Hạnh phúc đơn giản là được thấy bệnh nhân cười

10-03-2013 00:59 | Thời sự
google news

“Mình phải cảm ơn bệnh nhân, chính họ đã thôi thúc mình phải nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa để ứng dụng nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong điều trị. Ðứng trước sự đau đớn của mỗi người bệnh cũng là mỗi lần thấy trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ nặng nề hơn và hạnh phúc đơn giản chỉ là được thấy bệnh nhân cười”, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - người vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012 cho biết.

“Mình phải cảm ơn bệnh nhân, chính họ đã thôi thúc mình phải nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa để ứng dụng nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong điều trị. Ðứng trước sự đau đớn của mỗi người bệnh cũng là mỗi lần thấy trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ nặng nề hơn và hạnh phúc đơn giản chỉ là được thấy bệnh nhân cười”, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - người vừa được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012 cho biết.

Hạnh phúc đơn giản là được thấy bệnh nhân cười 1
 PGS.TS. Bạch Khánh Hòa tại lễ nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Bệnh nhân là động lực để thầy thuốc cố gắng nhiều hơn nữa

Gặp PGS.TS. Bạch Khánh Hòa trong căn phòng nhỏ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chị, đó là một người phụ nữ mang nét đẹp quý phái, phúc hậu với khuôn mặt sáng... Mặc dù công việc của một giảng viên đại học, một bác sĩ và một nhà khoa học rất bận rộn, chị vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian để hiểu hơn về con đường chị đã chọn, về những nữ bác sĩ nghiên cứu khoa học như chị. PGS.TS. Bạch Khánh Hòa sinh năm 1955, quê gốc Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1978, chị được phân công về công tác tại Khoa Huyết học và Truyền máu, BV Bạch Mai (tiền thân của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương). Mặc dù công việc nghiên cứu luôn gắn với phòng thí nghiệm, với những ống máu, nhưng chưa lúc nào chị quên nỗi đau đớn trên gương mặt người bệnh và đó cũng là động lực để PGS.TS. Bạch Khánh Hòa vượt qua mọi khó khăn của công việc, cuộc sống để tìm ra những phương pháp, kỹ thuật mới giúp chữa trị cho bệnh nhân. Chị đã cùng các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên khoa sâu Miễn dịch - Di truyền Huyết học. Đó là “Rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ”, nghiên cứu về thai dị tật và những hậu quả do chất độc hóa học dioxin để lại sau chiến tranh chống Mỹ ở những cựu chiến binh có thời gian chiến đấu ở chiến trường B. Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau da cam vẫn đang hằng ngày, hằng giờ là gánh nặng đè lên vai gia đình những cựu binh một thời chiến đấu ở chiến trường B. Đứng trước nỗi đau, mất mát đó, với trách nhiệm của một người thầy thuốc, được sự hướng dẫn chỉ bảo của cha và cố GS. Tôn Thất Tùng từ khi còn là cô bác sĩ trẻ, đến nay đã làm mẹ, làm bà, người bác sĩ ấy vẫn say nghề, yêu nghề... Chị bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ năm 1990 với đề tài “Góp phần tìm hiểu hệ kháng nguyên bạch cầu ở Việt Nam, kỹ thuật phát hiện và ứng dụng”. Từ nghiên cứu này, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa là một trong những người lựa chọn người cho và người nhận thận cho ca ghép thận thành công đầu tiên ở nước ta vào năm 1992 tại BV 103. Sự kiện đó đã ghi danh Việt Nam trên bản đồ y học thế giới về thành tựu ghép tạng. Cũng từ đó đến nay, chị thường xuyên tham gia hỗ trợ một số bệnh viện như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV 19-8 để triển khai công tác ghép thận, gan và đặc biệt là ghép tủy đồng loại ở những ca đầu tiên... Năm 2001, chị tham gia nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”. Mặc dù không trực tiếp đấu tranh pháp lý đòi quyền lợi cho các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, nhưng công việc của chị và những đồng nghiệp đã góp phần minh chứng hậu quả của chất dioxin mà Mỹ gây ra tại chiến trường Việt Nam. PGS.TS. Bạch Khánh Hòa cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm định lượng alpha phetoprotein. Đây là sản phẩm giúp phát hiện rất sớm hiện tượng bất thường của thai nhi.

Hạnh phúc đơn giản là được thấy bệnh nhân cười 2
 PGS.TS. Bạch Khánh Hòa hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Tiếp nối con đường cha tôi đã đi qua

PGS.TS. Bạch Khánh Hòa hiện làm cán bộ Khoa Xét nghiệm Sàng lọc, Viện Huyết học Truyền máu TW; Giảng viên Bộ môn Huyết học Truyền máu, Trường đại học Y Hà Nội. Chị được phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú tú năm 2010; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 1992; Ðược nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế 6 năm từ 2006 - 2012; Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam 2010, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều thành tích khác.

