Hạnh phúc được làm mẹ của những người phụ nữ ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai

03-12-2018 08:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 5 nữ bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đã mang thai, sinh con thành công sau khi ghép. Người lớn tuổi nhất là trường hợp sinh con khi 36 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 25 tuổi. Tất cả đều “mẹ tròn con vuông”, khỏe mạnh.

 

Quả ngọt của hành trình gian nan

Phát hiện bị suy thận nhiều năm, mơ ước có con của chị N.T.H (SN 1975) tưởng chừng đã khép lại. Đều đặn tuần vài lần chị phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai, cho đến khi bác sĩ bảo chỉ còn cách ghép thận mới cứu sống được chị. Mọi việc rất khó khăn bởi cùng lúc điều trị bệnh thận, chi H. còn phải điều trị viêm gan B để tình trạng viêm gan ổn định. Tuy nhiên, dùng thuốc ức chế miễn dịch lại gây bùng virus viêm gan B.

Sau khi được ghép thận từ nguồn thận của người nhà, chị H. bày tỏ nguyện vọng được làm mẹ với bác sĩ điều trị. Một chặng đường gian nan mới lại bắt đầu. Chị H vừa tiếp tục điều trị viêm gan, vừa dùng thuốc chống thải ghép, chuẩn bị sức khoẻ thật tốt để bác sĩ thận quyết định thời điểm mang thai.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển- Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu cho hay: Với nữ bệnh nhân suy thận mãn, phương pháp ghép thận thực sự là cứu cánh đối với cuộc đời họ, giúp họ vừa có chất lượng sống tốt hơn, vừa tăng cơ hội được làm mẹ

Về ca bệnh này, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển- Trưởng khoa Thận – Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Chúng tôi phải hội chẩn cả bác sĩ truyền nhiễm quản lý tình trạng viêm gan của bệnh nhân. Suốt 9 tháng thai kỳ, đến lúc sản phụ sinh con, ai nấy đều hồi hộp, vì họ thành công tức là mình thành công.

Trường hợp của bệnh nhân H. rất đặc biệt không chỉ đó là ca đầu tiên mà còn vì sản phụ lúc đó đã lớn tuổi (36 tuổi), lại sinh con lần đầu.

PGS. TS Đỗ Gia Tuyển nhớ lại: Khi sản phụ sinh xong, để phòng lây nhiễm viêm gan B truyền từ mẹ sang, chúng tôi cùng bác sĩ Sản, bác sĩ Truyền nhiễm… lại hội chẩn, can thiệp, tiêm vắc xin để em bé vừa được sinh ra thực sự khoẻ mạnh.

Đến nay, con của chi H. đã được 7 tuổi. Hàng tháng, chị H vẫn đến Khoa Thận- Tiết niệu kiểm tra sức khoẻ đều đặn.

Một trường hợp khác sau ghép thận tại Khoa Thận- Tiết niệu cũng đã sinh con gái khoẻ mạnh và hiện sức khoẻ vẫn rất tốt là chị Kiều T. H. 36 tuổi ở Yên Lạc- Vĩnh Phúc. Chị H. bị suy thận từ năm 17 tuổi, nhiều năm liền chạy thận nhưng sức khoẻ của chị vẫn không tốt lên, bác sĩ đã tư vấn chị nên ghép thận. Mẹ chị, thương con gái đã hiến tặng con một quả thận.

29 tuổi, chị H. lên bàn ghép thận. Hai năm sau chị lập gia đình với người đàn ông cùng xã. Hơn một năm sau ngày cưới, khát vọng làm mẹ của chị thành hiện thực khi chị sinh con khoẻ mạnh ở tuổi 33.

“Hiện nay con gái tôi đã 3 tuổi, mẹ tôi sau hiến thận cho tôi vẫn khoẻ mạnh bình thường. Nhìn con lớn hàng ngày, mẹ mạnh khoẻ, tôi và gia đình vô cùng hạnh phúc. Hàng tháng tôi vẫn đến Khoa Thận- Tiết niệu kiểm tra sức khoẻ. Gia đình tôi phải cảm ơn các bác sĩ Khoa Thận- Tiết niệu nhiều vì đã mang lại sức khoẻ, hạnh phúc cho tôi”- chi H. không dấu được nụ cười khi chia sẻ với chúng tôi bên hành lang của hội trường Bệnh viện Bạch Mai

Ghép thận: Tăng chất lượng sống và tăng cơ hội làm mẹ cho phụ nữ

Hai nữ bệnh nhân trên là hai trong 5 nữ bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đã mang thai, sinh con thành công sau khi ghép. Người lớn tuổi nhất là trường hợp sinh con khi 36 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 25 tuổi. Tất cả đều “mẹ tròn con vuông”, khỏe mạnh.

Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, với những người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lại bị suy thận, cơ hội có con rất khó khăn. Từ khả năng thụ thai đến việc giữ được thai nhi khoẻ mạnh đều khó khăn. Đó là do bệnh nhân suy thận mãn tính bị rối loạn nội tiết nên họ khó thụ thai. Khi bị suy thận mãn, họ còn thường kèm tăng huyết áp, thiếu máu, nên tỷ lệ hỏng thai ở bệnh nhân suy thận lớn hơn hẳn.

“Với nữ bệnh nhân suy thận mãn, phương pháp ghép thận thực sự là cứu cánh đối với cuộc đời họ, giúp họ vừa có chất lượng sống tốt hơn, vừa tăng cơ hội được làm mẹ”- PGS.TS Đỗ Gia Tuyển nói.

Trưởng Khoa Thận-Tiết niệu cũng thông tin thêm: Thông thường, một nữ bệnh nhân sau khi ghép thận sẽ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, nếu có ý nguyện mang bầu, sinh con, bác sĩ sẽ khuyến cáo chờ đợi ít nhất thêm 1 năm. Thời điểm nào bệnh nhân nên có thai cũng do bác sĩ thận phối hợp chỉ định, tư vấn.

“Đó là bởi có những thuốc ức chế miễn dịch dành cho bệnh nhân sau ghép tạng chống chỉ định khi dùng cho phụ nữ có thai. Nếu có ý định có thai, bác sĩ sẽ nghiên cứu, đổi phác đồ điều trị thuốc cho bệnh nhân. Khi dùng phác đồ mới giúp chức năng thận ổn định, bệnh nhân được khuyến cáo có nên mang thai hay không. Từ khi mang thai đến lúc sinh con, thai phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ Sản – Thận. Thậm chí, khi sản phụ sinh con, bác sĩ Thận cũng phải có mặt”-PGS. TS Đỗ Gia Tuyển cho hay.

Đối với 5 nữ bệnh nhân sau khi ghép thận đã lập gia đình, mang thai và sinh con thành công, được biết sau ghép, chức năng thận của các bệnh nhân trở về gần như người bình thường, huyết áp khống chế tốt, thuốc ức chế miễn dịch điều chỉnh phù hợp.

240 ca ghép thận thành công- những cuộc đời được tái sinh khoẻ mạnh

Tại hội nghị báo cáo tổng kết công tác ghép thận và thành lập câu lạc bộ bệnh nhân ghép thận của Khoa Thận- Tiết niệu diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, từ ca ghép thận đầu tiên (tháng 10/2005) đến nay, các thầy thuốc của Bệnh viện đã ghép thận thành công cho 240 trường hợp. Trong đó, chỉ tính riêng từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2018, viện đã ghép tới 90 ca, đem lại cuộc sống mới cho hàng trăm gia đình, người bệnh.

“Ghép thận đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Bạch Mai. Trung bình mỗi tuần viện thực hiện 2 ca ghép thận, công suất ghép đã tăng hơn trước rất nhiều”- PGS.TS Nguyễn Quốc Anh nói.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai

Việc thành lập CLB sẽ là nơi để các bệnh nhân hiến thận – ghép thận và gia đình của họ được cập nhật, chia sẻ những kiến thức thường quy, hướng dẫn chăm sóc, điều trị tận tình, chu đáo, cùng đó sẽ có những xử lý tình huống kịp thời, giúp bệnh nhân ghép thận có chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) có đến 600 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Số bệnh nhân suy thận phải điều trị thay thế chiếm đến 50%. Chưa kể, tại khoa Thận - Tiết niệu, mỗi ngày có thêm 20 bệnh nhân suy thận mới được phát hiện.

Hiện đại đa số trường hợp được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đều từ nguồn tạng hiến của người nhà, cùng huyết thống. Trước ghép, đa phần bệnh nhân đều có thời gian chạy thận nhân tạo.Người chạy thận nhân tạo dài nhất trước khi được ghép thận là 12 năm, nữ bệnh nhân này sau 3 năm ghép thận đã sinh con.

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn