, BS. Nguyễn Thị Hiếu, điều dưỡng Đặng Thị Phương cùng 50 đồng nghiệp khác háo hức, mong đợi được đóng góp sức mình vì sức khỏe người dân, vì đồng bào miền Nam. Vào đến nơi, BS. Hiếu, điều dưỡng Phương cùng các các thầy thuốc trong đoàn lập tức nhận công tác tại Khoa Hồi sức, Bệnh viện Trưng Vương – Bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Điều dưỡng Phương chia sẻ: "Khi vào nhận nhiệm vụ, phần việc còn nhiều hơn tưởng tượng đã khiến tôi và nhiều y, bác sĩ khác kiệt sức. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Ở khoa, bệnh nhân nặng phải thở máy dao động từ 30-50 người. Tôi và các y bác sĩ khác thực hiện nhiệm vụ theo ca, mỗi ca 8 tiếng. Suốt cả 8 tiếng đồng hồ, không ai có phút giây nào nghỉ ngơi: Hết bơm tiêm điện, đến hút đờm, cho bệnh nhân uống thuốc, sử dụng máy thở, lấy máu, thay bỉm, lau người...".

Chị Phương tâm tình: "Trước khi đi, em suy nghĩ nặng nhọc như thế nào thì mình cũng sẽ cố gắng gánh vác được. Tuy nhiên khi vào làm, áp lực công việc quá lớn khiến bản thân thật sự cảm thấy quá mệt mỏi, khó thở. Rồi tâm lý sợ bị lây… Nhưng rồi, tất cả nhanh qua, em và các anh chị đồng nghiệp tăng viện khác cũng đã thích nghi được với việc điều trị. Như trước đây, mình thấy bệnh nhân tử vong thì có phần sợ thì nay đã phải quen với việc xử lý như rút ống, rút dịch dẫn lưu, vệ sinh, bọc, ghi tên… dọn dẹp để chuẩn bị cho bệnh nhân khác vào".

Về làm nhiệm vụ ở Khoa Hô hấp, ban đầu BS. Hiếu choáng ngợp và sốc. Số giường thực kê là 50 mà bệnh nhân luôn trên 80 người. Không còn một không gian riêng tư nào cho bệnh nhân và cả bác sĩ. Bệnh nhân thì cần được thở; còn bác sĩ thì luôn tay, luôn chân, "cuống cuồng" để cấp cứu, không còn thời gian để... kịp thở.

BS. Hiếu đã gọi bộ đồ bảo hộ chống dịch với cái tên mới là "bộ đồ nuôi ong"...

8 tiếng một ngày trong "bộ đồ nuôi ong", Hiếu "nghe rõ từng đợt mồ hôi thay nhau nhỏ xuống. Tay mang ba lớp găng đã cảm giác lúc dốc tay lên có nước chảy ngược vào trong, mồ hôi từ mi mắt chảy xuống cay xè vậy mà chỉ chớp chớp, không dám bỏ tay lên. Hình như mình đã bị "luộc chín" trong bộ đồ này mất rồi"...

"Nhận ca, như thường ngày, bệnh nhân vẫn nặng căng như dây đàn vậy. Cầm monitor mini lần lượt đi hết tất cả khoa 1 vòng, các cô chú bệnh nhân bây giờ đã quen đến mức thấy mình cầm tới thì chủ động giơ ngón tay lên. Quay về buồng trực vừa ngồi một chút thì monitor của bệnh nhân buồng điểm báo động, bệnh nhân ngừng tim. Lúc ấy, bản thân không nghĩ được nhiều, vừa gọi người, vừa cấp cứu. 10 phút... 20 phút... 30 phút... 35 phút... đúng lúc mình sắp bỏ cuộc, đã cho dừng các y lệnh thì như một phép màu, bất giác reo lên "Có mạch lại rồiiii".

Xong xuôi, về buồng trực, ngồi phịch xuống ghế mới nhận ra, không hiểu sao lúc ấy sức đâu nhiều đến vậy, rất nhanh, cơn khát nước kéo đến, bên trong cái khẩu trang N95 kín mít, có đứa đang phải há mồm ra để thở, khô khốc..." - BS. Hiếu nhớ lại.