Giải thưởng Kovalevskaia với mục đích tôn vinh, biểu dương những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học. Giải thưởng mang tên nhà toán học gốc Nga Kovalevskaya (1850 - 1891) được trao thường niên kể từ năm 1985 nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Giải thưởng được trao ở 8 nước đang phát triển là: Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambique và Việt Nam, với sự đóng góp tài chính ban đầu của hai vợ chồng giáo sư người Mỹ Ann và Neal Koblitz.

28 năm qua, đã có 39 cá nhân và 17 tập thể các nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận giải thưởng.

 

Để có thành quả như ngày hôm nay, người nữ bác sĩ ấy đã phải hy sinh rất nhiều. Vẫn biết làm bất cứ công việc gì có kết quả cũng đòi hỏi sự hy sinh nhưng với người “3 trong 1” như chị thì sự hy sinh ấy có lẽ sẽ phải nhân lên nhiều lần. Nhưng chị lại rất kiệm lời khi nói về mình, về những khó khăn mà suốt thời gian qua chị đã vượt qua. Với chị, có được thành công ấy là do có nhiều thuận lợi hơn những đồng nghiệp khác, chị được truyền lửa từ người cha và những người thầy của mình. Chị  là con gái thứ hai của cố GS. Bạch Quốc Tuyên, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học. GS. Bạch Quốc Tuyên vừa là người cha và cũng là người thầy lớn của chị, ông cũng là người có ảnh hưởng vô cùng lớn tới nhân cách y nghiệp cũng như sự thành công trong sự nghiệp của chị. Chị bảo, chính cha là người đã hướng chị đi theo ngành y, để rồi giờ đây chị gắn bó say mê và cống hiến với ngành này. Chị đã học được nhiều điều ở cha, đặc biệt là tinh thần say mê, nghiêm túc với nghề... Sự say mê ấy đã truyền lửa cho chị để rồi những nhiệt huyết ấy mỗi ngày được bồi đắp, được thẩm thấu vào chị, cho chị động lực, tự hào để có những thành quả hôm nay. GS. Bạch Quốc Tuyên cũng là người khơi gợi cho chị nhiều ý tưởng, mỗi lần thấy cha có những ý tưởng hay, thấy mình còn chưa theo được chị lại nghiên cứu, tìm tòi và trao đổi ý kiến. Bên cạnh đó, thành công của chị còn là sự đóng góp, là sự hy sinh của những người thân yêu trong gia đình... Họ đã tạo điều kiện để chị hết lòng với khoa học. Chị tâm sự, công việc nghiên cứu về rối loạn di truyền tế bào, thai dị tật và những hậu quả do chất độc hóa học để lại sau chiến tranh là công việc khó khăn, khi bắt tay vào nghiên cứu, điều kiện vật chất ở phòng thí nghiệm rất hạn chế. Có những lần đi nghiên cứu thực địa dài ngày tại vùng nhiễm chất độc da cam, các chị phải chuẩn bị những điều kiện tối thiểu nhất và mang từ Hà Nội vào, bởi đi vào những vùng khi ấy chưa có điện mà nhiều nghiên cứu phải thực hiện phân tích ngay trên máy, lúc đó lấy dầu hỏa chạy thay điện... Đó chỉ là những khó khăn chung trong điều kiện hoàn cảnh kinh tế đất nước. So với nam giới, phụ nữ làm ngành y lại nghiên cứu khoa học sẽ vất vả hơn nhiều... Vất vả là vậy, nhưng chị vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, trẻ trung trước tuổi. Chị bảo, chị luôn quan niệm sống phải vui vẻ, vui với các con, các cháu, các đồng nghiệp của mình. Với chị, sự vui vẻ và sống thật với bản thân, luôn chia sẻ giúp đỡ mọi người là thứ quý giá để giải tỏa những căng thẳng trong công việc, cuộc sống... Trong xã hội, người ta tôn trọng và gọi hai người bằng thầy là thầy thuốc và thầy giáo. Chị vinh dự được làm cả hai nghề ấy. Với vai trò người thầy thuốc, chị quan tâm hết lòng và cố gắng nghiên cứu để chữa trị cho bệnh nhân. Với vai trò người thầy giáo, chị dẫn dắt các thế hệ học trò của mình bằng những kiến thức mình có để họ lại tiếp nối sự nghiệp cứu người. Trong 34 năm công tác tại Viện Huyết học và 14 năm giảng dạy ở Trường đại học Y Hà Nội, thành quả chị đạt được không chỉ là tham gia hướng dẫn khoa học cho 2 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 4 cử nhân, là giải thưởng Kovalevskaia mà trên hết còn là nụ cười của những bệnh nhân khi được xuất viện và sự kính trọng yêu mến của đồng nghiệp đối với mình.

Nguyễn Tuệ

 


Ý kiến của bạn