Tôi mang trên mình hai vai người thầy giáo và người thầy thuốc. Tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt từng vai. Ngoài nhiệm vụ chính là phải đảm bảo việc giảng dạy và nghiên cứu đạt hiệu quả theo các kế hoạch của nhà trường, trong các hoạt động tôi đã tham gia, từ hoạt động biên soạn tài liệu, thành lập Quỹ ủng hộ trang thiết bị chống dịch tại Đà Nẵng đến các hoạt động hỗ trợ truy vết, tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từ Bắc đến Nam, tôi nghĩ mình luôn làm trong tâm thế của người làm nghề y với trách nhiệm phục vụ cộng đồng, hỗ trợ bệnh nhân.
Trong lần tham gia chương trình Cất Cánh tháng 8/2020 trên VTV1, tôi đã và đến nay vẫn khẳng định lại nguyên tắc làm việc của bản thân và của những đồng nghiệp, đồng đội: chúng ta không gọi đây là công việc tình nguyện mà là công việc của trách nhiệm, của bản năng những người thầy thuốc.
Những buổi giảng dạy mà có lẽ trong cuộc đời giảng dậy của mình đó là những trải nghiệm không thể có lần hai. Học viên của tôi mặc bộ quần áo bảo hộ trong một không gian nắng nóng và ngột ngạt. Đặc biệt hơn khi đang học các em phải ngắt giữa chừng để xin phép lên xe đi tăng cường chống dịch.
Tiếp sau đó là những cuộc gọi điện, tin nhắn liên tục cập nhật về tình hình, hỏi han và thảo luận các hành động kiểm soát dịch bệnh.
Có những giọt mồ hôi thấm đẫm trong những cuộc gọi, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng chưa từng có những giọt nước mắt, vì cô trò luôn động viên nhau, đây là sứ mạng mà nhân viên y tế chúng ta, dù đang ở vị trí nào, cũng đang đeo đuổi và thực hiện.
Thời điểm Tết Nguyên đán 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát. Các trường học nhanh chóng chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi làm thế nào để việc giảng dạy có thể trở nên dễ dàng tiếp cận và dễ hiểu nhất có thể đến sinh viên.
Tự nghĩ "thích ứng linh hoạt", tôi bắt đầu ngồi chỉnh sửa tài liệu, soạn bài giảng theo cách luôn tự hỏi, khi đó, học viên sẽ nhìn thấy gì trên màn hình, thẩm thấu bài học như thế nào. Từng câu chữ trong bài giảng được sửa lại, viết lại, các thao tác được chụp ảnh và ghi chú lại cẩn thận, để học viên nghe ít hơn, nhìn nhiều hơn, làm nhiều hơn và từ đó hiểu nhiều hơn.
Một vài buổi giảng diễn ra, tôi và sinh viên vẫn cảm nhận được sự gần gũi, tương tác và đặc biệt là sự tự tin của sinh viên sau mỗi buổi học. Có sinh viên chia sẻ: "Em nghĩ môn học này đã khó, khi học online càng khó hơn, nhưng cách các thầy cô hướng dẫn làm chúng em không còn thấy điều đó". Vì thế tôi nghĩ chúng ta luôn có cách giải quyết các vấn đề mà từ trước đến nay có thể chúng ta chưa từng làm.
Trước đây, tôi cũng có chia sẻ các bài giảng trên YouTube cá nhân, với suy nghĩ như một kênh tài liệu tham khảo để học viên sau khi học, nếu quên hoặc cần tìm hiểu thì có thể tìm lại. Kinh nghiệm đó thôi thúc tôi một lần nữa tạo ra những bài giảng mới bằng hình thức này.
Thuyết phục được sự ủng hộ của nhà trường, xây dựng chương trình, kịch bản nội dung cho từng bài và ngay trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội đầu năm 2020, tôi cùng với các đồng nghiệp đã thực hiện được một khóa học online đầu tiên trên hệ thống elearning của trường. Với sự phát triển của công nghệ và quyết tâm thay đổi để "thích ứng an toàn, hiệu quả", giờ đây, sinh viên đã có thể xem và nghe lại các bài giảng cụ thể hơn, vào bất kỳ thời điểm nào cảm thấy khó khăn.
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng chúng ta có thể dễ dàng vượt qua đại dịch này. Vấn đề không chỉ là một dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, mà trong chính bản chất quy luật của một đại dịch toàn cầu.
Hiểu được điều đó, tôi và các đồng nghiệp trong trường biết là mỗi nhân viên y tế, dù ở vị trí công việc nào, là một bác sĩ lâm sàng, hay là nhân viên y tế cơ sở, các giảng viên trong trường đại học, đều có thể và phải sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến này. Bắt đầu bằng chính những điều mà chúng tôi được học và được giảng dạy lại cho các thế hệ học viên sinh viên.
Tôi tham gia tìm tài liệu, biên dịch và biên soạn các hướng dẫn, cung cấp những thông tin cần thiết đến người dân. Những kinh nghiệm đó giúp tôi có thể hỗ trợ được sinh viên của trường theo các đoàn đi vào các tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM và ngay tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Lần đầu tiên khi được hỏi có thể triển khai truy vết hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh ngay tại Hà Nội được hay không, tôi đã tự tin khẳng định với lãnh đạo nhà trường là có và sẽ thực hiện với yêu cầu công việc cao nhất. Ngay sau đó, Tổ truy vết từ xa được thành lập gồm 2 giảng viên cùng 14 sinh viên đã áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương trong công tác điều tra dịch tễ ca bệnh, truy vết, tổng hợp và phân tích dữ liệu báo cáo... Đó quả thật là trải nghiệm đáng nhớ đầu tiên cho cả thầy và trò.
Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được thế nào là sự xóa nhòa khoảng cách, chỉ cần có quyết tâm và sự hiểu biết về chuyên môn sâu sắc, chúng tôi đều đóng góp được sức lực của mình. Nhiều em sinh viên cảm thấy hạnh phúc vì được tham gia chống dịch dù "…em xung phong mà không được đi trực tiếp cô ơi". Nào có hề gì, ta luôn có cách để đóng góp, chỉ cần chúng ta nghĩ và tin tưởng vào điều đó.
Khi dịch bùng phát và lan rộng, những tin tức buồn lan nhanh, tôi tham gia vào Mạng lưới thầy thuốc đồng hành của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để một lần nữa khẳng định niềm tin rằng dù ở bất kỳ nơi đâu chúng ta cũng có thể chung tay cùng đồng nghiệp. Có những ngày chỉ chợp mắt được 2-3 giờ đồng hồ nhưng tất cả mọi người không biết mệt, chỉ với một suy nghĩ duy nhất, mọi việc phải kết thúc và chỉ cần mỗi người cố gắng một chút, chúng ta sẽ vượt qua.
Bằng niềm tin và kinh nghiệm đó, cùng với Ban điều hành Mạng lưới, trong những chuyến đi công tác về Cần Thơ, Đà Nẵng, Mạng lưới dần hình thành tại các địa bàn này, lan tỏa sự sẻ chia, chăm sóc, tư vấn, theo dõi và hỗ trợ bệnh nhân.
Đối với tôi, hạnh phúc không từ những Giấy khen hay Bằng khen, mà từ sự ghi nhận của cộng đồng, của các thế hệ học viên, sinh viên khi được truyền lửa. Có những cuộc họp zoom của Mạng lưới thầy thuốc đồng hành gần 10 ngàn người mà tôi ứa nước mắt khi nhận được tin trên cửa sổ trò chuyện: em chào cô, cô của em đó mọi người ơi… Đó là hạnh phúc của người làm thầy khi có thể gửi gắm không chỉ kiến thức, mà còn là thái độ sống vì cộng đồng, trách nhiệm với ngành nghề mình đã chọn.
Mời độc giả xem thêm video:
10 điều F0 "Không" cần nhớ với điều trị F0 tại nhà