8 tiếng một ngày trong "bộ đồ nuôi ong" nóng nực, BS. Hiếu vẫn chịu đựng, cố gắng vượt qua để chăm sóc người bệnh. Ảnh: NVCC

Nữ bác sĩ trẻ đã dần phải quen với công việc mới. Với cô, "tâm dịch là nơi mà bất kể ngày đêm, tiếng xe cấp cứu cứ vang lên liên tục ở ngoài đường, những tiếng còi khô khốc, những chiếc xe lao đi vun vút, nối đuôi nhau, chạy đua với thời gian. Trước đây đã từng có giai đoạn, mình ám ảnh tiếng còi cấp cứu tới mức, có lúc mới chỉ nghe tiếng đã thấy buồn nôn, đến bây giờ nó đã trở nên quen thuộc kể cả lúc đi làm hay những lúc nghỉ ở nhà".

Ám ảnh là khi những câu chuyện, những hình ảnh mà Hiếu chứng kiến cứ hằn sâu, in rõ nét, theo cả vào trong giấc ngủ. Nữ bác sĩ trẻ 28 tuổi Nguyễn Thị Hiếu đã khóc khi nhìn thấy bệnh nhân 13 tuổi mà cô gọi qua để nhìn ba mình lần cuối.

"Đứa bé chỉ đứng im nhìn ba nó chứ không khóc. Mới 3-4 ngày trước, hai ba con dắt díu nhau vào viện, mẹ nó cũng trở nặng và đang ở một bệnh viện khác. Mình tới hỏi bệnh, hỏi cu em mà ba nó giành trả lời từng tí, không sót triệu chứng nào, mỗi lần trả lời đều nhìn qua nó. Rồi ba nó chuyển nặng, đột ngột. Người ta đưa ba nó vào buồng bệnh nặng nằm mê man, nó ở buồng ngoài. Sáng nay ba nó chọn dừng lại, không cố gắng nữa, nó lặng lẽ bước vào đứng im ở đấy. Nỗi đau quá lớn và nó còn quá nhỏ để hiểu hết" - BS. Hiếu trầm ngâm.

Bệnh nhân trở nặng nhanh, tử vong nhiều. Hiếu đã nhiều lần cảm giác bất lực khi mà bản thân đã cố gắng hết sức, nhưng những chuyện làm được chỉ có hạn. Bệnh nhân cứ thế xa dần khỏi tầm tay của người thầy thuốc. Bất lực cũng là lúc Hiếu cầm máy, đầu dây bên kia là người nhà bệnh nhân và cô thật sự không biết nên bắt đầu từ đâu.... Cuộc chiến nào rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc nhưng những mất mát, những đánh đổi nhiều như thế nào thì không ai kể. Những gì Hiếu chứng kiến đã "đủ đau thương cho một đời người".

Là F0 vẫn không quên thiên chức người thầy thuốc

BS. Hiếu đã có những đêm trực dài bất tận. Những đêm đó thời gian trôi rất chậm, nữ bác sĩ chong mắt đối diện với sự thay đổi của từng con số, từng tiếng báo động trên những chiếc monitor và máy thở. Lúc ấy, người thầy thuốc nghe rõ hình như tiếng thở của bản thân cũng nhẹ đi mấy phần... Nhưng nhanh chóng, một đêm dài nặng nề khác ập đến. Đó là lúc 23 giờ đêm, cô nghe điện thoại của trưởng đoàn cán bộ y tế Nghệ An tăng viện hỏi: "Em có triệu chứng gì không? 2 điều dưỡng cùng phòng em có kết quả xét nghiệm sáng nay là dương tính rồi. Sáng mai em làm xét nghiệm đi".

Ở Bệnh viện Trưng Vương, số cán bộ y tế bị lây nhiễm chéo COVID-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân khá nhiều. Điều này khó tránh khỏi khi mà các cán bộ y tế phải thường xuyên thực hiện các thủ thuật để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Hiếu xác định "là chị em làm việc cùng nhau, ăn chung, ở chung, sinh hoạt chung thì khả năng cao mình cũng mắc bệnh rồi. Mình thì không sợ về sức khỏe lắm vì bản thân còn trẻ, không có bệnh nền, lại được tiêm phòng vaccine rồi"… Thế nhưng Hiếu buồn! Buồn vì mình vào để giúp đỡ mọi người nhưng vào chưa được bao lâu, chưa giúp được gì nhiều lại trở thành người cần phải giúp đỡ.

Hạnh phúc khi được dấn thân - Ảnh 5.

Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi sau thời gian dài chăm sóc bệnh nhân của điều dưỡng Phương (người bên trái). Ảnh: NVCC

Không có triệu chứng, sức khỏe ổn. Hiếu có "toan tính" riêng cho mình là xin trở lại Khoa Hô hấp để điều trị. Cô chủ động báo cáo với Trưởng khoa là sức khỏe mình ổn. Mọi người ở khoa cần giúp đỡ gì thì bản thân sẽ ra sức như lên thuốc hay tư vấn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các bác sĩ ở khoa đã "đọc" được suy nghĩ của cô nên thống nhất cho cô nghỉ dưỡng bệnh… Bác sĩ trở thành bệnh nhân. Các cô, chú, bác bệnh nhân ở Khoa hô hấp thương Hiếu lắm "Ban đêm vừa đi chữa cho bệnh nhân mà giờ lại thành bệnh nhân rồi". Sợ Hiếu buồn, các bệnh nhân thường xuyên hỏi han, chuyện trò, dễ thương lắm!...

Từ Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Đoàn cán bộ y tế Nghệ An cho đến Bệnh viện Trưng Vương vẫn hàng ngày gọi điện động viên, thăm hỏi, gửi thêm hoa quả cho Hiếu ăn sớm hồi phục sức khoẻ. Xúc động nhất là trên trên những suất ăn được gửi đến, luôn có dòng nhắn cảm ơn những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là một động lực để giúp Hiếu sớm vượt qua bệnh dịch COVID-19…

Chỉ có điều, Hiếu mắc COVID-19 rồi nhưng không dám báo về nhà. Cô sợ bố mẹ mình lo. Bản thân Hiếu và 2 cán bộ y tế của đoàn cùng bị mắc COVID-19 vẫn tự động viên nhau cố gắng sớm khỏi bệnh "để không phải làm phiền mọi người".

Trở thành bệnh nhân nhưng BS. Nguyễn Thị Hiếu không quên thiên chức người thầy thuốc của mình. Cô vẫn thường xuyên động viên, tư vấn cho các bệnh nhân khác. Đến khi đủ tiêu chuẩn ra viện, đáng lý Hiếu có quyền đường cách ly, nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng không, chỉ sau một ngày cô đã xin Khoa trở lại nhiệm vụ. Lúc này ở Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân nặng, Hiếu đã vượt qua ranh giới sự sống cái chết của bản thân để níu giữ sự sống cho nhiều bệnh nhân khác. Trải nghiệm trở thành bệnh nhân đã giúp nữ bác sĩ trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức để cho công tác điều trị của bệnh nhân hiệu quả hơn. Bản thân cô là minh chứng cho sức mạnh niềm tin, hy vọng chiến thắng bệnh tật.

Hạnh phúc khi được dấn thân - Ảnh 6.

Mặc dù bị mắc COVID-19, nhưng các thầy thuốc đã đã "vào sinh, ra tử" kiên cường chiến thắng bệnh tật, nỗi sợ hãi để níu giữ sự sống cho người bệnh.

Còn đối với điều dưỡng Đặng Thị Phương, khi công việc đã vào guồng, cũng là lúc Phương nhận tin "sét đánh". Trong quá trình tiếp xúc, giúp đỡ bệnh nhân, Phương đã nhiễm COVID-19 lúc nào không hay. Phương kể: "Lượng bệnh nhân quá đông, dẫu đã được bảo hộ đầy đủ song việc tiếp xúc gần bệnh nhân là không thể tránh khỏi. Nhiễm COVID-19 em buồn lắm, không muốn nói gì, ai hỏi không muốn nói, ai gọi cũng không muốn nghe, không dám nói với ai. Gọi điện video về cho người thân chỉ quay mỗi khuôn mặt mình và bức tường trắng phía sau lưng, cố vẻ mặt tươi tỉnh để nói mới đi làm về hoặc chuẩn bị đi làm…".

Được sự động viên của các anh chị em đồng nghiệp, lãnh đạo bệnh viện, ngành y tế, điều dưỡng Đặng Thị Phương nhanh chóng thoát khỏi trạng thái tâm lý, yên tâm dưỡng bệnh, sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Phương nói: "Là bệnh nhân nhưng em vẫn đóng vai thầy thuốc, thực hiện chăm sóc cho các bệnh nhân khác trong phòng. Và sau 7 ngày, khi đủ tiêu chuẩn ra viện, em xin phép được đi làm trở lại luôn. Lúc này, sức khỏe cũng chưa tốt lắm đâu nhưng vẫn cố gắng làm được. Được đi làm trở lại, được chăm sóc bệnh nhân là niềm vui. Cảm giác xa nhà, ăn rồi ngồi ở trong phòng còn mệt mỏi hơn đi làm". Lúc này, Phương được điều sang Khoa Cấp cứu - một khoa nặng không kém khoa hồi sức.

Càng về sau, bệnh nhân nặng giảm hơn nên công việc cũng đỡ áp lực hơn. Ngoài làm ở bệnh viện, các cán bộ y tế tăng cường như bọn em còn tham gia đi tiêm vaccine phòng COVID-19, hiến máu… Tăng viện cho miền Nam chống dịch đã là một kỷ niệm đẹp trong quá trình hành nghề của tôi và đồng nghiệp...
Điều dưỡng Đặng Thị Phương.
Hạnh phúc khi được dấn thân - Ảnh 7.

BS. Nguyễn Thị Hiếu chụp ảnh chung cùng các bệnh nhân mà mình đã điều trị. Ảnh: NVCC

Ngày cuối cùng hỗ trợ cho Bệnh viện Trưng Vương đã tới, cũng là lúc Tết Trung thu cận kề, trên đường về Khoa Hô hấp, bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu đã bắt gặp gặp 3 cô cậu bệnh nhân chừng 6-7 tuổi, chạy nhảy nô đùa vô cùng vui vẻ, trên tay lủng lẳng chiếc đèn lồng màu đỏ. Hiếu sững người mất một lúc rồi bỗng thấy vui vui lạ.

Mặc cho môi trường điều trị COVID-19 khắc nghiệt, mặc kệ tiếng báo hiệu của monitor, của máy thở ở những buồng bệnh kế bên có nặng nề như thế nào, thì thế giới của bọn trẻ vẫn thật đơn giản lắm. Tiếng cười vô tư, giòn tan, vang trong nắng chiều…

Tăng viện cho TP.HCM đã là một trong những trải nghiệm quý giá, khó quên. Cô thầm biết ơn con người đã từng được gặp, những người chỉ gọi tên, nhận nhau qua giọng nói, qua bộ đồ bảo hộ, qua mấy lớp khẩu trang, chứ chưa từng nhìn mặt. Bởi vì có họ, mảnh đất phương Nam này dù có ốm vẫn cứ dễ thương trong mắt người. Cô thầm hứa mình sẽ quay lại đây khi những "vết thương" được chữa lành.

14 ngày cách ly tập trung nhanh qua, nữ bác sĩ kiên cường trở về bé bỏng trong vòng tay yêu thương của cha, mẹ. Đến lúc này Hiếu mới nói thật "con đã từng là F0, là bác sĩ điều trị và cũng từng là bệnh nhân COVID-19. Ngày nớ, là con đăng ký tình nguyện đi TP.HCM chống dịch chớ không phải lệnh điều động mô. Nhưng sau này nếu đất nước cần thì con lại đăng kí đi tiếp mẹ nha!...".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Từ Thành - Thanh Sơn
Ý kiến của bạn